Cái bắt tay có thể thay đổi cuộc chơi tại Trung Đông

Bộ Ngoại giao Iran mới đây thông báo, phái đoàn của họ sẽ tới thăm Ảrập Xêút vào ngày 14.4, để mở đường cho việc mở lại các cơ quan ngoại giao của nước này tại đây. Đây là động thái giúp hai quốc gia tiến thêm bước nữa trong tiến trình bình thường hóa, tái lập quan hệ ngoại giao song phương sau 7 năm cắt đứt.

Từ đối đầu thành đối thoại

Thông báo này được đưa ra sau khi phái đoàn Ảrập Xêút đến Tehran trong một chuyến thăm ngoại giao tương tự hôm 8.4, và sau cuộc gặp lịch sử giữa ngoại trưởng hai nước vùng Vịnh ở Trung Quốc tuần trước.

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Ảrập Xêút, Hoàng tử Faisal bin Farhan đã gặp nhau tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 6.4 sau khi Tehran và Riyadh đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao vào tháng 3. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng cam kết mang lại an ninh và ổn định cho vùng Vịnh đầy sóng gió.

Ngoài kế hoạch mở lại Đại sứ quán và Lãnh sứ quán, hai bên còn mong muốn triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký cách đây hơn 20 năm, gia tăng trao đổi về kinh tế và an ninh. Chưa hết, Tổng thống Iran Ebrahim Raissi dự kiến sẽ công du Ryiad vào cuối tháng 4 khi hết mùa chay Ramadan, theo lời mời của Quốc vương Salman. Nhiều nhà phân tích nhận định, nhiều khả năng Iran và Ảrập Xêút sẽ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào dịp này. Hai cường quốc Trung Đông từng tổ chức nhiều vòng đối thoại ở Iraq và Oman trước khi đạt thỏa thuận ở Bắc Kinh.

Iran với đa số là người Hồi giáo dòng Shiite và Ảrập Xêút với đa số theo đạo Hồi dòng Sunni đã ủng hộ các phe đối địch khác nhau trong các vùng xung đột trên khắp khu vực, từ Syria, Lebanon, Iraq đến cả Yemen, nơi thậm chí được nhiều người gọi là cuộc chiến ủy nhiệm của cả hai. Riyadh lãnh đạo liên minh quân sự hỗ trợ Chính phủ được quốc tế công nhận ở đất nước thuộc Bán đảo Ảrập này, trong khi Tehran ủng hộ quân nổi dậy Houthi kiểm soát Thủ đô Sanaa và các khu vực rộng lớn ở phía Bắc.

Vì vậy, quan hệ giữa hai nước lớn tại khu vực Trung Đông trải qua nhiều thăng trầm. Căng thẳng giữa Tehran và Riyadh từng leo thang đáng báo động trong suốt thập kỷ qua, gắn với nhiều sự kiện như Mùa xuân Ảrập năm 2011, chiến sự tại Syria, nội chiến ở Yemen hay vụ giẫm đạp đẫm máu tại Mecca năm 2015. Ảrập Xêút từng cắt đứt quan hệ với Iran vào tháng 1.2016, sau khi Đại sứ quán nước này ở Tehran và Lãnh sự quán ở thành phố Mashhad phía Tây Bắc bị tấn công bởi những người biểu tình phản đối việc chính quyền Riyadh tử hình giáo sĩ đối lập Nimr al-Nimr, một trong những thủ lĩnh của người thiểu số Shiite ở Ảrập Xêút. Ông này, được Iran công khai ủng hộ, là nhân vật nổi bật trong cuộc đấu tranh của người Shiite ở Ảrập Xêút để giành quyền lợi và được công nhận.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (phải) và Ngoại trưởng Ảrập Xêút, Hoàng tử Faisal bin Farhan (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6.4.2023. Nguồn: IRNA

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (phải) và Ngoại trưởng Ảrập Xêút, Hoàng tử Faisal bin Farhan (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6.4.2023. Nguồn: IRNA

Đâu là chìa khóa

Theo một số nhà quan sát quốc tế, liệu đó có thể là sự gia tăng ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc, những khó khăn địa chính trị và kinh tế, hay cuộc chiến ở Ukraine? Hay đó có thể là tầm quan trọng chiến lược của Trung Đông, các tuyến vận chuyển quan trọng của khu vực đối với nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu bảo đảm an ninh và ổn định cũng như mong muốn ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn trong khu vực? Tất cả đều là những lý do chính đáng để hai nước khôi phục quan hệ.

Thực vậy, có nhiều lý do đằng sau cái bắt tay trở lại giữa Ảrập Xêút và Iran. Đầu tiên là nhờ chính sách khôn ngoan của Ảrập Xêút, dựa trên lợi ích chiến lược dài hạn thay vì lợi ích ngắn hạn. Điều này bất chấp nỗ lực của một số cường quốc toàn cầu muốn thu hút khu vực vào các liên minh phù hợp với lợi ích của họ.

Washington nóng lòng muốn biến Israel thành lực lượng thay thế để bảo đảm ổn định khu vực, điều này sẽ mang lại lợi ích cho nhà nước Do Thái thông qua việc bán vũ khí và cho phép họ thâm nhập vào hệ thống an ninh vùng Vịnh. Ảrập Xêút không thực hiện cách tiếp cận thụ động trước những nỗ lực của các cường quốc phương Tây nhằm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Thay vào đó, ông Musaed Al-Aiban, Cố vấn an ninh quốc gia của Ảrập Xêút, gần đây cho biết nước này sẽ “tuân thủ các nguyên tắc đối thoại và ngoại giao để giải quyết những khác biệt” với các nước láng giềng. Bản thân Hoàng tử Faisal bin Farhan cũng khẳng định tầm nhìn của vương quốc về việc sử dụng “các giải pháp chính trị và đối thoại” để bảo đảm hòa bình trong khu vực.

Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đánh dấu thay đổi trong các động lực toàn cầu, mở ra một thế giới đa cực. Nó cho phép Trung Đông đóng vai trò quan trọng hơn trong các chính sách kinh tế và toàn cầu. Thực tế, Iran đưa ra quyết định hạ nhiệt căng thẳng với các nước Ảrập theo dòng Sunni để tập trung vào chiến lược xây dựng trục đối trọng với Mỹ. Việc Trung Quốc hỗ trợ Iran khôi phục quan hệ với Ảrập Xêút chỉ là một mắt xích trong chuỗi đó. Chính sách đó có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Iran với Nga và mối quan hệ ấm lên của nước này với Turkmenistan, Kazakhstan và Armenia. Dưới con mắt của Iran, điều này tạo thành mặt trận thống nhất đối trọng với Mỹ.

Trong sự thay đổi rõ rệt so với quá khứ, theo quan điểm của người Iran, bất kỳ mối quan hệ tích cực nào với một quốc gia Hồi giáo dòng Sunni đều phục vụ lợi ích chiến lược của họ, đặc biệt là do Hiệp định Abraham năm 2020 đã hạn chế nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Tehran. Hiệp định lịch sử này chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước vùng Vịnh và Ảrập (UAE, Bahrain, Morocco và Sudan).

Hơn nữa, do phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới sụp đổ, bắt tay với Ảrập Xêút có thể cho Tehran những con đường mới để giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.

Về phần mình, hạ nhiệt cuộc nội chiến ở Yemen là yếu tố thúc đẩy Ảrập Xêút tiến gần Iran. Chính quyền Tehran được cho là đã đồng ý khuyến khích các đồng minh Houthi của họ ở Yemen duy trì thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm hiện tại. Lâu nay, Ảrập Xêút phải chi hàng triệu USD để bảo vệ lãnh thổ của mình trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi. Hơn nữa, Ảrập Xêút cũng muốn chi hàng chục tỷ USD cho các siêu dự án nhằm xoay trục vương quốc này khỏi sự phụ thuộc vào dầu thô trong bối cảnh các mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra. Thỏa thuận với đối thủ hàng đầu trong khu vực sẽ giúp giảm những quan ngại về các cuộc tấn công xuyên biên giới, ảnh hưởng đến những siêu dự án tham vọng này…

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/-cai-bat-tay-co-the-thay-doi-cuoc-choi-tai-trung-dong-i323175/