Cái bắt tay đôi bên cùng lợi
Với dự án thành lập một trung tâm khí đốt lớn tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang cùng nhau nỗ lực đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, từ đó mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Theo trang tin News.az, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những bước đi táo bạo nhằm khẳng định vị thế là một nhân tố trung tâm trong thương mại khí đốt Á-Âu. Với dự án thành lập trung tâm khí đốt lớn tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ hướng đến mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng mà còn định hình lại động lực của thị trường khí đốt cho cả châu Âu và châu Á. Dự án này được phát triển thông qua quan hệ đối tác giữa công ty kinh doanh đường ống dẫn dầu và khí đốt BOTAS do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu và tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga. Dự kiến, trung tâm này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bảo đảm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về sự ủng hộ của ông đối với dự án xây dựng trung tâm khí đốt này.
Trung tâm khí đốt tại Istanbul hứa hẹn sẽ trở thành một phần quan trọng trong thương mại khí đốt quốc tế, giúp Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các tuyến đường vận chuyển năng lượng và cơ chế định giá trong khu vực. Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar đã công bố kế hoạch tạo ra một chỉ số khí đốt trong nước, tương tự như các chỉ số ở châu Âu và Mỹ. Chỉ số này có tên Istanbul Gas Index (IGI), sẽ đóng vai trò là chuẩn mực mới cho giá khí đốt tại Istanbul, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ và Nga áp dụng mô hình định giá thay thế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang phát triển tích cực, bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Moscow và phương Tây. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng thông qua việc ký kết những hợp đồng dài hạn với các quốc gia như: Nga, Oman, Qatar và Azerbaijan. Tuy nhiên, hợp tác với Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu. Kể từ năm 2023, BOTAS đã ký một số thỏa thuận với Gazprom để nhận nguồn cung khí đốt với giá ưu đãi.
Theo TRT World, ý tưởng về một trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên được Tổng thống Nga Putin đưa ra vào tháng 10-2022, sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng bày tỏ sự quan tâm đáng kể đến ý tưởng này. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại thành phố Kazan của Nga vào tháng 10 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những chi tiết cụ thể của dự án thành lập trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Do có vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân phối khí đốt. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và căng thẳng với phương Tây vẫn đang tiếp diễn, trung tâm khí đốt tại Istanbul sẽ đóng vai trò là kênh dẫn mới cho khí đốt của Nga, qua đó làm giảm rủi ro gián đoạn nguồn cung. Đối với Nga, dự án này sẽ giúp Moscow bù đắp cho sự mất mát của thị trường châu Âu.
Trong khi đó, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trung tâm khí đốt tại Istanbul dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước này bằng cách tạo ra hàng nghìn việc làm mới, tăng doanh thu từ hoạt động trung chuyển và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong thời kỳ lạm phát và khủng hoảng năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ có ý định nắm bắt cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu về khí đốt trong khu vực, củng cố sự tự chủ về năng lượng và cung cấp mức giá thấp hơn cho người tiêu dùng trong nước. Việc thành lập trung tâm khí đốt là một bước quan trọng trong việc củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên thị trường năng lượng toàn cầu. Dự án này cũng cho thấy cách Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng vị trí chiến lược của mình để đóng vai trò là trung gian giữa châu Âu và châu Á.
Cũng giống như các dự án chiến lược khác, dự án thành lập trung tâm khí đốt tại Istanbul đòi hỏi việc lập kế hoạch và quản lý cẩn thận để tránh những rủi ro tiềm ẩn, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa các bên liên quan. Dù có sự hỗ trợ từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần lưu ý đến việc cân bằng lợi ích của nhiều đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, những bên có thể không ủng hộ sự hợp tác năng lượng chặt chẽ giữa Ankara và Moscow. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần đầu tư tài chính đáng kể vào việc mở rộng các cơ sở lưu trữ khí đốt để có thể triển khai dự án.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/cai-bat-tay-doi-ben-cung-loi-802828