Cái bắt tay tạo lập trật tự năng lượng toàn cầu mới
Theo giới chuyên gia, năm 2023 có lẽ sẽ được ghi nhớ là năm khởi đầu cho một trật tự năng lượng thế giới mới, hình thành bởi liên minh Trung Quốc và Trung Đông.
Petroyuan đang dần thay thế petrodollars?
Trong báo cáo phân tích thị trường dầu của Ngân hàng Credit Suisse, chuyên gia phân tích nổi tiếng Zoltan Pozsar lưu ý Trung Quốc đã và đang mua rất nhiều dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Iran, Venezuela, Nga và một số nước thuộc khu vực của châu Phi, bằng đồng tiền riêng của nước này. Gần đây nhất, tháng 12/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Saudi Arabia. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của một cách thức giao dịch mới gọi là “petroyuan” (giá dầu tính bằng đồng Nhân dân tệ - NDT).
Chuyên gia Pozsar cho rằng, “Trung Quốc muốn viết lại các quy tắc của thị trường năng lượng toàn cầu, như một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hạ nhiệt hiện tượng đô la hóa ở nhóm các quốc gia gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như tại nhiều khu vực khác của thế giới. Lý do, theo vị chuyên gia, đó là Bắc Kinh nhận thấy dự trữ ngoại hối bằng đồng USD đã được “vũ khí hóa”, trở thành công cụ hữu hiệu để các quốc gia phương Tây “trừng phạt” Nga, liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trung Quốc hướng mục tiêu thúc đẩy các giao dịch mua bán dầu được thanh toán bằng đồng NDT trên Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải sớm nhất là vào năm 2025. Động thái này sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong nền thương mại năng lượng toàn cầu.
Mặc dù điều này không làm cho đồng NDT có thể thay thế đồng USD và trở thành một loại tiền tệ dự trữ trên phạm vi toàn cầu, nhưng giao dịch dầu mỏ vẫn có ý nghĩa kinh tế và tài chính quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư. Trước hết, triển vọng về năng lượng giá rẻ đã thu hút các doanh nghiệp công nghiệp phương Tây đến với Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua động thái gần đây của tập đoàn BASF (Đức). Tập đoàn này đã thu hẹp quy mô nhà máy chính của họ ở thành phố Ludwigshafen (Đức) và chuyển hoạt động hóa chất sang Trạm Giang (Trung Quốc). Đây có thể là khởi đầu của hiện tượng mà chuyên gia Zoltan Pozsar gọi là xu hướng “từ trang trại đến bàn ăn”, trong đó Trung Quốc cố gắng thu được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng hơn tại địa phương, sử dụng năng lượng giá rẻ làm mồi nhử.
Thật vậy, một số nhà sản xuất châu Âu trước đây cũng đã quyết định mở rộng hoạt động sản xuất ở Mỹ vì chi phí năng lượng tại đó thấp hơn châu Âu. Nhưng cần lưu ý rằng chính trị dầu mỏ luôn đi kèm với rủi ro tài chính. Vào cuối thập niên 1970, các quốc gia sở hữu dầu mỏ dồi dào đã tìm cách quay vòng “petrodollars” (đô la dầu mỏ, theo nghĩa rộng là số tiền USD mà các nước xuất khẩu dầu mỏ thu được nhờ xuất khẩu dầu mỏ) vào các thị trường mới nổi như Mexico, Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, thông qua các ngân hàng thương mại Mỹ. Chính hiện tượng này đã dẫn đến một số cuộc khủng hoảng nợ ở các thị trường mới nổi.
“Petrodollars” cũng thúc đẩy việc tạo ra một nền kinh tế mang tính đầu cơ, dựa vào nợ nhiều hơn ở Mỹ, khi các ngân hàng tuôn ra lượng tiền mặt để tạo ra tất cả các loại “đổi mới” tài chính mới và một dòng vốn nước ngoài đủ lớn, cho phép Mỹ duy trì mức thâm hụt cao hơn. Xu hướng đó giờ đây bắt đầu “đảo chiều”. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua Trái phiếu Kho bạc Mỹ ngày một ít hơn.
Nếu “petroyuan” cất cánh, đây sẽ là “mồi” tiếp thêm “lửa” cho quá trình phi đô la hóa. Trung Quốc kiểm soát nhiều dự trữ năng lượng hơn và lượng dự trữ này có thể là một nhân tố mới quan trọng góp phần vào lạm phát ở phương Tây. Đó là một vấn đề “cháy chậm”, nhưng có lẽ không chậm như suy tính của một số chuyên gia và các nước tham gia vào thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kết thúc bài viết, tác giả nhấn mạnh sự trỗi dậy của “petroyuan” sẽ là động lực để cả Mỹ và châu Âu tránh xa nhiên liệu hóa thạch, càng nhanh càng tốt.
Chiến thắng lớn của Trung Đông
Trong khi đó, đối với Trung Đông, khu vực này được đánh giá là “một bên chiến thắng lớn trong việc thay thế nguyên liệu của Nga ở châu Âu và sau đó hưởng lợi nhiều hơn bằng cách nhập khẩu nguyên liệu của Nga”. Hay nói cách khác, Trung Đông sẽ củng cố vị thế của mình trên thị trường năng lượng châu Âu khi lệnh cấm đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) với Nga có hiệu lực vào ngày 5/2 tới, được hỗ trợ bởi các nhà máy lọc dầu mới với vị trí địa lý thuận lợi.
Các quốc gia vùng Vịnh đã đổi chỗ với Nga trên thị trường dầu thô, chuyển hướng bán hàng sang châu Âu, trong khi Moscow tập trung vào các khách hàng truyền thống của họ ở châu Á với mức giá chiết khấu. Xuất khẩu dầu thô của vùng Vịnh, cùng với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel, dầu nhiên liệu và nhiên liệu máy bay sang châu Âu đã tăng mạnh vào đầu năm 2023, khi EU tìm kiếm các nhà cung cấp mới.
Trong 12 ngày đầu năm 2023, UAE đã xuất khẩu 133.000 thùng dầu/ngày và các sản phẩm liên quan sang châu Âu, phá kỷ lục hàng tháng cho tháng 1 kể từ năm 2017, theo dữ liệu được chia sẻ bởi Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu. Xuất khẩu 282.000 thùng/ngày của Saudi Arabia trong cùng khoảng thời gian đã vượt qua toàn bộ mức của tháng 1 kể từ năm 2019. Bên cạnh đó, lệnh cấm dầu diesel cũng được đưa ra vào một thời điểm “tình cờ” đối với các quốc gia vùng Vịnh, khi họ chuẩn bị tung ra một loạt các nhà máy lọc dầu lớn mới.
Ông Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu thuộc Ngân hàng Citigroup cho biết, Kuwait đặc biệt thuận lợi để tận dụng các lệnh cấm. Tiểu vương quốc này đang tăng cường sản xuất tại nhà máy lọc dầu al-Zour mới - một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới - có khả năng xử lý 615.000 thùng dầu thô mỗi ngày khi hoạt động hết công suất. Vào tháng 11 năm ngoái, Kuwait đã xuất khẩu lô nhiên liệu máy bay đầu tiên từ địa điểm này. Doanh số bán dầu diesel của Kuwait sang châu Âu trong 12 ngày đầu tháng 1 cho thấy các nhà sản xuất Vùng Vịnh đã tận dụng sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu như thế nào.
Mặt khác, Trung Đông cũng có thể mua các sản phẩm dầu của Nga với giá rẻ và tái xuất chúng. Mùa Hè vừa qua, Saudi Arabia đã tích cực mua dầu nhiên liệu giá rẻ của Nga, sau đó cho phép dầu thô mà vương quốc này thường sử dụng cho nhu cầu trong nước - như chạy máy điều hòa không khí - được xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao hơn. Ai Cập, một nhà sản xuất năng lượng nhỏ hơn so với Saudi Arabia, cũng đã tham gia vào cuộc chơi. Cairo đã nhập khẩu nhiên liệu và dầu đốt của Nga ở mức kỷ lục vào năm ngoái, tái xuất khẩu phần lớn sang Saudi Arabia, nhưng cũng dành cho tiêu dùng ở trong nước để giải phóng khí đốt tự nhiên cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng nguồn cung mới từ Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo châu Âu sẽ phải tìm đến các nhà cung cấp nhiên liệu khác, như Mỹ và Ấn Độ, để lấp đầy “khoảng trống” do Nga để lại.