Cái bụng thiệt thà của bà con trong khu phong tỏa
Nhiều hộ dân trong khu vực phong tỏa đã nhường phần quả của mình cho người có hoàn cảnh hơn với lý do 'nhà tôi còn đủ thức ăn'.
“Khu vực tôi ở tạm thời phong tỏa do liên quan ca bệnh COVID-19 có nhiều nhà và đông dân lắm. Người đủ ăn đủ mặc cũng có, người khó khăn tí cũng có. Được cái nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, những hộ dân trong khu vực phong tỏa thỉnh thoảng nhận được quà hỗ trợ từ các mạnh thường quân” – bà HTM (54 tuổi, ở khu phố 3, phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ.
Nhường quà cho người khó khăn hơn
Bà M. tỏ lòng: “Không phân biệt người giàu người khó, tất cả hộ dân trong khu vực phong tỏa đều được nhận quà của các mạnh thường quân. Quà để trên bàn đặt đầu khu vực phong tỏa, chính quyền địa phương gọi tên hộ dân nào thì đại diện ra nhận”.
Hôm đó, bà M. được chính quyền địa phương gọi nhận quà gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, trứng, sữa… Khi tới bàn để quà, bà M. nói với chính quyền địa phương rằng lương thực trong nhà còn khá nhiều, đủ dùng cho đến khi hết phong tỏa. Do vậy, bà M. xin nhường phần quả này cho người còn khó khăn và đông con. Nghe vậy, chính quyền địa phương vui vẻ gật đầu.
“Mà không chỉ mình tôi, vài hộ dân cũng nhường phần quà cho người khác trong những ngày khu vực bị phong tỏa” – bà M. nói.
Ông T. (48 tuổi, ở khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) cũng nhường phần quà của mình cho hộ khó khăn hơn chút. “Thiệt tình mà nói, tôi đang làm cho 1 công ty đang phát triển nên lương lậu cũng khá, gia đình đủ ăn đủ mặc, lại còn tích cóp được một ít” – ông T. bày tỏ.
“Do liên quan tới 1 trường hợp nhiễm COVID-19 nên khu vực tôi ở bị phong tỏa. Được chính quyền địa phương quan tâm và mạnh thường quân giúp đỡ, các hộ dân trong khu vực phong tỏa thỉnh thoảng nhận được lương thực và vật dụng cần thiết. Mà không chỉ mình tôi, anh K. và chị C. cũng nhường phần quà của mình cho những hộ dân có hoàn cảnh hơn” – ông T. cho biết.
Thắm tình lối xóm
Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận Gò Vấp, cho biết trên địa bàn phường tổng cộng 6 khu vực và 1 phòng khám bị phong tỏa do có các ca bệnh COVID-19. “Hơn 180 hộ dân, 56 phòng trọ và gần 900 nhân khẩn trên địa bàn phường bị ảnh hưởng do phong tỏa” – ông Tuấn cho biết thêm.
Chẳng những chịu ảnh hưởng tâm lý, bà con trong khu vực phong tỏa ít nhiều còn bị ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày do tạm ngưng công ăn việc làm. Ngoài trấn an tinh thần, chính quyền địa phương còn cố gắng chăm lo cái ăn hàng ngày cho bà con trong khu vực phong tỏa.
Được sự hỗ trợ hết mình của mạnh thường quân, chính quyền địa phương thỉnh thoảng mang quà tặng các hộ dân trong khu vực phong tỏa. “Có 1 điều khiến nhiều người xúc động. Đó là không ít hộ dân trong khu vực phong tỏa đã nhường phần quà của mình để tặng lại những người khó khăn hơn. Người nhường phần quà chưa chắc đã giàu nhưng họ biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh giữa mùa dịch COVID-19. Chắc chắn 1 điều sau khi gỡ phong tỏa, tình làng nghĩa xóm sẽ khắng khích hơn” – ông Tuấn nói.
“Trên địa bàn phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM có 3 điểm phong tỏa do liên quan những ca COVID-19 với hơn 110 nhân khẩu” – ông Lê Trường Tồn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, cho biết.
Cũng như những địa phương khác, chính quyền phường Hiệp Thành luôn dõi theo cuộc sống hàng ngày của các hộ dân trong khu vực phong tỏa và vận động mạnh thường quân hỗ trợ thực phẩm, vật dụng cần thiết. “Thấu hiểu cuộc sống bà con trong khu vực phong tỏa ít nhiều ảnh hưởng, các mạnh thường quân mở rộng tấm lòng. Từ đó, gạo, mì gói, nước tương, nước giải khát, xà bông, khẩu trang… liên tục chuyển tới chính quyền địa phương để nơi đây trao tặng các hộ dân trong khu vực phong tỏa” – ông Tồn chia sẻ.
Có một sự việc khiến nhiều người ấm lòng. Đó là không ít hộ dân trong khu vực phong tỏa xin được không nhận quà của các mạnh thường quân. Họ từ chối không phải vì món quà kém giá trị mà chỉ với 1 lý do đầy tính nhân văn: “Hiện nhà tôi còn đủ thực phẩm dùng trong những ngày phong tỏa nên tôi xin nhường phần quà cho hộ dân đông con và khó khăn hơn. Tôi cám ơn sự quan tâm của những nhà mạnh thường quân rất nhiều”.
“Trong 14 ngày phong tỏa, nhiều người dễ nhận ra cái bụng thiệt thà của bà con lối xóm và tình thân ái đã kết dính những người cùng hoàn cảnh với nhau” – ông Tồn trải lòng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/cai-bung-thiet-tha-cua-ba-con-trong-khu-phong-toa-994264.html