Cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch: Cơ hội để xây dựng chính phủ số hiện đại
Tinh gọn bộ máy nhà nước dựa trên chuyển đổi, ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý đang là xu hướng quan trọng và tất yếu, giúp tăng tính minh bạch, giảm chi phí vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Xung quanh vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới về một số giải pháp, nhằm đưa đất nước phát triển xứng tầm trong kỷ nguyên mới.
- Trước hết, ông có thể chia sẻ về "căn bệnh" lãng phí trong khu vực nhà nước hiện nay?
- Những câu nói, khái niệm như “chân ngoài dài hơn chân trong” hay “tiền chùa” phản ánh chính xác thực trạng hiện nay, đó là sự lãng phí nguồn lực trong khu vực nhà nước - vấn đề ai cũng hiểu, song không dễ giải quyết. Những cụm từ này không chỉ là “lời nói dân gian”, mà là hệ quả của thực tiễn đáng buồn.
Cũng như nhiều nước có nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường khác, các vấn đề được mô tả bằng những câu trên có nguồn gốc từ “tư duy bao cấp”, chưa được chuyển sang “tư duy thị trường” một cách hợp lý để hướng theo tương lai mô hình “kinh tế bao cấp hiện đại”. Khi áp dụng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chưa có tư duy phù hợp, văn hóa phù hợp, thì “văn hóa bao cấp” vẫn tồn tại trong cán bộ quản lý.
Nếu chúng ta chấp nhận hiện tượng này như một điều bình thường trong đời sống, thì quả thực rất đáng lo. Lãng phí không chỉ làm hao hụt nguồn lực, mà còn kéo lùi sự phát triển, làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả của bộ máy công quyền; không ai tập trung chăm lo lợi ích chung, mà chỉ lo cho riêng mình là nhận thức sai về kinh tế thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, cần một cuộc cách mạng mạnh mẽ, dám “cắt bỏ” những gì cũ kỹ, lạc hậu, không còn phù hợp do tư duy không đúng về lợi ích khi bước từ “hoàn cảnh bao cấp” sang “môi trường thị trường” để thay thế bằng hệ thống quản lý gọn nhẹ, hiệu quả hơn, tạo công bằng trong phân phối lợi ích toàn xã hội. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng cơ chế để những người trong khu vực nhà nước thực sự sống được bằng hiệu suất lợi ích toàn xã hội từ thực thi nhiệm vụ gắn với trách nhiệm quản lý, không cần “chân ngoài” bù đắp. Khi đó, họ toàn tâm, toàn ý làm việc, yên tâm phát huy hết công suất, tạo ra hiệu quả thực sự, không vì tư lợi trong thực thi nhiệm vụ, được xã hội ghi nhận xứng đáng.
- Vậy, làm thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, thưa ông?
- Vấn đề không nằm ở việc thiếu đường lối hay chính sách. Đường lối của Đảng, Nhà nước giống như ánh sáng mặt trời, luôn sáng tỏ và định hướng đúng đắn. Thách thức thực sự là làm sao để tổ chức thực hiện tốt đường lối này.
Hiện bộ máy hành chính nhà nước vẫn cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị nhiều khi giống như đòi chia phần hơn trong “miếng bánh ngân sách”, chưa coi ngân sách nhà nước là nguồn lực tài chính của toàn dân đóng góp. Như vậy, những người có thẩm quyền cần thực hiện tối ưu hóa trong sử dụng nguồn lực này. Đây là điều cần thay đổi.
Riêng nguồn lực ngân sách phải để ra đến 70% để vận hành bộ máy quản lý kém hiệu quả đang là điều rất bất hợp lý, cần thay đổi. Cách giải quyết rút gọn đầu mối quản lý là việc đầu tiên phải làm. Song, đấy chỉ là xếp lại “phần xác” của bộ máy, điều quan trọng hơn là tạo dựng “phần hồn” của bộ máy mới tạo ra hiệu suất quản lý.
Bộ máy phải chọn lọc để tuyển dụng được những cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức, từ đó thực hiện được hoạt động của bộ máy theo khung logic hợp lý. Mỗi vị trí đều có nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, các vị trí kết hợp thành guồng máy nhuần nhuyễn. Việc xây dựng guồng máy chính là việc “thổi hồn” cho bộ máy. Công việc này vô cùng lớn và mất nhiều công nghiên cứu, xem xét, thử nghiệm...
Nếu chúng ta chỉ quan tâm tới hình thức, bỏ qua nội dung thì những “biến dạng” sẽ nảy sinh, không đạt mục tiêu đề ra. Về mặt văn hóa quản lý, chúng ta cũng cần loại bỏ thói hư, tật xấu gắn với việc chuyển “công” thành “tư” như đã thấy trên thực tế. Chẳng hạn, chúng ta phải loại bỏ được nếp tư duy xấu từ thời phong kiến, nay lại được vực dậy trong cơ chế thị trường như “tình thân hữu trong công việc” hay "một người làm quan, cả họ được nhờ”...
Như vậy, không phải chỉ sáp nhập đơn thuần là xong, mà cần tái cấu trúc toàn bộ hệ thống quản lý. Điều này bao gồm: Tinh gọn bộ máy hành chính, loại bỏ các phòng, ban hoặc chức năng chồng chéo; loại bỏ những nhân sự mà việc quản lý không cần đến; đặt rõ tiêu chí đo lường hiệu quả công việc, không chỉ dừng ở số lượng mà phải đánh giá được chất lượng; cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý hành chính để giảm nhân lực thừa, nâng cao hiệu suất làm việc.
Khi bộ máy hành chính thực sự trở thành tổ chức tinh gọn, hiệu quả, niềm tin của người dân vào Nhà nước được củng cố, nền kinh tế sẽ đủ điều kiện phát triển bền vững. Nhà nước đã có một thời gian từ năm 2000 tập trung vào cải cách thủ tục hành chính. Nhiệm vụ cải cách thể chế hành chính đang bước vào giai đoạn quyết liệt.
- Ông đánh giá thế nào về việc hợp nhất một số bộ ngành, lĩnh vực, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường - nơi ông đã từng công tác, với Bộ NN&PTNT?
- Quan điểm của tôi là việc hợp nhất này không những cần thiết, mà còn phải được thực hiện ngay. Chúng ta đã để tồn tại quá lâu những bất cập trong bộ máy quản lý, khiến ngân sách nhà nước phải gồng gánh hệ thống cồng kềnh, không hiệu quả. Những việc xã hội hóa được thì giao cho khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Cơ quan nhà nước chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát, tạo quy trình để người dân tham gia quản lý và giám sát như Hiến pháp 2013 quy định.
Theo nguyên tắc, những gì xã hội làm được hãy để cho xã hội làm, Nhà nước chỉ làm những việc mà xã hội không ai muốn làm. Thực tế, nhiều bộ, ngành vẫn còn giữ nguyên đơn vị sự nghiệp từ thời bao cấp, như những viện không làm công tác nghiên cứu, trung tâm, ban… Thậm chí, nhiều nơi còn đặt ra cục, vụ để quản lý các ngành không cần tới sự quản lý của Nhà nước. Điều này gây lãng phí lớn, trong khi đất nước không đủ nguồn lực đầu tư các lĩnh vực thiết yếu, như hạ tầng, giáo dục, y tế hay phát triển đất nước...
Về nguyên tắc, việc sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ NN&PTNT là hợp lý trong bước đi đầu tiên, cần quyết liệt. Tất nhiên, bước tiếp theo là tổ chức lại các bộ, ngành theo hướng bộ máy hành chính làm đúng việc Chính phủ cần làm; lãnh đạo khu vực ngoài nhà nước làm những việc Nhà nước không cần làm. Việc tổ chức lại này cần dựa vào định hướng phát triển của giai đoạn mới, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi số, phát triển xanh, sạch, tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế quốc tế trên cơ sở tận dụng ưu việt của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Từ 3 nhiệm vụ phát triển theo xu hướng đã được định hình toàn cầu và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của nước ta hiện nay, chúng ta cần xem xét cách tổ chức lại bộ máy của bộ mới hình thành từ sáp nhập Bộ NN&PTNT với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước hết, điểm mạnh của kinh tế Việt Nam hiện là nông nghiệp với lượng dân cư khu vực nông thôn chiếm tới 60% dân số, xuất khẩu nông sản là chủ yếu. Việc phát triển nền nông nghiệp số là cần thiết, sự chung tay giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp là hướng đi tất yếu.
Nông nghiệp số là cơ sở để áp dụng chủ trương chuyển đổi số. Chúng ta phải xây dựng nền nông nghiệp chính xác và nông nghiệp thông minh (nông nghiệp công nghệ cao). Nhiều cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay, như: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý, Cục Viễn thám, Tổng cục Khí tượng và Thủy văn… đều đáp ứng nhiệm vụ này. Tất nhiên, việc làm phải gắn với việc xem xét để phân biệt rõ ràng, đâu là cơ quan quản lý, đâu là cơ quan sự nghiệp và phần công việc nào sẽ được xã hội hóa.
Nhìn vào hiện trạng, việc duy trì đội ngũ cán bộ hùng hậu chỉ để thực hiện nhiệm vụ như khuyến nông, khuyến ngư, thổ nhưỡng, bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng tài nguyên nước… đều do Nhà nước "bao sân". Trong khi đó, quản lý khai thác khoáng sản có nhiều khoảng hở làm thất thoát lợi ích công quá lớn.
Việc hợp nhất cần đi kèm đổi mới trong cách quản lý. Chúng ta cần học tập mô hình từ các nước phát triển, nơi tư nhân đảm nhiệm hầu hết dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Nhà nước tập trung quản lý, xây dựng khung pháp lý, giám sát thông qua hệ thống minh bạch và ứng dụng công nghệ.
Trong lĩnh vực đo đạc bản đồ chẳng hạn, Hà Nội và nhiều địa phương đã tiêu tốn nhiều ngân sách, nhưng dữ liệu thường xuyên lạc hậu, không sát thực tế. Tại sao chúng ta không áp dụng công nghệ, sử dụng ảnh vệ tinh, hợp tác với đơn vị chuyên môn để liên tục cập nhật và làm giàu dữ liệu? Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn giúp quản lý đất đai một cách chính xác và hiệu quả hơn. Nhiều công việc khác trong ngành Tài nguyên và Môi trường nên được xã hội hóa, giao cho doanh nghiệp và tư nhân đảm nhận. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chỉ là tổ chức cho khu vực ngoài nhà nước triển khai đúng pháp luật. Điều này sẽ giảm tải cho các đơn vị thực thi công vụ; người dân được phục vụ nhanh chóng, minh bạch hơn, không bị gây phiền hà...
Việc giảm sự tham gia trực tiếp của Nhà nước vào các lĩnh vực mà tư nhân làm tốt sẽ giảm tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, khắc phục lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả phát triển. Đây là cơ hội để xây dựng chính phủ số hiện đại, vận hành linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, ít bị lãng phí...
- Trân trọng cảm ơn ông!