Cải cách chính sách an sinh xã hội: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Chính sách an sinh xã hội (ASXH) đã và đang trở thành yếu tố thiết yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia, nhằm giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển việc làm bền vững.
Thách thức bao phủ an sinh toàn dân
Báo cáo ASXH thế giới 2024 - 2026 được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây đã đưa ra nhận định về sự thay đổi trong việc triển khai chính sách ASXH tại các nước. Tại Việt Nam, ILO đánh giá, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ ASXH.
Tuy nhiên theo ILO, vẫn còn nhiều thách thức đối với việc mở rộng ASXH cho toàn dân, ví dụ như thị trường lao động phi chính thức còn lớn và tốc độ già hóa dân số nhanh trong điều kiện thu nhập trung bình. Đặc biệt, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang nổi lên là một thách thức lớn. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu. Điều này ảnh hưởng đến tất cả người dân và là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với công bằng xã hội.
Nhận định về những thách thức trong việc triển khai chính sách ASXH, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để hướng đến một xã hội phát triển thì việc ưu tiên các chính sách ASXH, trợ giúp xã hội là nhiệm vụ bao trùm cần phải quan tâm. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị Quyết 42-NQ/TW năm 2023 về Đổi mới chính sách xã hội, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (2024) và đang sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm. Những thay đổi này đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn đến việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), phù hợp với các Tiêu chuẩn Lao động quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Tuy nhiên, giống như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong quá trình mở rộng chính sách ASXH toàn dân. Để đối phó với những thách thức đó, theo GS.TS Phạm Hồng Chương, ASXH toàn dân là công cụ hàng đầu hiện có để giúp đảm bảo rằng khủng hoảng khí hậu không làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
“Để một quốc gia phát triển bền vững, các mục tiêu về ASXH là một trong những mục tiêu then chốt cần đạt được. Hệ thống ASXH đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội, thực hiện quyền ASXH cho toàn dân, nên các chính sách ASXH đã và đang trở thành yếu tố thiết yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia nhằm giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập và đời sống của các gia đình. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển việc làm bền vững” - ông Chương nhấn mạnh.
Đảm bảo nguồn tài chính
Ông Andre Gama - Giám đốc Chương trình ASXH, Tổ chức ILO Việt Nam cho biết, ASXH đóng góp quan trọng vào cả quá trình thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần có hành động chính sách để tăng cường hệ thống ASXH và thích ứng với thực tế mới, đặc biệt là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù chính sách ASXH tại Việt Nam đã được thiết lập theo hướng đa tầng hướng tới bảo vệ những người dân yếu thế, tuy nhiên để có được chính sách ASXH bền vững và đủ rộng để bao phủ tất cả các đối tượng thì việc cải cách chính sách ASXH mạnh mẽ hơn là điều buộc phải có.
GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, các xu hướng lớn đang diễn ra mạnh mẽ và có nhiều thách thức với hệ thống ASXH ở Việt Nam. Định hướng đầu tiên là phải thống nhất, hài hòa các chính sách, chế độ ASXH. Hiện nay, các chính sách bị phân mảng và được quản lý theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống thiên tai…
Cũng theo ông Long, tại Việt Nam, chi thường xuyên từ ngân sách dành cho các khoản như trợ cấp hưu trí, trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi... Bên cạnh đó, Việt Nam còn đối diện với nhiều sự kiện khẩn cấp, thời tiết cực đoan… Chính vì vậy mở rộng không gian tài khóa cho ASXH rất quan trọng.
Để có được nguồn tài khóa, GS.TS Giang Thanh Long gợi mở, các doanh nghiệp phát thải nhiều thì phải chịu thuế carbon cao hơn, điều này có thể tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho các quốc gia. Tuy nhiên, khi chuyển đổi nhà máy điện than bằng năng lượng tái tạo, điện mặt trời thì người lao động lại dễ tổn thương trong quá trình chuyển đổi, nguy cơ mất việc ở độ tuổi 35 - 40 rất lớn. Do đó, nguồn thu từ thuế carbon có thể tài trợ cho chính sách ASXH, và chính sách này cần triển khai phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Andre Gama cho rằng, cần tăng cường hệ thống ASXH quốc gia để thực hiện ASXH toàn dân. Trong đó, mở rộng diện bao phủ, bao gồm cả người lao động trong tất cả các loại hình việc làm; cải thiện mức hưởng; đảm bảo ít nhất một mức ASXH cơ bản cho mọi người. Bên cạnh đó, đảm bảo tài chính bền vững và công bằng cho ASXH bằng cách huy động nguồn lực trong nước từ thuế và tiền đóng bảo hiểm xã hội; huy động sự hỗ trợ của quốc tế trong bối cảnh cần thiết.