Cải cách chính sách thuế giá trị gia tăng và một số đề xuất

Triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng của Luật Thuế giá trị gia tăng vào các năm 2013, 2014 và 2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc sửa đổi, bổ sung thuế giá trị gia tăng đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn nền kinh tế, cũng như yêu cầu đặt ra về mở rộng cơ sở thuế… chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành đã phát sinh nhiều bất cập cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới.

Mở đầu

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được Quốc hội phê chuẩn năm 1997 và áp dụng từ năm 1999. Đến nay, thuế GTGT đã trở thành một trong những sắc thuế trụ cột trong hệ thống thuế của nước ta. Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng nội dung hoàn thiện thuế GTGT là: “Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế; quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế GTGT phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế”.

Sau 10 năm triển khai Quyết định số 732/QĐ-TTg, đến nay, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng của Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 vào các năm 2013, 2014 và 2016. Việc sửa đổi, bổ sung thuế GTGT trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn nền kinh tế cũng như yêu cầu đặt ra về mở rộng cơ sở thuế, đổi mới cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng bền vững… chính sách thuế GTGT hiện hành đã phát sinh các vấn đề bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh mới.

Kết quả cải cách thuế giá trị gia tăng và những tác động

Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 được xem là một trong những điểm nhấn của cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát huy tối đa nội lực và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài.

Thực thi đầy đủ các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Luật Thuế GTGT năm 2008 đã thể hiện sự đối xử công bằng giữa hàng hóa dịch vụ được sản xuất trong nước và nhập khẩu trên tất cả các nội dung: Phạm vi áp thuế, phương pháp tính thuế, thuế suất, khấu trừ thuế và hoàn thuế. Bám sát các mục tiêu định hướng của Chiến lược cải cách thuế, những nội dung cải cách đã được triển khai, cụ thể:

Một là, về phạm vi chịu thuế GTGT: Luật Thuế GTGT quy định áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, nhập phẩu, tiêu dùng tại Việt Nam, (trừ 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế). Theo đó, Luật Thuế GTGT năm 2013 và 2016 đã sửa đổi, bổ sung 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ theo hướng thu hẹp, để mở rộng diện chịu thuế; đồng thời, quy định cụ thể hơn, bảo đảm rõ ràng, dễ thực hiện cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý. Trong đó, nổi bật là:

(i) Nhóm hàng hóa là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra (khâu đầu tiên của sản xuất trong nước) và ở khâu nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế. Tại các khâu kinh doanh tiếp theo, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) có mua các mặt hàng này để bán cho DN, HTX khác thuộc diện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Theo quy định mới này, các DN, HTX sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lưu thông nội địa, vừa tiết kiệm được chi phí tài chính, do không phải bỏ tiền nộp thuế trước, vừa được khấu trừ thuế đầu vào các chi phí lưu thông bảo đảm, góp phần làm tăng giá trị của hàng hóa nông sản.

(ii) Quy định cụ thể hơn nội dung không áp thuế GTGT đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực tài chính, tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm (tại Khoản 8, Điều 5 của Luật); Các dịch vụ mang tính bảo trợ, an sinh xã hội (Khoản 9, Điều 5 của Luật, được sửa năm 2016) như: Y tế, thú y, khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi… Qua đó, đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội theo hướng bền vững.

(iii) Thực hiện chính sách tam nông, tiếp tục quan tâm đến các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hoạt động đánh bắt thủy sản ở xa bờ… tạo điều kiện thuận lợi cho những ngành này giảm bớt chi phí đầu tư, chi phí đầu vào. Luật số 71/2014/QH13 quy định một số mặt hàng trước đây áp dụng mức thuế suất GTGT là 5%, từ năm 2015 được chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Đó là các mặt hàng: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (bao gồm máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu); tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.

(iv) Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường thông qua quy định về thuế GTGT: Đối với nhóm hàng hóa là tài nguyên khoáng sản hoặc có gốc là tài nguyên (Khoản 23, Điều 5 của Luật), được quy định tiêu chí cụ thể là 51% giá thành trở lên là trị giá tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng rất cần hạn chế xuất khẩu. Với tiêu chí này, hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm tài nguyên và có gốc tài nguyên sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, trên cơ sở đó không áp dụng mức thuế suất GTGT là 0% và không hoàn thuế nhằm khuyến khích chế biến sâu, tạo ra GTGT cho ngành công nghiệp chế biến trong nước.

Hai là, sửa đổi căn bản các quy định về khấu trừ và hoàn thuế GTGT, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần hạn chế tình trạng gian lận trong khấu trừ thuế đầu vào và hoàn thuế. Trên thực tế có không ít trường hợp lập ra nhiều DN trong “nhóm” thực hiện mua bán lòng vòng, các DN trong “nhóm” đều có hóa đơn, có hợp đồng, có chuyển tiền qua ngân hàng để hợp thức hóa đơn. Không ít DN luôn được hoàn thuế GTGT, nhưng kinh doanh thua lỗ, sau đó làm thủ tục giải thể, phá sản khi đã “ôm trọn" số thuế được hoàn trước đó.

Tuy nhiên, Luật số 106/2016/QH13 đã sửa quy định trên, theo đó từ ngày 01/7/2016 trở đi, các DN đang hoạt động kinh doanh nếu có số thuế đầu vào không được khấu trừ hết thì chuyển sang kỳ sau để tiếp tục khấu trừ, cơ quan quản lý thuế không thực hiện hoàn thuế. Với quy định mới này những DN có hành vi gian lận dùng các thủ thuật “mua cao, bán thấp, ghi số liệu hạch toán tồn kho cao”, cố tình tạo ra số thuế âm nhằm ý đồ hoàn thuế sẽ không còn cơ hội để hoạt động. Bên cạnh đó, quy định trên còn có tác dụng tích cực đối với các DN chân chính đang hoạt động quan tâm hơn và tăng cường các biện pháp quản trị nội bộ, nhằm giảm bớt hàng tồn kho, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hóa.

Ba là, những quy định trong chính sách hoàn thuế GTGT đầu vào đối với xuất khẩu và dự án đầu tư mới được sửa đổi bổ sung vừa thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước về khuyến khích đầu tư và khuyến khích xuất khẩu; đồng thời, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách, góp phần định hướng đầu tư thực chất hơn. Ở khía cạnh NSNN, sự thay đổi quy định về khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào cũng góp phần bảo đảm số thu/chi NSNN theo hướng thực chất hơn, hạn chế được tình trạng hoàn nhiều/thu nhiều; hạn chế việc thu tại địa phương này nhưng hoàn tại địa phương khác, ảnh hưởng tiêu cực đến cân đối của ngân sách trung ương (vì thuế GTGT là khoản thu phân chia, trong khi hoàn thuế GTGT thì lấy từ Trung ương thông qua Quỹ hoàn thuế).

(i) Đối với cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư mới, có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào đang sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì vẫn được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh này sẽ không được hoàn thuế GTGT, chưa được khấu trừ của dự án đầu tư mà chuyển sang kỳ tiếp theo để khấu trừ đối với các trường hợp: Dự án đầu tư của DN không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư. Nhà nước hạn chế xuất khẩu khoáng sản và hàng hóa không được chế biến sâu, do vậy các dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.

(ii) Các cơ sở kinh doanh xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế theo tháng, quý. Tuy nhiên, việc hoàn thuế sẽ không áp dụng trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu mà không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan. Việc hoàn thuế xuất khẩu trong quản lý thuế cũng được thực hiện chặt chẽ hơn, theo đó số thuế được hoàn từng kỳ tối đa không quá 10% trị giá hàng xuất khẩu; với các DN vừa có xuất khẩu, vừa có tiêu thụ nội địa thì phải kê riêng thuế đầu vào của hàng xuất khẩu, sau khi bù trừ với số thuế phải nộp của nội địa, số âm thuế còn lại mới được xét hoàn.

(iii) Với các dự án đầu tư của DN đang hoạt động, DN có dự án đầu tư ở địa phương khác với địa phương (cấp tỉnh) nơi DN đóng trụ sở chính, thay vì việc hoàn thuế tại địa phương nơi thực hiện dự án, nay quy định mới thực hiện xử lý tập trung tại trụ sở chính theo nguyên tắc: Kê riêng số thuế đầu vào của dự án, chuyển về trụ sở chính để bù trừ với số thuế đầu ra phải nộp của hoạt động đang sản xuất kinh doanh, số còn lại của dự án đầu tư không được bù trừ hết còn 300 triệu đồng trở lên thì mới được xét hoàn thuế GTGT.

Quy định này sẽ gián tiếp hạn chế được khả năng ngân sách trung ương trợ cấp cho ngân sách địa phương thông qua hoàn thuế cho dự án đầu tư của DN thực hiện tại địa phương. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn cho DN đang hoạt động sớm được lấy lại tiền thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư thông qua việc bù trừ số thuế GTGT đầu vào với số thuế GTGT đầu ra phải nộp sau khi đã kê khai riêng biệt.

Vướng mắc, bất cập trong thực thi và quản lý thuế giá trị gia tăng

Bên cạnh những tác động tích cực đối với NSNN, phát triển kinh tế, khuyến khích xuất khẩu và đầu tư như trên, quá trình thực hiện các quy định pháp luật về thuế GTGT và các nội dung mới được sửa đổi (trong các năm 2013, 2014, 2016) đã nảy sinh một số vấn đề bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, quy định về thuế GTGT đối với hàng hóa là đầu vào của nông nghiệp.

Mặc dù, đồng ý với quan điểm ưu tiên nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở rất cao, khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được cắt giảm tối đa theo các Hiệp định thương mại tự do, thì cần phải tính đến quyền lợi của DN trong nước sản xuất ra các mặt hàng là đầu vào của nông nghiệp. Từ năm 2015, khi sửa đổi chuyển từ diện chịu thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT thì các DN sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… bị giảm sức cạnh tranh trên cả 2 mặt trận.

Một mặt phải chịu sức ép giảm giá bán trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại (hàng ngoại nhập trước đây phải nộp thuế GTGT 5%, nay khâu nhập khẩu không phải nộp thuế GTGT khi nhập khẩu), các nhà sản xuất trong nước phải giảm giá bán để đối phó với tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng. Mặt khác, vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều thuộc diện chịu thuế (10% hoặc 5%) trước đây được khấu trừ, nay do đầu ra không áp thuế nên thuế GTGT đầu vào DN phải tính hết vào giá thành, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của DN.

Thứ hai, vướng mắc về quy định đối với hàng xuất khẩu là sản phẩm của ngành công nghiệp lọc hóa dầu.

Quan điểm, chủ trương chung của Nhà nước là không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên khoáng sản dạng thô, hoặc chưa qua chế biến sâu. Vì vậy, tại Khoản 23, Điều 5 Luật Thuế GTGT năm 2008 có quy định hàng hóa xuất khẩu là dầu thô, tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, do vậy, trường hợp này sẽ không được áp dụng thuế suất GTGT 0% và không được hoàn thuế GTGT đầu vào.

Tuy nhiên, Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế có bổ sung thêm đối tượng là “Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Tiếp theo, tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 106/2016 có mở rộng phạm vi hướng dẫn: "Tài nguyên, khoáng sản quy định tại khoản này là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than".

Thực tế cho thấy, hiện nay, có 2 cơ sở lọc dầu là Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và trong từng thời điểm có thể xuất khẩu. Sản phẩm của các cơ sở này là sản phẩm hoàn toàn khác với tài nguyên dầu thô ban đầu, thậm chí về mặt công nghệ, kỹ thuật thì còn được công nhận là sản phẩm qua chế biến sâu.

Trong trường hợp xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ như: Dầu ma zut, dầu diezen (do trong nước sử dụng không hết), hạt nhựa, xăng (do không đạt tiêu chuẩn EURO-5) thì quy định nêu trên tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP không chỉ gây khó khăn cho DN, mà còn chưa phù hợp với định hướng chủ trương, quan điểm về quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với việc phát triển ngành công nghiệp chế biến trong nước.

Thứ ba, về thuế đối với nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng.

Quan điểm xuyên suốt của thuế GTGT ở nước ta là các dịch vụ tài chính, tín dụng, chứng khoán (như cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, bảo lãnh ngân hàng, chuyển nhượng chứng khoán…) luôn được xếp vào diện đối tượng không chịu thuế GTGT, bởi đây là các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Trong khi đó, các hoạt động dịch vụ của các tổ chức tín dụng cung cấp cho khách hàng thì áp dụng thuế GTGT ở mức 10% để bảo đảm sự công bằng và bảo đảm tính liên hoàn của thuế GTGT. Trước đây, với quan điểm cho rằng, L/C là một loại hình tín dụng nên L/C được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 (hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011) tại Khoản 15, Điều 4 quy định “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng”. Theo nội dung này, có ý kiến cho rằng, quy định trên cần được hiểu rằng, L/C là một loại hình dịch vụ thanh toán và đã là dịch vụ thì cần phải áp thuế suất mức 10%. Trong khi đó, cũng không ít ý kiến cho rằng, theo thông lệ quốc tế (Bộ quy tắc về thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - UCP 600), theo đó, một ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/bảo lãnh, do vậy thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Được biết, cơ quan quản lý thuế tại các địa phương đã đi sâu vào từng nghiệp vụ, từng trường hợp L/C cụ thể để áp thuế theo bản chất của giao dịch phù hợp với nguyên tắc của UCP-600. Theo đó, với những L/C mà tổ chức tín dụng chỉ thực hiện việc xác nhận số dư tài khoản, thông báo thông tin, xác nhận chuyển tiền từ khoản ký quỹ của khách hàng thì bản chất đây là dịch vụ thanh toán, cần áp thuế GTGT là 10%. Trong khi đó, những L/C mà ngân hàng thực hiện vai trò bảo lãnh ngân hàng và thực hiện cho vay bắt buộc thì tạm thời áp dụng đối tượng không chịu thuế GTGT, chưa tính thuế GTGT đầu ra; đồng thời, báo cáo lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo.

Đề xuất, khuyến nghị từ thực tiễn quản lý thuế

Từ thực tiễn thi hành quản lý thuế, cũng như những nội dung bất cập, vướng mắc đã đề cập trên, cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về thuế GTGT trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Một là, trên quan điểm hài hòa lợi ích giữa các khu vực của nền kinh tế, vừa thực hiện chính sách quan tâm ưu tiên đến nông nghiệp, nông thôn, nhưng đồng thời phải tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất các mặt hàng là đầu vào của nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, thông qua việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với vật tư nguyên liệu là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thay vì đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT như hiện hành. Với xu hướng gần đây nông dân tích cực thực hiện liên kết với DN, góp đất hoặc cho DN thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất sạch thì việc quay trở lại áp thuế GTGT đối với các mặt hàng nêu trên cũng là việc mở rộng cơ sở thuế, bảo đảm tính liên hoàn của thuế GTGT.

Hai là, những nội dung bất cập về thuế đối với các sản phẩm của ngành công nghiệp lọc hóa dầu sử dụng nguyên liệu dầu thô cần tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ. Trong ngắn hạn, cần nghiên cứu sửa đổi quy định của Nghị định số 106/2016/NĐ-CP. Trong trung và dài hạn, nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng để sửa đổi quy định không áp thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, bởi vì hầu hết các mặt hàng (trừ sản phẩm nông nghiệp), suy cho cùng chúng đều được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu có gốc là tài nguyên khoáng sản.

Ba là, thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C của các tổ chức tín dụng: Tác giả đề nghị tiếp tục giữ quan điểm không đánh thuế GTGT đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, huy động và tài trợ vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán như quy định của Luật Thuế GTGT. Đối với vướng mắc trong thực tiễn quản lý thu thuế đối với nghiệp vụ L/C như trên thực chất là quy định của pháp luật về các nghiệp vụ ngân hàng chưa đầy đủ và rõ ràng.

Do vậy, đề nghị báo cáo Chính phủ, Quốc hội có hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ này theo hướng gắn với bản chất kinh tế của từng loại hình L/C. Với việc cho vay bắt buộc hoặc bảo lãnh thanh toán thì thuộc về nghiệp vụ tín dụng, bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Ngược lại, với những L/C mà tổ chức tín dụng chỉ thực hiện việc xác nhận, thông báo, chuyển tiền thì đương nhiên phải thực hiện áp thuế GTGT ở mức 10%.

Bốn là, cần có quy định để xử lý tồn tại về số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ hết do quy định mới từ ngày 01/7/2016 nhằm bảo đảm lành mạnh tài chính cho các DN chân chính.

Theo quy định của Luật số 106/2016/QH13, không thực hiện hoàn thuế cho các DN đang hoạt động có số thuế đầu vào bị âm (không được khấu trừ hết). Bên cạnh tác động tích cực là hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế GTGT, có không ít DN làm ăn chân chính đang chịu hệ lụy từ quy định mới này do: (i) Luật được thực hiện từ giữa năm nên số thuế âm lẽ ra được hoàn theo quy định cũ, nhưng chưa được xử lý do chưa đủ 12 tháng để xem xét hoàn thuế GTGT; (ii) Những DN chuyên sản xuất các mặt hàng chịu thuế suất 5% (như thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh, dụng cụ cho giảng dạy, học tập …), trong khi thuế GTGT của vật tư, thiết bị đầu vào thuộc diện chịu thuế 10%. Như vậy, nếu cứ tiếp tục hạch toán dồn ở khoản mục và tài khoản theo dõi về thuế GTGT đầu vào được khấu trừ ngày càng tăng lên không có nguồn xử lý thì sẽ dẫn đến khả năng DN bị mất vốn, mất thanh khoản. Tác giả đề xuất xem xét có hướng dẫn cho phép DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN để xử lý tồn tại này.

*Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả trong công tác nghiên cứu khoa học, không phản ánh quan điểm của tổ chức, cơ quan nơi đang làm việc. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, nhận định, nguồn trích dẫn tài liệu.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2013), Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12;

2. Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010;

3. Quốc hội (2014) Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế;

4. Chính phủ (2016), Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017);

5. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020;

6. Nguyễn Văn Phụng (2016), Sửa đổi các quy định pháp luật về thuế đáp ứng yêu cầu cải cách, hội nhập, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 5/2016.

ThS. Nguyễn Việt Hòa - Tổng cục Thuế

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/cai-cach-chinh-sach-thue-gia-tri-gia-tang-va-mot-so-de-xuat-331094.html