Cải cách để lớn mạnh
Cải cách thể chế vừa là áp lực, vừa là cơ hội để Việt Nam nắm bắt, tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại để phát triển kinh tế. Đây cũng là vấn đề được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra.
PGS-TS.Trần Đình Thiên (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận về vấn đề cải cách thể chế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do hiện nay.
Lợi ích phát triển
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đem đến nhiều cơ hội, nhưng ta có đủ khả năng biến cơ hội đó thành lợi ích thực không, thưa ông?
TS.Trần Đình Thiên: Hội nhập là cần năng lực hội nhập chứ không phải chỉ chuyện ký kết thông qua Hiệp định. Năng lực hội nhập không chỉ là hợp tác mà là cải cách. Ở đây đòi hỏi điều kiện thực tiễn thì mới có thể biến cơ hội thành những lợi ích thực tế.
EVFTA tạo điều kiện thuế suất tốt, tiếp cận thị trường tốt hơn nhiều. Muốn nắm cơ hội đó, DN trong nước phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện như tiêu chuẩn của hàng rào kỹ thuật, về an toàn thực phẩm, các đòi hỏi về nguồn gốc xuất xứ… nhưng rất nhiều DN Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu đó.
“Pháp lý phải minh bạch, công khai, có như thế mới chặn được tham nhũng và kiểm soát được cán bộ. Còn xin-cho thì không thể phát triển được”, TS.Trần Đình Thiên
Trong khi đó, DN nước ngoài lại tận dụng tốt các cơ hội tại thị trường Việt Nam và họ nhảy vào Việt Nam để đầu tư. Nhưng việc đầu tư đó mang lại lợi ích phát triển cho ai mới là điều đáng nói. Nếu họ vào đầu tư và ta thu được ít đồng ngân sách, tạo ra được một ít việc nhưng lại là việc làm chất lượng thấp thì đấy không phải là lợi ích chính. Lợi ích chính là lợi ích phát triển, doanh nghiệp Việt Nam phải lớn mạnh, vươn lên, đẳng cấp sản xuất của Việt Nam phải cao lên. Thế nên EVFTA tạo ra những cơ hội mang lại lợi ích rất lớn, nhưng DN Việt Nam không có năng lực hấp thu cơ hội thì sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi và nước ngoài vào hưởng lợi là chính, còn mình hưởng lợi ích không đáng kể.
Theo ông, có khoảng bao nhiêu phần trăm DN Việt Nam tiếp nhận được những lợi thế?
TS.Trần Đình Thiên: Việt Nam ít DN lớn để tạo ra chuỗi sản xuất mà mình kiểm soát được nên những lợi ích có được thì nhỏ lẻ lắm. Xuất khẩu về trái cây, nông sản…mình vẫn làm được đấy chứ, nhưng chưa tương xứng. Nếu có nhiều DN như kiểu Vinamilk với chất lượng và sản lượng xuất khẩu cao thì khả năng tận dụng được cơ hội nhiều hơn và lợi ích mang lại cao hơn rất nhiều. Nhưng mình chủ yếu doanh nghiệp li ti thì khả năng tận dụng cơ hội ấy ít đi. Không thể cứ tự hào, là ta có thể bán được cái nọ cái kia. Ta có thể bán được, nhưng đáng lẽ được 10 thì ta chỉ có 2 thôi, đó là vấn đề.
Thể chế tốt mới lớn mạnh được
Ông đánh giá việc cải cách thể chế của Việt Nam hiện đang ở mức độ nào so với yêu cầu của EVFTA?
TS.Trần Đình Thiên: EVFTA yêu cầu phải cải cách thể chế. Thể chế của mình nhiều chuyện chưa thông thoáng, tức năng lực thực tiễn không đủ để nắm bắt cơ hội. Thể chế, hiểu theo nghĩa rộng là tái cơ cấu. Mười năm vừa rồi mình làm rất ít, yếu tố thị trường phân bổ nguồn lực không phát triển mấy, nó vẫn là xin-cho nhiều, vẫn là câu chuyện nhiều DN nhà nước cải cách nhưng càng ngày càng yếu kém, không mạnh lên được.
Cấu trúc thị trường cũng là thể chế, nhưng ta vẫn chưa tạo ra được cấu trúc thị trường tốt, ví dụ thị trường về đất đai, thị trường về lao động…chưa cải thiện được nhiều. Rồi cạnh tranh giữa DN trong nước và DN nước ngoài chưa bình đẳng, vẫn còn ưu đãi cho DN có vốn đầu tư nước ngoài. Môi trường công khai, minh bạch của mình được cải thiện rất chậm và như thế là cải cách thể chế yếu. Thể chế phải tốt DN mới lớn mạnh được và nền kinh tế mới phát triển mạnh được.
Vậy theo ông, hiện nay điều mấu chốt, quan trọng nhất cần phải cải cách, cải cách mạnh để tận dụng được nguồn lực do hội nhập mang lại là gì?
TS.Trần Đình Thiên: Thứ nhất, về quyền tài sản. Hiện chưa có quyền tài sản rõ ràng cho DN. Chẳng hạn quyền về đất đai và tài sản, vốn liếng khác…của DN đều phải được bảo đảm, nếu không sẽ rất rủi ro.
Thứ hai là cơ chế phân bổ nguồn lực phải dựa vào thị trường, trên nguyên tắc cạnh tranh, ai làm tốt thì được nhiều. Trong khi phân bổ nguồn lực của ta hiện chủ yếu vẫn dựa trên cơ chế xin-cho. Chuyện “đi đêm đi hôm” ảnh hưởng nhiều quá, “sân sau” nhiều quá… nên nguy hiểm lắm. Luật pháp phải công bằng, nghiêm minh và rõ ràng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Ông dự báo về làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới như thế nào?
TS.Trần Đình Thiên: Tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi quá mạnh về mặt chất lượng, bởi những điều kiện bảo đảm về mặt chất lượng chưa được tạo ra nhiều lắm. Muốn hút được nhà đầu tư tốt thì thể chế phải tốt, nếu thể chế không rõ ràng, minh bạch thì hút toàn mấy anh đi cửa sau, chạy vòng vòng để kiếm chác. Những nhà đầu tư lớn, đàng hoàng họ cần những thể chế đảm bảo, trong khi ta chuẩn bị cái này chưa phải là tốt.
Về triển vọng của Việt Nam khi có EVFTA, TS.Trần Đình Thiên nhận định: Doanh nghiệp Việt Nam thấy cơ hội thì cũng phải chuyển động, cách của nhà nước là làm như thế nào để các DN Việt Nam liên kết được với nhau tốt hơn DN to dẫn dắt DN nhỏ, DN nhỏ xúm quanh anh to đi thành tuyến mạnh hơn. Giáo dục đào tạo cũng đòi hỏi phải thay đổi chứ không thể ì ra. Phải thay đổi, phá vỡ hệ thống, tư duy cũ.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cai-cach%C2%A0de-lon-manh-1784913.tpo