Cải cách để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến môi trường thân thiện, xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, người dân và thu hút, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đó là những nội dung trọng tâm được tỉnh Quảng Bình quyết liệt thực hiện trong thời gian qua.Xác định tầm quan trọng của CCHC, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 03-CTr/TU, ngày 9/12/2020 về đẩy mạnh CCHC và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho lĩnh vực có tính đột phá này.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng khẳng định: Công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh duy trì thường xuyên hội nghị nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính.

UBND tỉnh duy trì thường xuyên hội nghị nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính (TTHC) được các sở, ngành rà soát, tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa; việc công bố, công khai, niêm yết được thực hiện đầy đủ, minh bạch, chính xác, kịp thời. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, kiện toàn, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Chất lượng tham mưu, giải quyết công việc chuyên môn của các sở, ngành, địa phương ngày càng được quan tâm, góp phần vào đẩy mạnh công tác CCHC và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thể chế công vụ, tài chính công, thời gian qua, Quảng Bình đã quyết liệt cải cách TTHC, với mục tiêu phục vụ tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh ban hành 211 quyết định công bố 1.872 TTHC (trong đó, 746 TTHC ban hành mới, 428 TTHC sửa đổi, bổ sung, 698 TTHC bãi bỏ).

Để nâng cao hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh theo quy định, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1107/KH-UBND, ngày 25/6/2021 triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo, đôn đốc việc kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống một cửa các cấp và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, văn bản thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh (DVC/HTTTMCĐT tỉnh) và 100% bộ phận một cửa các cấp đã triển khai Bộ nhận diện thương hiệu thống nhất theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Riêng đối với các sở, ban, ngành có TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sử dụng chung Bộ nhận diện thương hiệu của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Cá nhân, tổ chức đến giao dịch các thủ tục về Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Cá nhân, tổ chức đến giao dịch các thủ tục về Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế 1.185 quy trình nội bộ, nội bộ liên thông theo thẩm quyền. Hiện nay, đã xây dựng 100% quy trình nội bộ, nội bộ liên thông và thiết lập quy trình điện tử lên HTTTMCĐT tỉnh; trong đó có nhiều quy trình điện tử phức tạp, liên thông phải triển khai đồng thời nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền cùng tham gia giải quyết, như: Các quy trình điện tử liên thông trong lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội…

Cổng DVC/HTTTMCĐT tỉnh đã được xây dựng hợp nhất thành một hệ thống dùng chung trên địa bàn tỉnh và cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

Với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư", tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thành công hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại TP. Hà Nội.

Với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư", tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thành công hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại TP. Hà Nội.

Ông Đinh Viết Lượng, Giám đốc Ban quản lý dự án DIC Miền Trung thuộc Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group), đơn vị đang thực hiện dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng DIC Quảng Bình chia sẻ: "Là đại diện cho nhà đầu tư tại Quảng Bình, trong quá trình chuẩn bị các thủ tục có liên quan đến dự án, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ, phối hợp rất nhịp nhàng của chính quyền, các sở, ngành liên quan. Các TTHC liên quan đến dự án được thực hiện thuận lợi, rút ngắn thời gian, trừ những thủ tục phải tuân thủ về thời gian theo quy định pháp luật".

Cùng với việc nâng cao hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh chú trọng thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. UBND tỉnh đã áp dụng phân hệ Kho quản lý dữ liệu điện tử TTHC của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC tỉnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Thông qua việc chính thức khai thác, sử dụng kho dữ liệu, các kết quả giải quyết TTHC đã được trả cho người dân, doanh nghiệp qua bản giấy hoặc bản điện tử gửi về tài khoản của công dân, doanh nghiệp trên kho dữ liệu để tái sử dụng trong thực hiện DVC trực tuyến hoặc các giao dịch khác.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện DVC trực tuyến, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tích hợp, kết nối, đồng bộ dữ liệu, trạng thái xử lý hồ sơ của các DVC trực tuyến do bộ, ngành Trung ương xây dựng đã được tích hợp, đồng bộ dữ liệu trên Cổng DVC quốc gia về HTTTMCĐT tỉnh để tổng hợp, theo dõi và đánh giá tình hình giải quyết TTHC. Tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn và trực tiếp hỗ trợ lần đầu cho người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng DVC trực tuyến.

Với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư", tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thành công hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại TP. Hà Nội.

Với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư", tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thành công hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cấp bách của Đề án 06, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, tiến độ đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ động phối hợp áp dụng đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC, đặc biệt là 25 DVC thiết yếu của đề án.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Ngọc, việc triển khai, ứng dụng DVC trực tuyến tại tỉnh Quảng Bình thời gian qua, nhất là trong 7 tháng năm 2023 có những chuyển biến tích cực. Cổng DVC/HTTTMCĐT tỉnh đã hợp nhất xây dựng, triển khai tập trung, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng DVC quốc gia và đang được khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các tính năng, tiện ích, kết nối chia sẻ dữ liệu thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp truy cập, ứng dụng. Tỷ lệ TTHC đáp ứng điều kiện được xây dựng DVC trực tuyến toàn trình, một phần đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh của các DVC trực tuyến và tỷ lệ kết quả TTHC được số hóa, trả bản điện tử được nâng cao, nhất là đối với các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, cơ bản đều đạt trên 50%. Ngày càng có nhiều công dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC.

"DVC trực tuyến đã thay đổi thói quen và nâng cao kỹ năng số của người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến trình phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà...", ông Nguyễn Xuân Ngọc cho hay.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202309/cai-cach-de-phuc-vu-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-2211938/