Cải cách hành chính góp phần tích cực phát triển Thủ đô

Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 26-4-2016 về 'Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020', công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Thành phố đã chỉ đạo các ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Hữu Tiệp

98% hồ sơ được trả đúng và trước hạn

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu “Xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác”. Nhiệm vụ trọng tâm gắn với 6 nội dung cải cách hành chính (cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính).

Kết quả nổi bật là thành phố hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tại 23 sở và cơ quan tương đương. Sau sắp xếp, thành phố giảm được 1 cơ quan hành chính ngang sở, giảm 65 phòng; giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng. Thành phố cũng đã sắp xếp và triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập; số đơn vị giảm từ 401 xuống còn 280.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, thành phố thực hiện đơn giản hóa 261 thủ tục hành chính, tiết kiệm 201,5 tỷ đồng.

Việc liên thông giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nổi bật là quy chế phối hợp liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; quy chế phối hợp liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; quy chế phối hợp liên thông giải quyết chế độ hỏa táng…

Thành phố đặc biệt quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính. Từ ngày 24-10-2018, hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp thành phố đi vào vận hành. Tính đến nay, toàn thành phố có 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 100%). Với những nỗ lực đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn toàn thành phố trung bình hằng năm đạt 98%.

Tiếp tục phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của Hà Nội đã xây dựng quy chế, quy trình, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ đối với từng bộ phận, từng cá nhân. Nhiều đơn vị còn sáng tạo triển khai các hình thức tương tác giữa chính quyền với người dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên viên Phòng Nội vụ quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, UBND quận đã chỉ đạo lập 3 tài khoản “Quận Cầu Giấy - Thủ đô Hà Nội”, “Vì quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quận Cầu Giấy”. Người dân truy cập rất đông và cũng đóng góp các ý kiến, phản ánh, qua đó, chúng tôi kịp thời giải quyết vấn đề nhân dân quan tâm”.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, những kết quả đạt được qua triển khai, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU đã góp phần cải thiện các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ. Cụ thể là trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 7 bậc so với năm 2015, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015 và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt 80,09%, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố đang đứng ở vị trí thấp (năm 2019 xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố), trong đó nội dung liên quan là “Quản trị môi trường” xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố; “Trách nhiệm giải trình với người dân” xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố; “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn còn 5 chỉ số thành phần đạt thấp...

Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội đề ra các mục tiêu trong thời gian tới: Tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho mọi người dân; xây dựng mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết tốt hơn các nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập trong bối cảnh, tình hình mới của thành phố.

Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố đề ra 10 giải pháp cơ bản. Trong đó, cải cách hành chính tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của thành phố và được đặt trong yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Cùng đó, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện thành công Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Chỉ đạo về nội dung này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đề nghị các cấp, các ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/979637/cai-cach-hanh-chinh-gop-phan-tich-cuc-phat-trien-thu-do