Cải cách hành chính liên tục, không để xảy ra tình trạng 'năm nay cao, sang năm lại thấp'

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn thiện việc sắp xếp bộ máy, đẩy mạnh phân cấp phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện của cơ quan tổ chức; thực hiện tốt các chính sách mới về cải cách công vụ công chức, đẩy mạnh mô hình chính quyền đô thị, nhất là đề xuất các mô hình về chế độ công vụ ở Hà Nội với những đặc thù.

Sáng 29/8, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PCI, PGI của thành phố Hà Nội và các giải pháp nâng cao các Chỉ số.

Đổi mới trong thực thi công vụ sẽ giảm được tình trạng đùn đẩy, né tránh

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long điểm lại các kết quả nổi bật của Thành phố trong thời gian qua. Các chuyên gia từ Bộ Nội vụ, VCCI cũng đã phân tích rõ những điểm được và chưa được của Thành phố để có khuyến nghị giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ở góc độ Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ, CCHC là công việc thường xuyên, liên tục; cần có sự đổi mới, cập nhật kịp thời để không xảy ra tình trạng “năm nay cao, sang năm lại thấp”.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, thành phố Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo điều hành xây dựng những kế hoạch bảo đảm theo sát các chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương để đặt ra nhiệm vụ, phát huy lợi thế của các sở, ngành, quận, huyện, từ đó đóng góp chung vào kết quả CCHC của Thành phố.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị thành phố Hà Nội, trước tiên cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành - yếu tố rất quan trọng trong CCHC. Trong đó tập trung đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ và đổi mới cách làm, mạnh dạn thí điểm những mô hình, cách làm mới, tạo đột phá về kết quả, hiệu quả trong từng nội dung, lĩnh vực CCHC.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục tập trung rà soát tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách, nhất là liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển doanh ngiệp. Đặc biệt, cần tiếp tục duy trì và sử dụng có hiệu quả các kết quả Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng, để làm cơ sở cho việc ban hành, chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cũng lưu ý Hà Nội tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá Hà Nội đã triển khai rất hiệu quả việc quan tâm trực tiếp đến các nội dung nâng cao Chỉ số hài lòng. Tuy nhiên, Hà Nội vừa có khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu lại cao hơn, nên cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh điện tử hóa các mẫu đơn, tờ khai, tạo thuận lợi cho người dân trong việc nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, tiến tới trong năm nay Thành phố triển khai Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố (Hà Nội là 1 trong 3 địa phương được chọn thí điểm mô hình) sẽ triển khai làm tốt.

Đồng thời, Thành phố nâng cấp Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu, dễ dàng sử dụng, có giao diện thân thiện với người dùng, cung cấp các tiện ích thông minh để hỗ trợ người dân khi giải quyết thủ tục hành chính “một cửa”. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc xử lý những phản ánh kiến nghị liên quan giải quyết thủ tục hành chính, nhất là về những nhũng nhiễu tại bộ phận “một cửa”.

Trong tổ chức bộ máy và con người, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thành phố tiếp tục hoàn thiện việc sắp xếp bộ máy, đẩy mạnh phân cấp phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện bảo đảm thực hiện của cơ quan tổ chức, thực hiện tốt các chính sách mới về cải cách công vụ công chức, đẩy mạnh mô hình chính quyền đô thị, nhất là đề xuất các mô hình về chế độ công vụ ở Hà Nội với những đặc thù.

“Với đặc thù phục vụ những công dân tại Thủ đô, Thành phố phải chấp nhận yêu cầu cao hơn, song cần có cơ chế quản lý linh hoạt hơn để tạo nguồn lực cho Hà Nội, như trong công tác tổ chức xây dựng vị trí việc làm, đổi mới thí điểm cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, có cơ chế khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm…

Với các giải pháp đổi mới trong thực thi nhiệm vụ công vụ, các thể chế môi trường làm việc một cách công khai minh bạch thì tự nhiên sẽ giảm được tình trạng đùn đẩy, né tránh”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhận định.

Khắc phục, cải thiện những điểm nghẽn

Cũng chia sẻ tại hội nghị, đánh giá kết quả các chỉ số: Par Index, Sipas, PCI, PGI của thành phố Hà Nội và giải pháp nâng cao các chỉ số của UBND thành phố Hà Nội, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng đánh giá công tác tác CCHC của Hà Nội thời gian qua có chuyển biến tích cực. Minh chứng cụ thể là kết quả phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng chia sẻ tại hội nghị.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng chia sẻ tại hội nghị.

Về kết quả các chỉ số cụ thể, Vụ trưởng Vụ CCHC cho biết cơ bản Hà Nội có kết quả hơn mức trung bình cả nước tuy nhiên với chỉ số SIPAS (đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước) của Thành phố có biên độ dao động lớn, có năm ở vị trí 52 (2019); năm 2023, có kết quả tốt nhất trong 7 năm qua (vị trí 21).

Hà Nội cần lưu ý đến chỉ số về việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân, tránh để người dân bức xúc.

Đặc biệt, năm 2023, trong 2.700 người dân được hỏi, có 11,38% người dân nói có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu (cao hơn 5,93% so với năm 2022). Bên cạnh đó, 10,28% người dân cho biết, phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức khi giải quyết công việc (cao hơn 4,98% năm 2022)...

Cũng qua khảo sát người dân: 60,69% mong muốn nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức; 60,24% mong nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến; 59,58% mong đợi nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị… Ngoài ra, hiện có hơn 79% người dân cho biết vẫn thích nộp hồ sơ trực tiếp hơn trực tuyến.

“Phải chăng dịch vụ công trực tuyến của chúng ta còn đang phức tạp, khó thực hiện hay có vấn đề phí, lệ phí liên quan… Chúng ta cần nhìn nhận rõ điểm nghẽn và có chính sách giải quyết vướng mắc này. Đây là điểm rất quan trọng khi sắp tới Thành phố sẽ thí điểm Trung tâm hành chính công cấp Thành phố”, Vụ trưởng Vụ CCHC nói.

Với chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, Vụ trưởng Vụ CCHC phân tích: 12/12 năm qua, Hà Nội đều đạt kết quả chỉ số >80%; 2 năm đạt >90% (2014, 2023); năm xếp hạng cao nhất là 2017, 2018 và 2019 (đều xếp thứ 2/63)…

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công khai, cập nhật thủ tục hành chính chậm ở một số lĩnh vực; tình trạng trễ hẹn thủ tục hành chính còn ở cả 3 cấp; Giải ngân đầu tư công chưa hoàn thành 100% kế hoạch; một số chỉ số thành phần giảm bậc…

Đề xuất giải pháp cụ thể, Vụ trưởng Vụ CCHC khuyến nghị, Hà Nội cần tiên phong thí điểm mô hình, cách làm mới, hiệu quả; nhìn thẳng vào những điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục, cải thiện…

Hiệu quả cải cách hành chính được đo lường bằng sự hài lòng của người dân

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh quan điểm CCHC phải được đánh giá căn cứ trên “hiệu quả thực chất và kết quả cuối cùng”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải lưu ý, thời gian tới, toàn Thành phố tập trung vào 5 nội dung trọng tâm để thực hiện công tác CCHC.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu kết luận hội nghị.

Trong đó, thống nhất nhận thức từ tập thể lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ công chức về vị trí, vai trò của CCHC, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Đề án 06 - xác định là khâu đột phá quan trọng nhất, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ với phương châm “Văn minh - Hiện đại - Chuyên nghiệp - Minh bạch - Tinh gọn - Hiệu lực, Hiệu quả”.

Mục tiêu là người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm phục vụ, trung tâm của sự phát triển vừa là chủ thể sáng tạo xây dựng phát triển Thủ đô; hiệu quả CCHC được đo lường bằng sự hài lòng của người dân.

“Thành phố chỉ có thể đi tắt đón đầu, phát triển nhanh và bền vững thông qua khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CCHC và chuyển đổi số - điều này đã được chứng minh trong thực tiễn”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Về thể chế chính sách, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình, vận dụng sáng tạo vào từng địa phương, đơn vị, đặc biệt tăng cường học tập kinh nghiệm; sáng tạo và tiên phong trong thực hiện các mô hình thí điểm; chủ động xây dựng hành lang pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, công khai minh bạch; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn; rà soát chức năng nhiệm vụ, phân công, phân cấp và ủy quyền mạnh mẽ, triệt để theo phương châm “Năm rõ - Một xuyên suốt”…

Nhiệm vụ tiếp theo đặc biệt quan trọng được Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh là tập trung tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tập trung vào cung ứng dịch vụ công chất lượng điều hành và nhất là tương tác giữa chính quyền - người dân – doanh nghiệp.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến hướng tới dịch vụ công trực tuyến toàn trình - là mục tiêu khát vọng, đòi hỏi quyết tâm cao; tại các đơn vị, quận huyện triển khai rà soát cắt giảm các quy trình không cần thiết và tái cấu trúc các quy trình; xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực để chia sẻ và kết nối, nhằm giảm thời gian công sức cho người dân.

Đồng thời, triển khai quy trình giải quyết công việc theo phương châm “Bốn không” trong đó đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHaNoi” để mọi kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp được lắng nghe và xử lý kịp thời.

Cùng đó, tăng cường sử dụng trợ lý ảo trong xử lý công việc hàng ngày; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định vai trò người đứng đầu là nhân tố quyết định; đề cao trách nhiệm cá nhân, tính nêu gương, tính chủ động đổi mới sáng tạo; bảo đảm môi trường điều kiện làm việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ dám làm.

Nhiệm vụ quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo đồng thuận của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp với quan điểm “5 lan tỏa”…

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cai-cach-hanh-chinh-lien-tuc-khong-de-xay-ra-tinh-trang-nam-nay-cao-sang-nam-lai-thap-176188.html