Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 2 - Một chạm, vạn thay đổi

1.482 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 13.000 thành viên trên toàn tỉnh. Ở Hòa Bình, người dân không đơn độc trước công nghệ. Từ những xóm Mường ven suối đến vùng cao đất đá như Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), mỗi tổ công nghệ số là một

1.482 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 13.000 thành viên trên toàn tỉnh. Ở Hòa Bình, người dân không đơn độc trước công nghệ. Từ những xóm Mường ven suối đến vùng cao đất đá như Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), mỗi tổ công nghệ số là một "người bạn” giúp người dân khai hồ sơ online, tạo tài khoản VNeID, nộp giấy tờ không cần giấy. Những cú "chạm” tưởng chừng xa lạ ấy đang dần trở thành thói quen hàng ngày, thay đổi cách người dân nhìn về chính quyền.

>> Bài 1 - Lặng lẽ nhưng quyết liệt

>> Bài 3 - Hành chính phục vụ - không ai bị bỏ lại

Với vai trò nòng cốt, tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn viên, thanh niên thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Với vai trò nòng cốt, tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn viên, thanh niên thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Hành trình kiến tạo chính quyền số

Để có được những cú "chạm” nhanh gọn hôm nay, Hòa Bình đã trải qua hành trình số hóa hành chính không hề dễ dàng. Khi Nghị quyết số 08-NQ/TU về chuyển đổi số được ban hành cuối năm 2021, nhiều xã vùng cao còn chưa có mạng ổn định, máy tính vẫn là thiết bị "xa xỉ” đối với cán bộ cấp thôn. Nhưng chỉ sau hơn 2 năm, một mạng lưới chính quyền số đã dần định hình, bài bản, đồng bộ và quan trọng nhất là "chạm" được tới dân.

Toàn tỉnh hiện đã có 1.482 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn/xóm với gần 13.000 thành viên, hoạt động như những "trợ lý số” không lương nhưng nhiệt tình và tận tâm. Họ không chỉ hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công, cài ứng dụng VNeID, mà còn là cầu nối giữa chính quyền và dân bản trong việc phổ biến chính sách, hỗ trợ khai thác thông tin, tiếp nhận phản ánh. Ở nhiều nơi, họ còn in sẵn biểu mẫu, dán ở bảng tin xóm và viết tay giúp bà con khai hồ sơ. Không cần đi xa, không còn phải ngại tiếp xúc với công nghệ - "cải cách giờ gần như ở ngay đầu ngõ” tựa cách người dân xã Lâm Sơn (Lương Sơn) ví von.

Theo Sở Nội vụ, trong năm 2024, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt trên 96%, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Nhưng điều đáng nói hơn là trên 80% hồ sơ đó được người dân tự thực hiện, không qua dịch vụ hỗ trợ hay cán bộ nhập hộ. Nơi nào người dân chưa quen, tổ công nghệ số đến từng nhà. Nơi nào mạng yếu, xã bố trí phòng công nghệ dùng chung. Đó là những giải pháp mềm, không nằm trong báo cáo nhưng lại góp phần rất lớn để "cú chạm hành chính” trở thành thói quen.

Những mô hình số "chạm” đến người dân

Ở xã Liên Sơn (Lương Sơn) - nơi từng được biết đến với rừng luồng và những con đường đất đỏ, giờ đây đã có một cái tên khác được người dân nhắc đến nhiều hơn: xã số. Không phải ngẫu nhiên, cả xã có 22 tổ công nghệ số cộng đồng, phủ khắp các thôn xóm. Nhờ đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được người dân nộp trực tuyến mức độ 3 và 4, không có tình trạng hồ sơ tồn đọng, trả muộn.

Đồng chí Nguyễn Thị Nhi, cán bộ Văn phòng UBND xã Liên Sơn nhớ lại: "Lúc đầu triển khai, nhiều người dân loay hoay, hỏi tới hỏi lui. Có hôm cả tổ công nghệ số phải đi từng nhà hướng dẫn cách đăng ký tài khoản. Mệt thật, nhưng giờ thấy các bác lớn tuổi cũng quen tay thao tác, chúng tôi vui lắm”.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, nơi tổ công nghệ số kiêm luôn nhiệm vụ… "kéo mạng về bản”. Khi người dân phản ánh khó truy cập cổng dịch vụ công, xã chủ động làm việc với nhà mạng để tăng tốc độ internet, đồng thời bố trí điểm truy cập wifi miễn phí ngay tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa thôn. "Người ta cứ bảo số hóa là việc của thành phố, nhưng ở đây chúng tôi làm được đấy!”- ông Quách Đình Thi, tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng thôn Mến Bôi tự hào.

Tại TP Hòa Bình, một sáng kiến được đánh giá cao là việc gắn đánh giá hài lòng vào tài khoản Zalo. Mỗi người dân sau khi hoàn tất thủ tục sẽ nhận được tin nhắn tự động, mời phản hồi mức độ hài lòng. Kết quả đánh giá được cập nhật công khai hàng tuần trên hệ thống điện tử, trở thành công cụ "soi gương” cho cán bộ hành chính. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người dân theo thống kê quý I/2025 trên địa bàn đạt tới 98,7%.

Những mô hình đó đang cho thấy một thực tế rõ ràng: chuyển đổi số chỉ thành công khi người dân thực sự được đặt làm trung tâm. Không phải để báo cáo, không vì thành tích mà vì mỗi người dân đều xứng đáng được phục vụ nhanh hơn, dễ hơn, minh bạch hơn.

Phía sau mỗi cú chạm

Không phải cú chạm nào cũng dễ dàng. Ở một số vùng sâu như xã Đú Sáng (Kim Bôi) hay Thành Sơn (Mai Châu), đường truyền internet vẫn phập phù theo mưa gió. Cán bộ xã phải dùng chính điện thoại cá nhân làm điểm phát sóng để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ online. Tổ công nghệ số cộng đồng có mặt, nhưng thiếu máy móc, thiếu phần mềm hướng dẫn bằng hình ảnh - thứ mà bà con dân tộc thiểu số cần hơn cả ngôn từ.

Ngay cả ở những nơi chuyển đổi số thành công như Lương Sơn hay TP Hòa Bình cũng có những người "lỡ nhịp”. Người già ngại công nghệ. Thanh niên đi làm xa. Những hồ sơ "liên ngành” vẫn còn khúc mắc vì dữ liệu chưa đồng bộ giữa các ngành - ví như khi đăng ký khai tử mà thiếu kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Mọi cố gắng rồi cũng thành ra… nộp lại bản giấy.

Nhưng cũng chính từ những trục trặc đó, các giải pháp mềm được hình thành: xã Lâm Sơn (Lương Sơn) dựng "góc công nghệ” ngay trong nhà văn hóa xóm; xã Bắc Phong (Cao Phong) bố trí bàn máy tính riêng cho người già. Một số cán bộ trẻ tình nguyện mở lớp "cầm tay chỉ chuột” cho bà con Mường, Dao. Có thể sẽ còn những cú chạm chưa trơn tru, nhưng phía sau là nỗ lực thầm lặng, là một chính quyền đang học cách lắng nghe dân bằng cả kỹ năng số và sự tử tế rất thật.

Cải cách hành chính ở Hòa Bình giờ đây không còn là câu chuyện của những phòng họp cấp tỉnh hay các văn bản chỉ đạo. Nó đang hiện diện nơi từng thôn bản, trong tay những bà cụ người dân tộc Mường lần đầu bấm nút điện thoại gửi hồ sơ, trong mắt cậu cán bộ trẻ kiên nhẫn hướng dẫn người dân từng thao tác, và trong nụ cười nhẹ nhõm của những người từng sợ giấy tờ như sợ… đi viện.

Từ giấy tờ đến một chạm - đó không chỉ là thay đổi công nghệ mà là thay đổi tư duy, thay đổi cách phục vụ. Một cú chạm đúng nghĩa là cả một quy trình được rút ngắn, một niềm tin được khơi dậy, một mối quan hệ giữa người dân với chính quyền được làm mới bằng sự thấu hiểu và minh bạch. Nhưng để hành chính thực sự là "phục vụ”, vẫn còn nhiều việc phải làm. Không chỉ là số hóa thủ tục mà còn là tái cấu trúc bộ máy, là đào tạo con người, là loại bỏ những tầng nấc không cần thiết...

(Còn nữa)

Hải Yến - Bùi Minh - Linh Nhật

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/200174/cai-cach-hanh-chinh-o-hoa-binh-tu-cham-nho-den-chuyen-dong-lon-bai-2-mot-cham,-van-thay-doi.htm