Cải cách hành chính thúc đẩy tái khởi động kinh tế

Đơn giản hóa thủ tục, tích cực cải cách hành chính để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp đang là những nỗ lực mà Chính phủ hướng tới.

Quầy Thu hộ ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Quầy Thu hộ ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Đơn giản hóa thủ tục và tích cực cải cách hành chính để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp đang là những nỗ lực mà Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương hướng tới; đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Theo Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hóa; ngoài ra, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, tổng chi phí xã hội cũng đã tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính ước tính hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng đang nhận được nhiều phản hồi tích cực...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội... Cùng với đó, Chính phủ chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công, từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN phát

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN phát

Chính nhờ những nỗ lực đổi mới đã góp phần hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; hiện đại hóa các khung khổ pháp lý; đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng cải cách thủ tục hành chính, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc công khai các quy định hành chính, thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của một số bộ, ngành, địa phương hay cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện chưa được thực hiện đầy đủ. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa.
Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như: đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội.
Nhiều địa phương còn vướng mắc trong kết nối liên thông phần mềm tại Trung tâm Hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phần mềm chuyên ngành, như các lĩnh vực: đất đai, công an, thuế...; dẫn đến khó khăn trong chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Việc triển khai hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai một cấp tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế. Việc giám sát, theo dõi thi hành pháp luật còn một số bất cập, thiếu nguồn lực để triển khai, chưa thu hút được sự tham gia của các cá nhân, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội khác...
Là cơ quan chuyên trách tập hợp và trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho hay, then chốt vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Trong nhiều năm qua, cải cách thể chế đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều khí thế hơn, song hơn một năm nay trở lại đây, đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu cải cách hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam tiến vào nhóm 3, nhóm 4 trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang lỡ hẹn.
Vì vậy tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang đặt ra yêu cầu bức thiết. Trong đó, thúc đẩy việc cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và những rào cản điều kiện kinh doanh đang "áp đặt" doanh nghiệp cũng là một mục tiêu cần phải hoàn thành sớm, hoàn thành ngay để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Hàng tháng, VCCI luôn báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, ông Lộc cũng thẳng thắn nhận định, tiến trình cải cách thủ tục hành chính chưa được triển khai đồng đều, nhất quán giữa các bộ, ngành hay giữa Trung ương tới cơ sở các cấp ở từng địa phương.
Tình trạng "trên nóng dưới lạnh", "trên thúc giục, dưới bình chân" vẫn tồn tại và chưa được khắc phục triệt để. Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, những nỗ lực đổi mới, cải cách thể chế và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã tiến hành mới chỉ hướng tới việc điều chỉnh chính sách pháp luật sao cho không trái với các cam kết và thông lệ quốc tế; chứ chưa tính tới việc chủ động cải cách, quyết liệt cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời cho phép tận dụng tối đa các lợi ích từ cam kết theo các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Theo ông Lộc, cải cách cần phải thực chất hơn nữa; việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính hay mạnh dạn cắt bỏ các điều kiện kinh doanh cũng phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn để nhanh chóng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững mà lâu nay Việt Nam đang hướng tới.
Từ thực tiễn, ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, ông Thân cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa cho việc cải cách thủ tục hành chính bởi đa số doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự thỏa mãn vì những kết quả đã đạt được.
Các quyết sách đơn giản hóa thủ tục hành chính đã phần nào giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí, thời gian thực thi pháp luật và dần cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính đang động chạm đến lợi ích của nhiều người dẫn tới những khó khăn trong đổi mới mô hình quản lý cán bộ công chức, xử lý xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính bằng công nghệ thông tin hay điều chỉnh quan hệ giữa cấp Trung ương và địa phương…, lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay.
Trước những vấn đề đặt ra và nhất là trong hiện trạng đang vô cùng khó khăn của nền kinh tế do hậu quả tác động của dịch COVID-19 như hiện nay, theo các chuyên gia, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn trong giám sát việc thực thi để thúc đẩy nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hiệu quả. Có như vậy mới khuyến khích được tinh thần đổi mới, sáng tạo; tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, việc cải cách cũng giúp giải phóng nguồn lực và giảm thiểu chi phí không chính thức cùng các chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp và giảm chi phí giám sát, kiểm tra, đánh giá của Nhà nước trong những hoạt động này./.

Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cai-cach-hanh-chinh-thuc-day-tai-khoi-dong-kinh-te/171211.html