Cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình - Những chỉ số 'biết nói'

Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2024 các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Đối với tỉnh Ninh Bình, cả 2 chỉ số quan trọng này đều có sự tăng vượt bậc so với các năm trước, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Chỉ số SIPAS tăng 14 bậc

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, năm 2024 ghi nhận tổng số hồ sơ tiếp nhận là 130.343 hồ sơ, tăng 985 hồ sơ, tương đương với 0,8% so với năm 2023. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 92.346 hồ sơ, đạt 70,85%. Bình quân một tháng, Trung tâm tiếp nhận 10.862 hồ sơ, trung bình 1 nhân sự làm việc tại đây tiếp nhận 3.950 hồ sơ trong năm. Thực hiện lượng công việc lớn, đạt kết quả cao với tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 44,02%, đúng hạn đạt 55,97% và quá hạn còn 0,01% là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức đến từ các sở, ngành làm việc tại Trung tâm.

Đồng chí Phạm Ngọc Phong, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2024, Trung tâm tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC và phục vụ người dân, tổ chức. Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý tốt công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Trung tâm chấp hành nghiêm túc thời gian làm việc, nội quy quy chế hoạt động cơ quan; có tinh thần trách nhiệm trong công tác, quan tâm hướng dẫn tổ chức, cá nhân kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC; thực hiện đúng quy định về văn hóa, văn minh công sở của UBND tỉnh và quy chế, quy định của Trung tâm. Trung tâm cũng quan tâm kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thực hiện của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm.

Qua đó không để xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực hoặc có hành vi vi phạm khác; đảm bảo việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đúng quy định theo phương châm “Chuyên nghiệp, Thân thiện, Minh bạch, Hiệu quả”.

Kết quả, năm 2024 đã có 18.034 lượt tổ chức, công dân tham gia đánh giá mức độ hài lòng khi đến giải quyết, lấy kết quả giải quyết TTHC trực tiếp tại trung tâm, tăng 1.861 lượt đánh giá so với năm 2023…

Qua theo dõi, thống kê trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tình hình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực: Tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận trong năm 2024 là 225.568 hồ sơ; trong đó số hồ sơ tiếp nhận trực tiếp là 25.228, đạt 9,87%; số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 230.340 hồ sơ, đạt 90,13%; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả trước hạn và đúng hạn tính chung cả cấp huyện và cấp xã đạt 99,87%; tỷ lệ hồ sơ trễ hạn thấp, chỉ còn 0,13%...

Giải quyết TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Hoa Lư. Ảnh Minh Quang

Giải quyết TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Hoa Lư. Ảnh Minh Quang

Có thể thấy, công tác tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC; cung cấp thông tin về TTHC, quy trình giải quyết TTHC ở cả 3 cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình đã được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu thực hiện TTHC. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đã bảo đảm tính công bằng, khách quan và công khai, minh bạch.

Quy trình xử lý hồ sơ được cập nhật, lưu trữ, kết nối, đồng bộ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp, tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi đến liên hệ thực hiện TTHC.

Năm 2024, Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) của Ninh Bình xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố với kết quả Chỉ số đạt 85,34, tăng 2,63%, tăng 14 bậc so với năm 2023.

Chỉ số PAR INDEX tăng 5 bậc

Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện. Trong năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, tái cấu trúc TTHC; tăng cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh rà soát, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh...

Năm 2024, các sở, ngành đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 104 Quyết định công bố danh mục TTHC. Đã ban hành 56 Quyết định, công bố 2.048 quy trình nội bộ giải quyết TTHC, trong đó cắt giảm được 3.640 giờ làm việc và 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành được cắt giảm 1 bước trong quy trình thực hiện; ban hành 24 Quyết định, công bố 224 TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/ QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã đã thực hiện việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo đúng quy định. Định kỳ hàng tháng, tỉnh công khai kết quả đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ để các cơ quan, đơn vị phân tích, có giải pháp phù hợp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC.

Là địa phương có số lượng tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC cao nhất tỉnh với trung bình 275,56 hồ sơ/tháng/1 bộ phận Một cửa cấp xã, thành phố Hoa Lư (trước đây là thành phố Ninh Bình) đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện TTHC.

Đồng chí Hoàng Ngọc Khuyến, Phó Chánh Văn phòng HĐND &UBND thành phố Hoa Lư, Trưởng bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố cho biết: Với việc triển khai thực hiện 206 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 77 dịch vụ công toàn trình; 129 dịch vụ công một phần; 31 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến, thành phố Hoa Lư đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tổ chức, công dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố được theo dõi, cập nhật đầy đủ trên Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh, 100% hồ sơ giải quyết TTHC tại UBND thành phố được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống; đồng thời công tác số hóa các hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC triển khai đạt hiệu quả.

Thường xuyên đến thực hiện TTHC tại Bộ phận Một cửa thành phố Hoa Lư, bà Phạm Thị Ngân (phường Bích Đào) cho biết: Sau nhiều lần đến giao dịch để thực hiện các TTHC như: xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đổi giấy phép lái xe rồi làm thẻ căn cước… tôi đã được cán bộ tại Bộ phận hướng dẫn để làm TTHC trực tuyến. Do đó, giờ các TTHC làm qua môi trường điện tử rất nhàn, tôi không phải đến trực tiếp tại nơi giải quyết như trước. Các quy trình giải quyết thông suốt như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu của công dân.

Những Chỉ số đến từ quyết tâm đổi mới và phương châm lãnh đạo, chỉ đạo “5 rõ”

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bám sát và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy; quán triệt và thực hiện nghiêm chủ đề công tác năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất”, UBND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm), phát huy trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, kịp thời xử lý ngay những vấn đề mới phát sinh.

Để các nhiệm vụ được thực hiện hiệu quả theo phương châm “5 rõ”, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác CCHC, nhất là đối với cấp cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát kịp thời, thường xuyên đã phát hiện những vấn đề tồn tại, bất cập cần phải kịp thời chấn chỉnh để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa các cấp, đặc biệt là cấp xã.

Công chức làm việc tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Ninh Nhất. Ảnh: Bùi Diệu

Công chức làm việc tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Ninh Nhất. Ảnh: Bùi Diệu

Bên cạnh kiểm tra trực tiếp, hoạt động kiểm tra còn được tiến hành thông qua hoạt động thẩm định, xác định chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Qua việc đánh giá chỉ số góp phần giúp các cơ quan, đơn vị chủ động nhìn nhận, nghiêm túc đánh giá lại công tác CCHC, kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục, đẩy mạnh thực hiện CCHC.

Kết quả triển khai toàn diện, hiệu quả 6 nội dung CCHC đã có tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương năm qua: 15/15 chỉ tiêu và nhóm các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội chủ yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó có 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu hoàn thành vượt mức; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,52%; thu ngân sách vượt dự toán. Chỉ số CCHC năm 2024 của tỉnh Ninh Bình tăng 5 bậc so với năm 2023, nằm trong nhóm A các tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành với kết quả Chỉ số đạt 91,38.

Những chỉ số “biết nói” trên ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp trong thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Ninh Bình triển khai toàn diện, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch CCHC tỉnh giai đoạn 2021-2030, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chủ đề công tác năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương, đổi mới sáng tạo, tăng tốc bứt phá”; tập trung hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; hoàn thiện cơ chế chính sách khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính nhằm nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo của tỉnh.

Bài, ảnh: Phan Hiếu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cai-cach-hanh-chinh-tinh-ninh-binh-nhung-chi-so-biet-noi-055020.htm