Cải cách hành chính toàn diện, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp
Công tác cải các hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính ngày càng đi vào nề nếp, đồng bộ, hiệu quả, qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa, gỡ bỏ những rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Nằm trong top 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về Chỉ số CCHC
Thời gian qua, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực tài chính - ngân sách, góp phần giữ vững ổn định, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2023 với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác CCHC trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, tiếp tục bám sát 07 nội dung của yêu cầu công tác CCHC, đề ra 59 nhóm nhiệm vụ với 150 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, phối hợp cũng như quy định tiến độ thực hiện rõ ràng.
Tính đến ngày 25/12/2023, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 150/150 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 148 nhiệm vụ, đang tiếp tục triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ theo Kế hoạch. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Với những nỗ lực trong công tác CCHC của ngành Tài chính, tại cuộc họp với chủ đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (19/4/2023), Chính phủ đã công bố Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022.
Theo kết quả được công bố, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.
Thường xuyên rà soát, bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm cải cách TTHC toàn diện gắn với phát triển Chính phủ điện tử và quá trình chuyển đổi số để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.
Tổng số DVCTT thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 774, trong đó: 367 DVCTT toàn trình, 127 DVCTT một phần và 280 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Theo đó, tính đến ngày 25/12/2023, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 13 quyết định công bố bãi bỏ 33 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 TTHC; công bố mới 03 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. Tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 774 TTHC. Trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực KBNN là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 192 TTHC.
Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến ngày 25/12/2023, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp DVCTT.
Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành ổn định mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ. Tính đến ngày 25/12/2023, Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính đã tiếp nhận 1.390 hồ sơ TTHC thuộc 05 lĩnh vực (bảo hiểm; kế toán, kiểm toán; tin học; giá và tài chính ngân hàng).