Cải cách hành chính về hộ tịch giúp chính quyền gần dân hơn

Ngành tư pháp TP.HCM tập trung cải cách hành chính, hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch giai đoạn 1, đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

Năm 2024, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành tư pháp.

Hiện nay, Sở Tư pháp TP.HCM đang đẩy mạnh thực hiện liên thông điện tử “3 trong 1” thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi; đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành tư pháp Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2024), báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, về những nỗ lực của ngành tư pháp đối với công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong giải quyết thủ tục về hộ tịch cho người dân.

 Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Chuyển đổi số trong cải cách hành chính

 Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh.

. Phóng viên: Thưa ông, là người đứng đầu ngành tư pháp ở địa phương, ông có nhận định như thế nào về đặc thù của công tác hộ tịch tại TP.HCM?

+ Ông Huỳnh Văn Hạnh: Đối với ngành tư pháp nói chung, các TTHC trong lĩnh vực hộ tịch có đặc thù gắn liền với nhân thân của mỗi người. Đây cũng là giấy tờ cần thiết phải có ngay từ khi sinh ra và trong suốt quá trình sinh sống cho đến khi mất đi nên nhu cầu thực hiện luôn phát sinh.

Tại một TP lớn, đông dân cư như TP.HCM thì số lượng hồ sơ TTHC trong lĩnh vực này luôn rất nhiều, đòi hỏi trong quá trình quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ, thực hiện giải quyết hồ sơ hộ tịch cho người dân, Sở Tư pháp TP.HCM phải tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện. Trong đó, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch để thực hiện chuyển đổi số trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ hộ tịch được Sở Tư pháp TP.HCM xem là giải pháp quan trọng hàng đầu.

“Thí điểm trích lục hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú góp phần tiết kiệm thời gian và giảm chi phí đi lại, giảm giấy tờ phải nộp, giấy tờ phải xuất trình…”

. Ông có thể chia sẻ về kết quả áp dụng chuyển đổi số trong công tác cải cách TTHC giải quyết hồ sơ hộ tịch cho người dân?

+ Một trong những kết quả áp dụng chuyển đổi số nổi bật trong lĩnh vực hộ tịch thời gian qua là việc Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện hoàn thành giai đoạn 1 Đề án số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn TP.HCM.

Sau khi hoàn tất giai đoạn 1 việc số hóa sổ hộ tịch, Sở Tư pháp đã tập trung tham mưu UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc thí điểm khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại TP từ ngày 15-6-2022.

. Người dân được lợi gì khi dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, thưa ông?

+ Việc hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch giai đoạn 1 và thí điểm tổ chức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu để cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Cụ thể, góp phần tiết kiệm thời gian và giảm chi phí đi lại khi có nhu cầu trích lục hộ tịch, giảm giấy tờ phải nộp, giấy tờ phải xuất trình…

Bên cạnh đó, thông tin về hộ tịch của người dân trên địa bàn TP được số hóa, hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và các công tác khác, góp phần nâng cao năng lực quản lý và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Ghi nhận bước đầu cho thấy người dân và dư luận đã có những phản ánh tích cực, ủng hộ công việc nêu trên của TP. Như ý kiến của một người dân đã phản hồi với chúng tôi: Số hóa dữ liệu, thủ tục được thực hiện online, tuy cán bộ và người dân ít tiếp xúc nhưng lại giúp chính quyền gần dân hơn.

Người dân ủng hộ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến

. Được biết thủ tục đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân cũng được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến tích hợp. Kết quả bước đầu như thế nào, thưa ông?

+ Việc triển khai tiếp nhận giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến mang lại các lợi ích từ việc đơn giản hóa TTHC, tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho người thực hiện TTHC.

Cụ thể, từ hai thủ tục riêng biệt, nay kết hợp thành một thủ tục, giảm đi lại, giảm thời gian giải quyết so với làm riêng rẽ từng thủ tục. Người thực hiện TTHC không phải chứng minh tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn mà cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn.

Sau hơn năm tháng thực hiện, các địa phương của TP đã tiếp nhận 997 hồ sơ đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến, đã giải quyết 780 trường hợp, đạt 5,3% trên tổng số hồ sơ đăng ký kết hôn toàn địa bàn TP.

Tỉ lệ này bước đầu triển khai tuy chưa cao nhưng là dấu hiệu tốt về sự chuyển biến trong nhận thức và thể hiện sự ủng hộ của người dân về sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

. Bước đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến sẽ không tránh khỏi những bất cập, vậy Sở Tư pháp TP.HCM đã có những giải pháp nào để giải quyết những bất cập này, thưa ông?

+ Đúng là trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, Sở Tư pháp có phát sinh một số vướng mắc, khó khăn.

Có thể kể đến như hệ thống thông tin quản lý đăng ký hộ tịch thường xuyên bị chậm, từ chối truy cập, dữ liệu hiển thị không đầy đủ… nên nhiều trường hợp chưa giải quyết được ngay yêu cầu của người dân, mất nhiều thời gian tra cứu, chỉnh sửa nội dung bản sao trích lục.

Tình trạng không đồng bộ giữa hệ thống thông tin giải quyết hành chính và hệ thống thông tin đăng ký quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp chưa được khắc phục (hồ sơ được tiếp nhận trên cổng dịch vụ công nhưng không hiển thị hoặc hiển thị không đầy đủ thông tin trên hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch).

Thời gian tối đa giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân tại cấp xã theo quy trình ban hành theo Quyết định 309/QĐ-BTP (năm ngày) nhiều lúc không đảm bảo đúng hạn…

Trước những khó khăn này, Sở Tư pháp đã thường xuyên cập nhật, tổng hợp vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý, các TTHC giải quyết trên môi trường điện tử.

Từ đó, chúng tôi kiến nghị kịp thời với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để điều chỉnh các quy định của pháp luật, quy trình giải quyết TTHC, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm giải quyết tốt hơn nữa yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân.

. Xin cảm ơn ông.•

Số hóa hơn 11,7 triệu hồ sơ hộ tịch

Đến nay, TP.HCM đã có hơn 11,7 triệu hồ sơ gồm bốn loại sổ hộ tịch (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con) được số hóa.

Trong đó có hơn 11,1 triệu hồ sơ đăng ký trước ngày 1-1-2016 đủ điều kiện chuyển chính thức lưu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và đã đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Đối với hồ sơ sau ngày 1-1-2016 đã cập nhật trực tiếp trên hệ thống ngay từ khi tiếp nhận, xử lý.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cai-cach-hanh-chinh-ve-ho-tich-giup-chinh-quyen-gan-dan-hon-post807250.html