Cải cách hành chính | Xã Hội | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Sau hơn một năm Nghị quyết số 76-NQ/CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai nhằm xây dựng chế độ công vụ vì nhân dân phục vụ. Tuy nhiên, để tiến tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì vẫn cần có những giải pháp căn bản, tổng thể và đồng bộ.
Bài 1: Lấy người dân làm trung tâm
Thời gian qua, cải cách hành chính được coi là "chìa khóa" giúp nhiều địa phương, bộ, ngành trong cả nước vượt qua khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Những nỗ lực đó đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên hầu hết các lĩnh vực với hàng loạt rào cản được tháo gỡ; thể chế, cơ chế, chính sách được khơi thông, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Từ những giải pháp quan trọng, đột phá về thể chế, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả nước đã chủ động sáng tạo, tích cực nghiên cứu, có giải pháp đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, nhất là cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân. Trong quá trình thực hiện, nhiều nơi không ngừng đổi mới sáng tạo, áp dụng mô hình, sáng kiến hay về cải cách hành chính (CCHC) phù hợp tình hình thực tiễn.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh Nghệ An luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo CCHC, coi đây là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt, được triển khai thực hiện nhất quán, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, phù hợp điều kiện thực tiễn. Tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đổi mới tư duy để có cách nhìn nhận và hành động cụ thể thiết thực, sáng tạo. Ðiểm nhấn là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC. Nghệ An tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đưa vào ứng dụng các phương thức quản trị hiện đại. Tất cả các sở, ngành, địa phương đều từng bước đổi mới tư duy từ nền "hành chính quản lý" sang "hành chính phục vụ", xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.
Tại huyện Nghi Lộc, các phòng chuyên môn của UBND huyện chú trọng thực hiện tốt cơ chế "một cửa liên thông", tăng cường giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử và rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, đồng thời triển khai nhiều mô hình, cách làm hay về CCHC. Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Nghi Lộc, Nguyễn Văn Dũng cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lập hồ sơ liên quan lĩnh vực đất đai, cấp ủy huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn ban hành quy trình về tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người dân về TTHC đất đai tại cấp xã. Khi người dân có nhu cầu thực hiện TTHC, sẽ được phát phiếu yêu cầu hỗ trợ lập hồ sơ, công chức địa chính xã tiếp nhận yêu cầu và trực tiếp hỗ trợ người dân lập hồ sơ. Công tác này đã giúp người dân bớt đi lại, tránh sai sót khi lập hồ sơ, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức. Hài lòng với kết quả giải quyết TTHC vừa nhận được chỉ sau ba ngày mở tờ khai tại Bộ phận một cửa huyện Nghi Lộc, chị Nguyễn Thúy Anh (Văn phòng Tư vấn thủ tục pháp lý nhà đất Thúy Anh) cho biết: "Trước kia, khi làm các thủ tục về đất đai, tôi mất cả tháng đi lại và chờ đợi. Hiện nay, TTHC đã được đơn giản hóa rất nhiều với phương thức làm việc trên môi trường số hóa. Các cán bộ, công chức tận tình, trách nhiệm hướng dẫn, phục vụ, cho nên thời gian giải quyết TTHC của người dân giảm rất nhiều, cắt giảm được những chi phí không cần thiết".
Ðịnh kỳ hằng tháng, cấp ủy huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường phối hợp Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh huyện Nghi Lộc thực hiện nhận xét, đánh giá công chức địa chính xã, thị trấn trong việc thực thi công vụ. Qua đó, từng bước khắc phục, chấn chỉnh tình trạng chậm, sai sót hồ sơ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, tạo được sự hài lòng của người dân. Khi nhận thấy nhu cầu của người dân tăng cao, Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Nghi Lộc đã triển khai mô hình "Ngày thứ 7 vì dân", cán bộ không quản ngại, tổ chức làm việc vào thứ 7 hằng tuần để đăng ký thay đổi địa chỉ thường trú, địa chỉ thửa đất sau sáp nhập xóm cho nhân dân các xã, thị trấn. Hằng năm, các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đều chủ trì nhiều buổi đối thoại với nhân dân trên địa bàn huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai. Trên tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và trong thẩm quyền cho phép, các đồng chí lãnh đạo huyện và đại diện các phòng, ngành liên quan đã tiếp thu, trực tiếp giải đáp, trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc mà nhân dân kiến nghị, đề xuất ngay tại buổi đối thoại.
Ðể tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng nhằm thu hút đầu tư, thời gian qua, Ðảng ủy Ban Quản lý Khu kinh tế Ðông Nam Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục đơn giản hóa TTHC, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ số hóa hồ sơ, các tài liệu đã nộp về Ban một lần thì không phải nộp lại cho các thủ tục liên quan trở về sau, đẩy mạnh công nghệ số hóa trong công tác lưu trữ tài liệu và khai thác sử dụng tài liệu đã có. Ðơn vị tăng nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, có những thủ tục không phải trực tiếp đến cơ quan thực hiện giải trình; thực hiện TTHC theo cấp độ 4. Ðồng thời, tiếp tục rút ngắn thời gian lấy ý kiến tại các địa phương trong quá trình giải quyết địa điểm để chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án.
Ðảng ủy Ban Quản lý còn kiến nghị mở rộng mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh hỗ trợ, tư vấn mang tính đồng bộ theo hướng cải cách TTHC cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI lần đầu đầu tư vào Nghệ An. Nhờ đó, Khu kinh tế Ðông Nam tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc)…Với sự hài lòng cao, họ đã tiếp tục mở rộng đầu tư, làm "cánh tay nối dài" thu hút các dự án thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ðiển hình là các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ đã tăng thêm vốn và đi vào hoạt động như: Goertek Vina tăng thêm 500 triệu USD, Everwin (200 triệu USD), JuTeng (200 triệu USD), Luxshare ICT (140 triệu USD), Mery&Luxshare (40 triệu USD).
Với sự quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của đa số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, cho nên các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Nghệ An đều đạt và vượt so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Năm 2021, lần đầu tiên Nghệ An lọt top 10 tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
Hiểu dân để đồng hành, gần dân để sẻ chia, nghe dân để hành động
Tỉnh Ðồng Tháp đang tích cực xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các chỉ số CCHC, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Cụ thể hóa định hướng đó, Ðồng Tháp đã ban hành hàng loạt đề án, kế hoạch, chương trình hành động trong lĩnh vực CCHC với những điểm nhấn rất quan trọng. Ðáng chú ý, tại Kế hoạch thực hiện các mô hình CCHC với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân giai đoạn 2021-2026, đã xác định mục tiêu rất cụ thể: Xây dựng chính quyền phục vụ, của dân, do dân và vì dân; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện, với phương châm: "Hiểu dân để đồng hành, gần dân để sẻ chia, nghe dân để hành động". Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các mô hình đã mang lại nhiều kết quả cụ thể, hiệu quả thiết thực, không hình thức. Chính quyền từng bước tạo dựng và nâng cao hình ảnh thân thiện trong nhận thức của người dân; xây dựng và duy trì môi trường lành mạnh, thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trò chuyện với nhiều doanh nhân trên địa bàn tỉnh, họ đều thống nhất đánh giá: Mô hình "Cà-phê Doanh nhân-Doanh nghiệp" được triển khai từ nhiều tháng qua đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải; họ được người đứng đầu chính quyền lắng nghe, trao đổi, thảo luận về các ý tưởng mới và các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin, động lực giúp doanh nhân và nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Ðối với mô hình "Chính quyền đồng hành cùng nhân dân", các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại để lắng nghe và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân theo chức năng, thẩm quyền. Ðó cũng là dịp để chính quyền thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố lòng tin, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Ðảng, chính quyền và nhân dân.
Nhằm thể hiện chức năng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và mang đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; Ðồng Tháp đang triển khai hiệu quả các mô hình: Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân; Công dân không viết gắn với dịch vụ công trực tuyến; Kết hợp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính. Những mô hình này tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp hồ sơ, giúp hạn chế sai sót và đỡ tốn thời gian, chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ của công chức, viên chức, nhân viên tại Bộ phận một cửa các cấp trong quá trình giải quyết TTHC.
Ðể bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức được kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; Ðồng Tháp đang thực hiện tốt các mô hình như: Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022; Thiết lập tính năng hữu ích của mạng xã hội vào công tác quản lý nhà nước. Từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, chính quyền các cấp đã kịp thời tiếp nhận và xử lý được những phản ánh, kiến nghị của nhân dân để phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước; nắm bắt, xử lý nhanh các điểm "nóng" mới phát sinh, định hướng dư luận, góp phần đấu tranh, phản bác các thông tin thiếu chính xác, giả tạo, gây hoang mang cho người dân và cộng đồng.
Bên cạnh động viên, khen thưởng kịp thời công chức làm tốt nhiệm vụ; UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh những nơi, những cán bộ làm chưa tốt. Vừa qua, chúng tôi có dịp cùng đoàn Kiểm tra công tác CCHC tỉnh Ðồng Tháp đến kiểm tra tại UBND xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò. Quá trình kiểm tra cho thấy, các công chức có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc thực hiện TTHC tại một số phòng còn có sai sót trong lưu thành phần hồ sơ. Tại Bộ phận một cửa của UBND xã còn hạn chế trong thực hiện TTHC là chưa đối chiếu bản sao với bản chính trong những trường hợp cần phải đối chiếu.
Theo đánh giá của Ðoàn Kiểm tra, công chức tư pháp, hộ tịch tại xã phải thực hiện khối lượng công việc lớn, nhưng chỉ một người thực hiện, cho nên khá vất vả và xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, do hiểu chưa đúng thế nào là đăng ký lại và đăng ký khai sinh cho người đã có giấy tờ, vì thế công chức xã cần xác định lại để bảo đảm hồ sơ lưu, bởi giá trị hộ tịch là vĩnh viễn, nếu như có sai sót gì thì sau này cải chính rất khó khăn, hơn nữa còn gây khó dễ, phiền hà cho người dân. "Thông qua các buổi kiểm tra ở nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp, chúng tôi nhận thấy các công chức ở xã, phường, thị trấn đều có sự cố gắng, có tinh thần cầu thị lắng nghe góp ý để khắc phục. Bên cạnh quá trình kiểm tra, chúng tôi giải thích cho các công chức hiểu rõ về những thiếu sót cần khắc phục. Rất đáng mừng là thời gian vừa qua chưa có sai sót gì lớn làm ảnh hưởng đời sống của người dân", đồng chí Nguyễn Hải Thanh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thuận lợi, thông thoáng. Trọng tâm là tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; tạo thuận lợi nhiều hơn nữa, nâng cao và hướng đến sự hài lòng cao nhất của cá nhân, tổ chức trong các giao dịch hành chính. Tỉnh xem CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, do đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi tư duy, cách làm; ứng xử văn hóa phù hợp, thể hiện được bộ mặt, hình ảnh của địa phương. Bên cạnh đó, phải luôn lắng nghe, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân để rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thông qua các mô hình mới, cách làm hay.
Từ cách tiếp cận đồng hành cùng người dân, tổ chức mà thời gian qua, không khí tích cực trong hoạt động CCHC đã lan tỏa sâu rộng tại nhiều địa phương với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, cùng hàng loạt mô hình hay, cách làm sáng tạo trong CCHC đã ra đời. Hiệu quả CCHC không chỉ mang lại giá trị thiết thực mà còn tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, thân thiện cho người dân, tổ chức khi giải quyết TTHC tại cơ quan công quyền, họ cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, xóa đi khoảng cách giữa người dân và cán bộ. Mặc dù hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, tổ chức với công chức thực thi công vụ nhưng từ hiệu quả công việc mang lại, giữa họ lại gia tăng sự gắn kết, người dân, tổ chức ngày càng củng cố niềm tin vào chính quyền.
(Còn nữa)