Cải cách hiến pháp Belarus: Đa số cử tri ủng hộ, sẽ cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trở lại?

Ngày 27/2, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus Igor Karpenko công bố kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp Belarus, theo đó, có 65,16% số người dân bỏ phiếu ủng hộ chủ trương này.

Tổng thống Belarus bỏ phiếu về việc sửa đổi hiến pháp vào ngày 27/2. (Nguồn: THX)

Tổng thống Belarus bỏ phiếu về việc sửa đổi hiến pháp vào ngày 27/2. (Nguồn: THX)

Hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Belarus nêu rõ, cuộc trưng cầu dân ý "diễn ra trong trật tự, theo đúng pháp luật và không xảy ra sự cố hay hành vi vi phạm nào", với tỷ lệ đi bỏ phiếu đạt 78,61%.

Belarus đã mở khoảng 5.510 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, đồng thời triển khai việc bỏ phiếu sớm từ ngày 22/2 và kéo dài đến ngày 26/2.

Trước đó, ngày 20/1, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ký sắc lệnh kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp. Dự thảo hiến pháp mới nêu rõ, Hội đồng nhân dân toàn Belarus trở thành cơ quan đại diện cao nhất ở nước này.

Những thay đổi trong hiến pháp cũng miễn trừ trách nhiệm cho các cựu lãnh đạo Belarus đối với các tội danh mà họ phạm phải trong thời gian tại nhiệm.

Ngoài ra, dự thảo cũng loại bỏ các điều khoản về tình trạng "phi hạt nhân hóa" và "trung lập" của Belarus. Theo đó, lần đầu tiên vũ khí hạt nhân có thể sẽ được triển khai trở lại Belarus kể từ khi nước này từ bỏ sau khi Liên Xô tan rã.

Trước đó, phát biểu tại một điểm bỏ phiếu hôm 27/2, Tổng thống Lukashenko nói rằng: “Nếu phương Tây chuyển vũ khí hạt nhân cho Ba Lan hoặc Lithuania, tới biên giới của chúng tôi, tôi sẽ yêu cầu ông Putin trả lại các vũ khí hạt nhân mà Minsk từng cho đi mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào".

Tổng thống Lukashenko, người nắm giữ quyền lực tại Belarus từ năm 1994, đã cam kết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trong bối cảnh các cuộc biểu tình lịch sử phản đối việc ông tái đắc cử năm 2020.

Cuộc trưng cầu ý dân tại Belarus được tổ chức trong bối cảnh Nga đang phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine và phái đoàn của Moscow và Kiev dự kiến gặp nhau để đàm phán ở biên giới Belarus.

Ngày 27/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra chỉ thị cho chỉ huy quân đội nước này đặt các lực lượng răn đe của Moscow - ám chỉ các đơn vị bao gồm cả vũ khí hạt nhân - trong tình trạng báo động cao.

(theo AFP, TASS)

Việt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cai-cach-hien-phap-belarus-da-so-cu-tri-ung-ho-se-chap-nhan-cho-nga-bo-tri-vu-khi-hat-nhan-vinh-vien-175411.html