Cải cách môi trường kinh doanh ở Hưng Yên để phát triển
Trong bối cảnh không thuận của kinh tế quốc tế và cả khó khăn nội tại từ trong nước, tỉnh Hưng yên đang đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
7 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,81%. Trong bối cảnh không thuận của kinh tế quốc tế và cả khó khăn nội tại từ trong nước, tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Trong 7 tháng năm nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên tăng 11,13%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Tổng thu ngân sách đến nay đạt trên 22.000 tỷ đồng, đạt 67,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Chỉ số cải cách hành chính có sự thay đổi lớn; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo và phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại của tỉnh tiếp tục được mở rộng.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên. Thực tế cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Hưng Yên xu hướng cải thiện theo thời gian, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức giảm, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn và cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực.
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhìn nhận: “Tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, đào tạo nhân lực, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và gia nhập thị trường, những chỉ số này đều cần được cải thiện. Khi doanh nghiệp về địa phương phải được hỗ trợ pháp lý, chi phí không chính thức không có, đi đôi với đó cần có tính minh bạch cao, thời gian gia nhập thị trường ngắn nhất, cả 10 chỉ số thành phần được cải thiện Hưng Yên mới có thể lọt tốp 10 toàn quốc”.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới, bên cạnh cơ hội từ những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với các đối tác quốc tế thì cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt nam. Nhưng trong quá trình đó, nhiều doanh nghiệp ở Hưng Yên đã phát huy lợi thế, xây dựng những thương hiệu mạnh ở thị trường trong nước, cũng như ở nước ngoài. Tổng công ty May 10 ở Khu Công nghiệp Phố Nối, tỉnh Hưng Yên nhiều năm nay, đã 6 lần được vinh danh Thương hiệu Quốc gia.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết chiến lược xây dựng thương hiệu khi hội nhập: “May 10 luôn là một trong những nhà sản xuất các sản phẩm may mặc thời trang áo sơ mi veston hàng đầu của Việt Nam. Khi khách hàng bước chân đến sân bay, họ có thể nghĩ ngay đến May 10 để đặt hàng như các thương hiệu thời trang lớn ở các thị trường nhập khẩu thời trang như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Còn đối với thị trường trong nước thì từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi cũng đã xây dựng thương hiệu thời trang May 10 và tiêu chí của chúng tôi là chất lượng quốc tế, kiểu dáng và thiết kế theo đúng nhu cầu thị hiếu của người Việt, nhưng giá cả là của Việt Nam”.
Trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trong tỉnh Hưng Yên đang hướng đến phát triển xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe của nhân dân.
Ông Hoàng Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tỉnh Hưng Yên, chủ một DN ô tô, cho biết, sau 24 năm hoạt động, doanh nghiệp của ông đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với doanh thu hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động và tạo được sự tin yêu của người tiêu dùng.
“Hệ thống mà chúng tôi xây dựng và phát triển lúc nào cũng bền vững vì ôtô, xe máy thì lúc nào cũng phải cần. Tới đây, xe xăng giảm đi thì doanh nghiệp có chiến lược xe điện. Khâu quản lý càng ngày càng chặt chẽ, nhất là về phòng cháy, chữa cháy, phải quan tâm đến con người, phải an toàn, đã làm doanh nhân, doanh nghiệp thì mình phải làm ăn đứng đắn, đàng hoàng, nộp đẩy đủ thuế cho Nhà nước” - ông Hiền chia sẻ.
Nhiều mặt hàng của Hưng Yên đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Đơn cử như các mặt hàng nông sản chế biến như nhãn lồng, dược phẩm, rồi sản phẩm điện tử, linh kiện, phụ tùng xe máy và sản phẩm may mặc…
Với 150 ha trồng nghệ, ông Hoàng Quang Đông - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu cho biết, đơn vị chuyên xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ tinh bột nghệ sang thị trường Ukraine, Trung Đông và gần đây sang thị trường Nhật bản khó tính. Tuy nhiên, công ty rất cần một nhà máy chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Ông Hoàng Quang Đông đề xuất: “Do dịch bệnh thì một số các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặc biệt liên quan đến nông nghiệp, rồi giá phân bón lên cao và một số nguyên liệu khác lên cao. Tôi cũng hỗ trợ bà con một phần và hai nữa khó khăn là đang chờ cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh để xây nhà máy. Khi làm việc được thì đối tác Nhật Bản sẽ cùng đồng hành cùng với chúng tôi, có thể về trang thiết bị máy móc, vốn chúng ta sẽ tham gia cùng, thì tôi nghĩ đấy là một hướng đi bền vững đối với một sản phẩm nông nghiệp truyền thống”.
Khi đường Vành đai 4 được hoàn thành đảm bảo tiến độ và năm 2027 đưa vào khai thác sẽ đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Hưng Yên, để sản phẩm của Hưng Yên đến với mọi miền đất nước.