Cải cách quản lý nợ công tại Việc Nam: Tiến dần đến thông lệ quốc tế

Công tác quản lý nợ tại Việt Nam đòi hỏi sự cải cách để đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển cũng đất nước có những thay đổi căn bản, mặt khác nhằm tiến dần đến các thông lệ của quốc tế.

Hội thảo chuyên đề về “Quản lý rủi ro cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ” diễn ra trong 2 ngày 19-20/11. (Ảnh: Vietnam+)

Hội thảo chuyên đề về “Quản lý rủi ro cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ” diễn ra trong 2 ngày 19-20/11. (Ảnh: Vietnam+)

Trong Khung cải cách tổng thể về quản lý nợ công do Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ đã cùng Việt Nam xây dựng với sự hỗ trợ tài chính từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), một trong 5 trụ cột được các bên nhất trí về sự cần thiết triển khai ngay trong năm 2020-2021 là Quản lý rủi ro.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính Bộ Tài chính tổ chức loạt hội thảo chuyên đề về “Quản lý rủi ro cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ” diễn ra trong 2 ngày 19-20/11.

Tăng cường công tác quản lý nợ

Theo ông Trương Hùng Long, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, kể từ khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017 đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý nợ công tại Việt Nam từ Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về cơ bản đã hoàn thành. Theo đó, công tác quản lý nợ công được chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về chính sách, Việt Nam kiên định theo đuổi mục tiêu củng cố tài khóa, quản lý chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách từ hoạt động cấp bảo lãnh Chính phủ và vay nước ngoài về cho vay lại. Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa để ứng phó hiệu quả với các cú sốc vĩ mô như Việt Nam đối mặt trong năm 2020.

Vấn đề đặt ra là công tác quản lý nợ cần phải cải cách để đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển Việt Nam có những thay đổi căn bản, mặt khác tiến dần đến các thông lệ của quốc tế.

Hơn thế, ông Long chỉ ra trong giai đoạn tới Việt Nam phải đối mặt với rủi ro vĩ mô gia tăng so với thời kỳ trước, như rủi ro tăng trưởng kinh tế chững lại, mặt bằng lãi suất gia tăng, rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cũng như chi phí gia tăng do dân số bị già hóa.

Bên cạnh đó, các nhà tài trợ nước ngoài đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ

Ông Long chỉ ra trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách, đầu tư công trung hạn, cũng như cho vay lại đối với các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

“Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới trong thời gian tới,” ông Long cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế các khoản bảo lãnh Chính phủ vẫn có vai trò rất quan trọng giúp các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện các dự án thiết yếu, trọng điểm quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn vốn thương mại lớn với quy mô lớn và chi phí vay ưu đãi hơn.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có cơ cấu nợ hợp lý, cân đối giữa chi phí và rủi ro, giữa nghĩa vụ nợ trực tiếp và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như năng lực quản lý của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ông Long nhìn nhận cần thiết phải tăng cường năng lực cán bộ quản lý nợ, đặc biệt trong việc nắm vững các phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng, ứng dụng mô hình định lượng để tham mưu chính sách liên quan đến cấp và quản lý các khoản cho vay lại và khoản bảo lãnh Chính phủ một cách hiệu quả là ưu tiên hàng đầu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia IMF đã trao đổi về các nội dung, phương pháp luận liên quan đến quản lý rủi ro trong bảo lãnh và cho vay lại của Chính phủ và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển khuôn khổ quản lý rủi ro tín dụng và phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng,

Ông Sandeep Saxena, chuyên gia của Vụ các vấn đề tài khóa IMF chỉ ra bảo lãnh và cho vay có những rủi ro tương tự như nhau, song lại thể hiện ở chính các hình thức khác nhau do đó cần được quản lý một cách phù hợp.

“Thông điệp đưa ra là Bộ Tài chính có thể thu nhận nhiều lợi ích từ việc xây dựng năng lực đánh giá các đề xuất bảo lãnh/cho vay lại và đánh giá và lượng hóa các rủi ro đi kèm với bảo lãnh/cho vay lại tại thời điểm cấp bảo lãnh và cập nhật trong suốt thời hạn bảo lãnh. Việc xây dựng các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp cũng như năng lực giám sát việc thực hiện bảo lãnh/khoản vay. Qua đó, cải thiện công tác theo dõi hồ sơ và công khai thông tin và giúp tăng cường tính minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý,” ông Sandeep nói.

Với nền thông tin được cung cấp từ phần trình bầy của Bộ Tài chính về tình hình cho vay lại và cấp bảo lãnh Chính phủ ở Việt Nam và các công cụ quản lý mà Chính phủ Việt Nam đang sử dụng, các chuyên gia tham gia hội thảo đã có các thảo luận đa chiều, mang lại nguồn thông tin đa dạng và kinh nghiệm phong phú giúp cho các cơ quan, đơn vị của Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng trong quản lý./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cai-cach-quan-ly-no-cong-tai-viec-nam-tien-dan-den-thong-le-quoc-te/677773.vnp