Cải cách quản lý nợ công trong điều kiện rủi ro cao
Nợ công của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề rủi ro tín dụng cần phải có cơ cấu hợp lý, cân đối nợ một cách hiệu quả. TCDN -
Ngày 19/11, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN), Bộ Tài chính phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức hội thảo trực tuyến về quản lý rủi ro cho vay lại và bảo lãnh chính phủ. Hội thảo được tổ chức trong hai ngày 19-20/11/2020.
Theo Cục QLN&TCĐN, trong tháng 10/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Bản tin nợ công số 10, theo đó, các chỉ tiêu nợ năm 2019 đều đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định: nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội tới năm 2019 là 55% GDP, nợ Chính phủ/GDP dưới 48%, nợ nước ngoài quốc gia dưới 47,1%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách dưới 17,4%.
Công tác quản lý nợ công được tăng cường, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2016 -2019 (từ 61% năm 2015 còn 55% năm 2019), góp phần tăng dư địa chính sách tài khóa, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính.
Tính đến 31/12/2019, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các cơ quan cho vay lại cho thấy, trên 600 dự án sử dụng nguồn vốn vay lại. Tổng số dư nợ cho vay lại (không bao gồm cho vay lại chính quyền địa phương) là 124.338 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,4 tỷ USD.
Thời gian tới, Việt Nam phải đối mặt với rủi ro vĩ mô gia tăng so với thời kỳ trước như: Rủi ro tăng trưởng kinh tế chững lại, mặt bằng lãi suất gia tăng, rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cũng như chi phí gia tăng do dân số bị già hóa…
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho rằng, vấn đề đặt ra là công tác quản lý nợ cần cải cách như thế nào để một mặt đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển của Việt Nam, mặt khác tiến dần đến thông lệ tốt của quốc tế.
Giai đoạn hiện nay, các nhà tài trợ nước ngoài đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.
Trong 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách, đầu tư công trung hạn, cũng như cho vay lại đối với các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới.
Đáng chú ý, theo ông Trương Hùng Long, khoản bảo lãnh Chính phủ có vai trò rất quan trọng giúp các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện các dự án thiết yếu, trọng điểm quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn vốn thương mại lớn với quy mô lớn và chi phí vay ưu đãi hơn.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có cơ cấu nợ hợp lý, cân đối giữa chi phí và rủi ro, giữa nghĩa vụ nợ trực tiếp và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như năng lực quản lý của Việt Nam.
Đồng thời, Cục trưởng Cục QLN&TCĐN nhấn mạnh, việc tăng cường năng lực cán bộ quản lý nợ, đặc biệt trong việc nắm vững các phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng, ứng dụng mô hình định lượng để tham mưu chính sách liên quan đến cấp và quản lý các khoản cho vay lại và khoản bảo lãnh chính phủ một cách hiệu quả là ưu tiên hàng đầu.