Cải cách thể chế mạnh mẽ về tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp tư nhân

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức và Dân tộc tại họp báo Bộ Tài chính chiều 3/4, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân lần này sẽ có nhiều giải pháp mạnh và cụ thể về cải cách thể chế, chính sách tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, tài chính cho khu vực tư nhân.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) trả lời phóng viên báo Tin tức và Dân tộc tại họp báo Bộ Tài chính diễn ra chiều 3/4.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) trả lời phóng viên báo Tin tức và Dân tộc tại họp báo Bộ Tài chính diễn ra chiều 3/4.

“Dự thảo sẽ đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, tham gia các dự án trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng; có các chính sách mạnh mẽ cho hộ kinh doanh để họ hiểu rõ hơn về khung pháp lý, hoạt động minh bạch hơn, gần với mô hình doanh nghiệp…”, bà Bùi Thu Thủy cho biết.

Bộ Tài chính là cơ quan được giao để chắp bút dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân để trình Chính phủ và Trung ương. Ngoài quan điểm, định hướng, Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ được Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ, cụ thể, tương tự Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Theo Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể, điểm đột phá của Dự thảo Nghị quyết lần này là thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần tổng hợp 4 nhiệm vụ được Trung ương giao cho Bộ Tài chính, trong đó tổng kết Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân năm 2017; tổng hợp Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đề án về phát triển doanh nhân Việt Nam.

Qua tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp liên quan đổi mới sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu…, theo Bộ Tài chính, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng, vướng mắc lớn nhất là về thể chế, pháp luật, đặc biệt có yếu tố liên quan tới niềm tin của doanh nghiệp tư nhân khi bỏ vốn đầu tư kinh doanh và muốn có sự đảm bảo về quyền về tài sản, quyền tự do kinh doanh.

Trước đó, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn do không rõ ràng về khung pháp lý, lo ngại bị vướng vào vòng pháp lý, do đó, cần phải làm rõ cách thức "không hình sự hóa quan hệ kinh tế" trong Bộ luật Hình sự, cùng với đó, Cục đang phối hợp với ngành Công an để xác định cụ thể các quy định này.

Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể đã tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp tư nhân như: Không phải đợi có khung pháp lý mới được làm các lĩnh vực mới; dành diện tích tối thiểu trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; miễn, giảm thuế trong 3 năm đầu cho doanh nghiệp mới; chính sách bảo lãnh tín dụng theo mô hình của Nhật Bản; yêu cầu về liên kết, chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); phân công vai trò rõ ràng giữa doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.

Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường toàn cầu; cung cấp nền tảng phần mềm miễn phí cho doanh nghiệp siêu nhỏ; xem xét bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh, áp dụng mức doanh thu nhất định để phải thành lập doanh nghiệp.

Kinh tế tư nhân đang được xác định là một trong những động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam. Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân, đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam".

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban với nhiệm vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.

Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phải có chính sách đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân với tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn chính xác những "đòn bẩy, điểm tựa", có tính khả thi, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/cai-cach-the-che-manh-me-ve-tiep-can-dat-dai-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-20250403191430348.htm