Đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Theo Bộ Tài chính, để hoàn thiện thể chế nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và giải quyết một số vướng mắc thực tế trong quá trình thực thi và quản lý, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều tại 07 Luật để xây dựng dự án 01 Luật sửa 07 Luật, gồm: (1) Luật Đấu thầu; (2) Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; (3) Luật Hải quan; (4) Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (5) Luật Đầu tư, (6) Luật Đầu tư công; (7) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản

Bộ Tài chính cho biết, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024/QH15) đã tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương và giải pháp xác định tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần tiếp tục xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa quy trình thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.

Theo đó, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định: Về áp dụng Luật Đấu thầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; về ưu đãi trong đấu thầu; về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; về phân cấp, phân quyền trong đấu thầu; về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; về đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế; về hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với dự án đầu tư kinh doanh; về giám sát hoạt động đấu thầu…

Nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu

a) Chính sách nhằm tạo cơ chế linh hoạt, ưu đãi trọng đấu thầu nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số:

- Về áp dụng Luật Đấu thầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ: Dự thảo đề xuất bổ sung điểm h và điểm i vào sau điểm g khoản 7 Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ thực hiện theo phương thức khoán chi sử dụng ngân sách nhà nước, mua gom trực tiếp hàng hóa, dịch vụ từ hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thì tổ chức, cá nhân được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu.

- Về ưu đãi trong đấu thầu:

+ Sửa đổi, bổ sung điểm g, bổ sung điểm i vào sau điểm h khoản 1 Điều 10 để quy định sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp úng tiêu chí sản xuất trong nước theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhà thầu là trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm nghiên cứu và phát triển; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu;

+ Bổ sung điểm c khoản 4 Điều 10 quy định nhà đầu tư là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sở hữu hoặc có bản quyền công nghệ chiến lược thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư.

- Về đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế:

+ Bổ sung khoản 3 Điều 11 để làm rõ đối với dự án đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, người có thẩm quyền quyết định áp dụng đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp áp dụng đấu thầu trong nước, nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu; nhà đầu tư trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh.

+ Bổ sung khoản 4 Điều 11 quy định cho phép nhà thầu trong nước liên danh với nhà thầu được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu phụ là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu đối với gói thầu của dự án thuộc lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tổ chức đấu thầu trong nước.

b) Chính sách nhằm cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đấu thầu:

- Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 43 để bỏ thủ tục "thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu" đối với gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh và mua sắm trực tiếp.

- Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điểm, khoản tại các Điều 4, 14, 78, 79, 80 để bãi bỏ vai trò của bên mời thầu trong lựa chọn nhà thầu, đồng thời chuyển giao nhiệm vụ của bên mời thầu cho tổ chuyên gia, chủ đầu tư.

- Về chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh: Sửa đổi, bổ sung Điều 23, 24 theo hướng Luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc thương thảo về giá trong chỉ định thầu theo hướng "trong quá trình thương thảo hợp đồng chủ đầu tư và nhà thầu thương thảo về giá bảo đảm giá đề nghị trúng thầu tiết kiệm, hiệu quả kinh tế.".

- Về mua sắm tập trung: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 53 theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu áp dụng mua sắm tập trung.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư: Bổ sung khoản 2a Điều 34 để bổ sung trường hợp chỉ định nhà đầu tư đối với dự án thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mà nhà đầu tư đề xuất dự án là doanh nghiệp sở hữu, có bản quyền công nghệ chiến lược, dự án cần tiếp tục lựa chọn doanh nghiệp trước đó đã triển khai hạ tầng, nền tảng số nhằm bảo đảm đồng bộ, kết nối hạ tầng, nền tảng số…

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Khánh Linh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-sua-doi-luat-dau-thau-10225040410115065.htm