Cải cách thủ tục hành chính ở TP.HCM còn chậm
TP.HCM có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với Cổng thông tin quốc gia, khiến giải quyết thủ tục hành chính còn chậm.
Thông tin trên được ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cung cấp tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính của TP diễn ra sáng 12/8.
Ông Hoàng đề nghị TP.HCM sớm hoàn thiện việc xây dựng thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất giữa Cổng dịch vụ công và hệ thống 1 cửa điện tử tập trung.
Theo ông Hoàng, hiện TP.HCM triển khai cải cách hành chính còn chậm. Theo Nghị định 61 năm 2018 của Chính phủ, các địa phương phải xây dựng hệ thống thông tin 1 cửa điện tử xong từ năm 2018 - 2019, tuy nhiên TP.HCM địa bàn rộng, không triển khai xây dựng được trung tâm hành chính tập trung.
Chính phủ đã đưa ra 1 giải pháp là các địa phương xây dựng hệ thống thông tin 1 cửa điện tử trên cơ sở các sở ngành phải trình chủ tịch UBND tỉnh, TP ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính và trên cơ sở đó để hóa số quy trình, giám sát công khai minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.
"Hiện nay TP.HCM triển khai rất chậm, rất manh mún", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng thông tin thêm, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống đồng bộ cổng thông tin điện tử một cửa với Cổng thông tin quốc gia, để hằng ngày Thủ tướng theo dõi tiến trình giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trên toàn quốc.
Theo ông Hoàng, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng trên cổng dịch vụ công chỉ có 11.000 hồ sơ nhập vào.
Ông Hoàng đề nghị TP.HCM tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để làm cơ sở xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 đảm bảo phù hợp, thân thiện, hiệu quả nhằm giúp người dân, doanh nghiệp trong thủ tục hành chính.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, về cơ bản tất cả các địa phương đã xây dựng được hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông việc thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai và thuế, nhưng TP.HCM chưa làm được việc này.
"Theo đánh giá, trung bình để làm được thủ tục này TP.HCM mất 28 ngày, trong khi đó, các địa phương xây dựng dịch vụ công trực tuyến có thanh toán nghĩa vụ tài chính, họ chỉ mất 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Nghĩa là chúng ta quá chậm so với các địa phương khác", ông Hoàng nói.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP cho biết, Bộ Nội vụ công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 của TP đạt 86,05%, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành; giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020.
Theo ông Nhân, có 8 nội dung liên quan đến chỉ số CCHC (Par Index) mà TP bị trừ điểm. Trong đó, lĩnh vực công tác chỉ đạo điều hành bị trừ 0,0633 điểm do có các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao hoàn thành muộn so với yêu cầu.
Lĩnh vực cải cách thủ tục bị trừ 0,3334 điểm do chưa thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp xã trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công TP; còn có hồ sơ trễ hạn và chậm xử lý phản ánh kiến nghị.
Lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bị trừ 0,25 điểm do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt; còn có cán bộ, công chức lãnh đạo bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.
Lĩnh vực cải cách tài chính công bị trừ 0,6387 điểm do tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa đạt yêu cầu. Trong thời điểm này, TP trải qua thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.
Việc tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách còn chậm.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của TP, TP.HCM bị trừ 2/6 điểm.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-o-tp-hcm-con-cham-ar694007.html