Cải cách thủ tục hành chính ở TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp chứ không tìm cách giải thích
Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, tháng 10/2022, thành phố sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TPHCM và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06. Thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
Tuy nhiên, dù nhiều nỗ lực nhưng vấn đề dịch vụ công, cải cách hành chính cũng như đội ngũ công chức, viên chức của TPHCM vẫn còn nhiều việc phải tháo gỡ.
Tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022, tổ chức ngày 12/8, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu Sở Nội vụ thành phố tiếp tục tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Theo đó, trong số hơn 1.700 thủ tục thì thuộc thẩm quyền cấp thành phố quá nhiều, trong khi cấp quận/huyện ít; cấp xã/phường/thị trấn lại càng ít.
“Muốn bộ máy hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, để thành phố phát triển thì phải cải cách hành chính mạnh mẽ hơn. Tìm giải pháp chứ không tìm cách giải thích”- ông Mãi nói.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2021 do Bộ Nội vụ công bố cho thấy, TPHCM đạt 86,05% được xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 20 bậc so với kết quả năm 2020, dưới mức điểm trung bình chung của cả nước là 86,37%.Trong khi đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 của TPHCM là 86,69%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức hài lòng thuộc loại trung bình thấp.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng chú ý là cho dù TPHCM đã đầu tư cao cho chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh song tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp. ThS Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam), cho biết TPHCM có 91% người dân dùng internet nhưng chỉ có khoảng 6% người dân tham gia dịch vụ hành chính công trực tuyến, thấp hơn so với trung bình của cả nước. Vẫn theo bà Huyền, dịch vụ hành chính công trực tuyến của TPHCM không có nhiều thay đổi sau 2 năm gần đây. Bà Huyền cho rằng, dịch vụ hành chính công trực tuyến của TPHCM “quá nhiều hình ảnh, chưa thân thiện với người dùng, thay vì hỗ trợ người dùng thì lại bắt tra cứu hồ sơ”.
Tương tự, ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng, TPHCM đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử nhưng hiệu quả lại không cao. Theo đó, giảm thời gian và đơn giản hóa thủ tục bằng cách từ tiếp nhận trực tiếp chuyển sang trực tuyến, tuy nhiên người dân quan tâm và tham gia ít, mới đạt khoảng 20,87%.
“Kết quả này không được như kỳ vọng trong khi chi phí đầu tư rất nhiều. Đây là chỉ số mà TPHCM cần phải nâng lên trong thời gian tới” - ông Hùng nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hành chính (Văn phòng Chính phủ), lưu ý TPHCM hiện có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với cổng thông tin quốc gia. “Số lượng này rất ít, đơn lẻ và không liên thông, liên kết giữa các cơ quan nên thủ tục hành chính chưa rút ngắn thời gian”- ông Hoàng nói.
Tình hình vẫn chưa dừng ở đó. Xin được nhắc lại, theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, TPHCM chỉ đạt 86,05%, xếp vị trí 43/63 tỉnh/thành; giảm đến 20 bậc. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ số về gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch hay đào tạo lao động… của TPHCM chưa có nhiều cải thiện.
Đáng chú ý, nguyên nhân TPHCM bị tụt 20 hạng thì có 8 nội dung bị trừ điểm, trong đó có: Công tác chỉ đạo điều hành hoàn thành muộn so với yêu cầu; Cải cách thủ tục hành chính hồ sơ trễ hạn và chậm xử lý phản ánh kiến nghị; Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa tốt; còn có cán bộ, công chức lãnh đạo bị kỷ luật; Cải cách tài chính công trong đó có việc tiến độ giải ngân của các dự án chậm...
Ngoài ra, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, TPHCM cũng bị trừ điểm.
TPHCM vốn là địa phương đi đầu cả nước về tư duy đột phá chính sách, mở ra và đi đầu nhiều phong trào, đóng góp GDP nhiều nhất cả nước... Chính vì thế, thành phố cần nhiều quyết sách hơn nữa để vượt qua khó khăn.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, TPHCM có 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Chính vì thế, ngày 12/8, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn báo cáo Bộ Nội vụ. Cụ thể, ở cấp thành phố, cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều nhất tại Sở Xây dựng với 23 người, Sở Kế hoạch và đầu tư 22 người. Ở cấp huyện, TP Thủ Đức có số cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều nhất với 40 người. Trong số 5.501 viên chức nghỉ việc, lĩnh vực Giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất: 2.436 người, tiếp theo là Y tế 2.145 người, còn lại các lĩnh vực sự nghiệp khác.
Theo đánh giá của UBND TPHCM, 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, gồm: Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng được điều kiện sống; cơ hội thăng tiến ít, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu cùng đó là cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế; áp lực công việc lớn.