Cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Tạo thuận lợi thương mại

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tỉ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19% hiện nay.

Ngày 9/6, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành.

Hội thảo tập trung và thảo luận khả năng thành lập mô hình Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành tập trung phù hợp với Việt Nam để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ trong những năm qua, thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những bước cải thiện đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tỉ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19%.

Thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành được cải cách sẽ làm giảm thời gian và chi phí thông quan, giải phóng hàng cũng như tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cần tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua việc tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Trong đó, một yêu cầu quan trọng được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP là, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan: Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng trung tâm dữ liệu quản lý rủi ro để thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với tổng vốn 21,7 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và kiểm tra chuyên ngành cũng như hỗ trợ tăng cường công tác thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dự án phối hợp với Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính nhằm chuẩn hóa các thủ tục hải quan, tăng cường sự phối hợp ở cấp trung ương và cấp tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến nay 100% thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS, số lượng doanh nghiệp tham gia trên 99%, thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Chính phủ giao, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.

Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (tài trợ bởi USAID) với nội dung trọng tâm là cải thiện công tác kiểm tra chuyên ngành, tiến tới phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 24/5/2019, trong đó giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản của Dự án.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính để triển khai dự án nêu trên, Tổng cục Hải quan đã phối hợp Dự án USAID tổ chức hội thảo này nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý rủi ro và mô hình Trung tâm Quản lý rủi ro liên ngành tập trung.

Trong những năm qua, bằng việc áp dụng quản lý rủi ro kết hợp với chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", ngành Hải quan tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro; qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa.

Đặc biệt, ngành Hải quan đã chủ động phát hiện và kiểm soát trước đối với những nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan; tạo lập môi trường tuân thủ, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước đáp ứng mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và yêu cầu quản lý nhà nước.

Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành là cần thiết và phù hợp với yêu cầu cải cách, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. "Thời gian qua, bằng sự nỗ lực của các bộ, ngành, công tác quản lý chuyên ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như cải cách thủ tục, chính sách chuyên ngành, cắt giảm danh mục mục kiểm tra chuyên ngành theo hướng trọng tâm trọng điểm hơn, từng bước thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý chuyên ngành”- ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, thực chất công tác quản lý rủi ro là công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến kiểm tra chất lượng. Cơ chế kiểm tra, giám sát là cần thiết, bởi có kiểm tra mới tránh được những rủi ro về quản lý, cũng ảnh hưởng đến chất lượng của hàng hóa trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay mỗi cơ quan, bộ, ban ngành khó có thể thành lập tổ chức để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành tập trung là cần thiết để chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các bộ, ngành.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-cach-thu-tuc-kiem-tra-chuyen-nganh-tao-thuan-loi-thuong-mai-179979.html