Cải cách tiền lương: Bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương; xây dựng 5 bảng lương mới
Xây dựng 5 bảng lương mới gồm: Bảng lương chức vụ; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ cho biết, sớm thực hiện cải cách chính sách cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 cũng là một "cú hích" cho thị trường lao động và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Lần này chúng ta tiến hành cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương bình thường. Hiện nay, các cơ quan đều đang tích cực chuẩn bị cả về nguồn lực và thể chế, chính sách thang, bảng lương để thực hiện cải cách tiền lương.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Xây dựng 1 bảng lương chức vụ
Cụ thể, xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Bảng lương này được xây dựng theo nguyên tắc: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.
Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, ủy ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.
Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ
Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.
Bảng lương này xây dựng theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang
Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:
+ 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).
+ 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.
+ 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới
Nghị quyết 27-NQ/TW nêu rõ, một trong các yếu tổ cụ thể để thiết kế bảng lương mới là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.