Cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng lao động
Các đại biểu nhận định điểm nghẽn tăng trưởng do năng suất lao động chưa cao nên cần tập trung cho công tác đào tạo, nâng cao tay nghề và thực hành cải cách tổng thể về tiền lương, thu nhập…
Ngày 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Mất cân đối về cung - cầu lao động
Trình bày báo cáo thẩm tra về phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết: Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, 10/15 chỉ tiêu QH giao đạt và vượt mục tiêu.
Trong năm chỉ tiêu không đạt thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP ước tính tăng trên 5%, thấp hơn mục tiêu 6,5% QH giao...
Ngoài ra, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ ba liên tiếp, đây là một trong những điểm nghẽn cần phải tháo gỡ để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay đến nay vấn đề lao động đã bộc lộ những hạn chế. Số lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chậm, chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn.
“Thị trường lao động phát triển chậm, chưa bền vững, có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Tình trạng mất cân đối về cung - cầu lao động như vùng sâu, vùng xa không có lao động để phát triển kinh tế; dự báo nhu cầu lao động chủ yếu phục vụ ở cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa thực sự có ý nghĩa với doanh nghiệp và người lao động” - bà Thúy Anh nói.
Cùng nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ năng suất lao động là điểm yếu đang tác động lớn tới tăng trưởng.
Theo ông Huy, mức tăng năng suất lao động thấp vừa qua không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng, mà khả năng đạt tăng trưởng bình quân năm năm là 6% cũng rất khó. “Các giải pháp cải thiện năng suất lao động vừa qua chưa rõ, cần nhận diện điểm nghẽn, đưa ra giải pháp cụ thể” - ông Huy đề nghị.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp, một bộ phận người lao động chuyển việc sang bộ phận dịch vụ phi chính thức với năng suất thấp hơn. “Họ cần thời gian được đào tạo lại nên ảnh hưởng tới năng suất lao động” - ông Dũng nói.
Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP chỉ ước tính đạt khoảng 5%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay tuy không đạt chỉ tiêu QH giao nhưng so với tình hình chung của thế giới thì “đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng”.
Cải cách tiền lương gắn với nâng cao trách nhiệm
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay hiện đào tạo đại học trong nước đã phủ rộng các ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, khối tư thục tham gia đào tạo ngành nghề, còn Nhà nước thì tập trung vào đào tạo khoa học cơ bản và khoa học kỹ thuật.
Ông Vinh đề nghị trước mắt Nhà nước vẫn phải tập trung đầu tư cho vấn đề đào tạo, nếu không sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao...
Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, tạo động lực cho người lao động, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nói theo kế hoạch được trung ương thông qua và QH, Chính phủ cũng có kế hoạch, từ ngày 1-7-2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
Tuy nhiên, theo ông Định, vấn đề quan trọng không chỉ là điều chỉnh tiền lương mà còn gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Hai việc này phải đi liền với nhau. Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức nên phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức. Có biện pháp xử lý với những người làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy những người thiếu năng lực.
Chúng ta phải làm cả hai mặt, chứ không chỉ cải cách tiền lương không” - ông Định nêu. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cũng nhấn mạnh việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương tới đây phải phù hợp và tương đồng. “Cải cách tiền lương làm sao để cán bộ cơ sở cũng như các ngành, lĩnh vực khác có sự tương đồng với nhiệm vụ, trách nhiệm, tránh có nơi thu nhập cao, có nơi thấp hơn, trong khi nhiệm vụ thì như nhau” - ông Y Thanh Hà Niê K’đăm nói.
Tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý trong thời gian tới, tinh thần phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
Chủ tịch QH lưu ý tiếp thu ý kiến tại Hội nghị Trung ương, cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề cấp bách trước mắt mà Nghị quyết kỳ họp thứ năm, hay trong các kết luận của trung ương, của Bộ Chính trị đã chỉ rõ; đồng thời phải gắn với các mục tiêu dài hạn như cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế cũng như các mục tiêu phát triển lâu dài.
Tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2024-2025
Theo báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2024-2025. Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5%-7% là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá tính khả thi trong mục tiêu năm 2024 đạt tăng trưởng GDP 6%-6,5% và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. Đồng thời, nên cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cai-cach-tien-luong-gan-voi-nang-cao-chat-luong-lao-dong-post756781.html