Cải cách tiền lương - tăng cường trách nhiệm

Trong những ngày Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV diễn ra, từ nghị trường Quốc hội, một tin vui đến với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT...(gọi chung người hưởng lương từ ngân sách) là cùng với những nội dung quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh, những vấn đề trọng đại của đất nước, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến, có những quyết sách về chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc tăng lương cho những người hưởng lương từ ngân sách, dự kiến bắt đầu từ 1/7/2024. Quả thực, đây không chỉ là niềm vui mà còn là động lực to lớn, động viên, khích lệ kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, LLVT nhân lên khát vọng cống hiến, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, đi cùng với đó, vấn đề đặt ra ở đây là, lương tăng, thu nhập, đời sống được cải thiện cũng đồng nghĩa với việc phải nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm, gắn song hành, hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm trong một chỉnh thể thống nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ 'công bộc' của nhân dân.

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có cải cách chính sách tiền lương. (Ảnh: Quốc hội)

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có cải cách chính sách tiền lương. (Ảnh: Quốc hội)

Đáp ứng tình hình, lộ trình, kỳ vọng

Sở dĩ vấn đề tăng lương thu hút sự quan tâm lớn của xã hội bởi nó có tác động nhiều chiều, nhiều mặt đến cuộc sống xã hội nói chung và đời sống cán bộ, công chức, viên chức, LLVT... nói riêng, đồng thời đây cũng là một bước tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (Nghị quyết 27), ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bẩy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT và người lao động trong doanh nghiệp. Có một thực tế là, mặc dù Trung ương đã thông qua Nghị quyết 27 từ năm 2018 nhưng những năm qua, do nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động, nhất là ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19 nên gần như chưa thể thực hiện được theo đúng tinh thần “chỉ dẫn” của Nghị quyết mà mỗi năm Nhà nước có xem xét điều chỉnh lương nhưng mới chỉ ở mức bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương.

Hơn nữa, việc thực thi chính sách tiền lương hiện nay cũng bộc lộ không ít bất cập, đơn cử như lương kỹ sư mới ra trường còn thấp hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất, trong khi đó nguyên lý chung là lương phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Do thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, LLVT...chỉ chủ yếu phụ thuộc vào lương trong khi khoản thu nhập này còn “lệch pha”, chưa cập với tình hình thực tiễn cuộc sống với sự biến động thường xuyên, có lúc “phi mã” của giá cả thị trường khiến cho thu nhập từ lương chưa “hoàn thành sứ mệnh” là yếu tố đảm bảo cuộc sống. Vì thế, đội ngũ những người hưởng lương từ ngân sách luôn mong mỏi vào sự điều chỉnh của Nhà nước để họ có thể nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và cải cách chính sách tiền lương lần này chính là đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng đó. Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là thời điểm phù hợp, chín muồi để thực hiện cải cách căn bản tiền lương, lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư cho sự phát triển. Hiện nay, cả nước đã chuẩn bị đủ các điều kiện để thực hiện.

Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực phục vụ cho cải cách tiền lương. (Ảnh: Tạp chí Kinh tế Việt Nam)

Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực phục vụ cho cải cách tiền lương. (Ảnh: Tạp chí Kinh tế Việt Nam)

Được biết, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT với sáu nội dung cải cách theo tinh thần Nghị quyết 27 (dự kiến thực hiện từ 1/7/2024) gồm: Xây dựng năm bảng lương mới, chế độ phụ cấp, chế độ tiền thưởng, chế độ nâng bậc lương, nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, quản lý tiền lương và thu nhập. Từ năm 2025, tiếp tục điều chỉnh tăng lương bình quân 7%/năm để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỉ đồng, đảm bảo đủ nguồn để cải cách tiền lương trong ba năm 2024 - 2026 theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tăng lương - tăng cường trách nhiệm và chất lượng đội ngũ

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây cũng là chính sách được người lao động đặc biệt quan tâm, góp phần làm trong sạch, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, ổn định nguồn nhân lực trong khu vực công, là một trong những giải pháp toàn diện, khả thi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cải cách tiền lương không chỉ đáp ứng với tình hình thực tiễn đất nước, nâng cao thu nhập, đời sống mà còn tạo ra “đòn bẩy” để những người hưởng lương từ ngân sách yên tâm cống hiến, thúc đẩy tăng năng suất lao động vì sự nghiệp chung. Tuy nhiên, như trên đã nói, đi cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, cần thiết và nhất thiết phải nâng cao chất lượng của chính đội ngũ những người được thụ hưởng chính sách nhân văn ấy.

Hệ thống ngân hàng đồng hành phục vụ cải cách tiền lương.

Hệ thống ngân hàng đồng hành phục vụ cải cách tiền lương.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cải cách chính sách tiền lương phải gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với vị trí việc làm, với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và công tác cán bộ. Yêu cầu đặt ra là phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách cẩn trọng. Những người làm việc nửa vời, cầm chừng, đùn đẩy, sợ sai, né tránh trách nhiệm cần phải có biện pháp xử lý. Với những người trình độ, năng lực, đạo đức công vụ yếu kém cần phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế đúng người, đúng đối tượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, không chỉ điều chỉnh tiền lương mà phải gắn với nâng cao chất lượng trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, hai nội dung điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm, kỷ luật, kỷ cương công vụ nên cần rà soát, sắp xếp cán bộ, công chức để đảm bảo yêu cầu đề ra. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu quan điểm, đi cùng với tăng lương phải tinh giản biên chế để bộ máy Nhà nước hoạt động thực sự hiệu quả.

Trên bình diện vĩ mô, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương phải đồng bộ với quá trình cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số để giảm tối đa lao động thủ công mà vẫn tăng năng suất lao động, phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Cần tập trung hoàn thiện vị trí việc làm, chức danh, chức vụ công tác, đi đôi với quản trị nhân lực hợp lý đồng thời cần có các giải pháp kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá cả thị trường. Cải cách tiền lương khu vực công phải tiến hành đồng thời với cải cách lương khu vực doanh nghiệp, với điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội dành cho từng đối tượng cụ thể...

Trước hết, là “người trong cuộc”, chủ thể thụ hưởng của chính sách cải cách tiền lương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, LLVT...không chờ đến lộ trình mà ngay bây giờ phải tự mình nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người thực thi công vụ, nỗ lực hoàn thiện bản thân trên nhiều phương diện, trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả công tác, tích cực chủ động nghiên cứu, tìm tòi, hiến công, hiến kế, hoàn thành cao nhất mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp CNH - HĐH, xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/cai-cach-tien-luong-tang-cuong-trach-nhiem/201122.htm