Cải cách tư pháp 2024 ở Mexico: Từ ý tưởng đến hiện thực

Ngày 15.9 vừa qua, Tổng thống Mexico López Obrador đã ký ban hành Sắc lệnh sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Hiến pháp chính trị Hợp chúng quốc Mexico liên quan đến ngành tư pháp (sau đây gọi là Sắc lệnh), đưa Mexico trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới sẽ bỏ phiếu bầu toàn bộ thẩm phán theo hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp.

 Các nghị sĩ ủng hộ cải cách tư pháp cầm biểu ngữ có dòng chữ "Nhân dân nắm quyền lãnh đạo. Cần cải cách ngay". Ảnh: AFP

Các nghị sĩ ủng hộ cải cách tư pháp cầm biểu ngữ có dòng chữ "Nhân dân nắm quyền lãnh đạo. Cần cải cách ngay". Ảnh: AFP

Những biện pháp cải cách này đã gây ra những phản ứng trái chiều trong ngành tư pháp, giới chuyên gia và dư luận xã hội. Những người ủng hộ cho chương trình cải cách sẽ buộc các thẩm phán phải chịu trách nhiệm nhiều hơn; ca ngợi đây là cơ hội để công chúng bỏ phiếu cho những người chịu trách nhiệm thực thi công lý. Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng điều này làm suy yếu hệ thống kiểm tra và cân bằng giữa các cơ quan quyền lực khi làm xói mòn tính độc lập của ngành tư pháp.

Những nội dung chính

Cuộc cải cách đã thay thế hệ thống lựa chọn thẩm phán dựa trên bổ nhiệm của Mexico bằng một hệ thống trong đó các thẩm phán, được Quốc hội lựa chọn trước, được bầu theo phương thức bỏ phiếu phổ thông, với mỗi thẩm phán phục vụ nhiệm kỳ 9 năm có thể gia hạn. Nó giảm số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao từ 11 xuống còn 9 và giới hạn nhiệm kỳ của họ xuống còn 12 năm. Cải cách cũng cho phép sử dụng các thẩm phán "ẩn danh" và thành lập một tòa án mới để giám sát tư pháp và chịu trách nhiệm giải trình, đồng thời giảm đáng kể phúc lợi và tiền lương mà các thành viên ngành tư pháp trước đây nhận được. Với việc thông qua, Mexico đã trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức bầu cử tất cả các thẩm phán.

Hành trình của cải cách

Cuộc cải cách do Phong trào Tái sinh Quốc gia (Morena) của Tổng thống Obrador thúc đẩy với mục tiêu loại bỏ nạn tham nhũng trong ngành tư pháp.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Andrés Manuel López Obrador thường xuyên xung đột với cơ quan tư pháp, cáo buộc cơ quan này lợi dụng quyền hạn, đặc biệt là việc áp dụng các lệnh bảo vệ theo hiến pháp (amparos) để vô hiệu hóa nhiều quyết định của cơ quan hành pháp. Một trong những mâu thuẫn mới nhất giữa tổng thống và ngành tư pháp là việc hồi tháng 5.2023, Tòa án Tối cao bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo hủy bỏ một số cải cách luật bầu cử được Tổng thống Andrés Manuel López Obrador ủng hộ. Tòa án cho rằng, quy trình bỏ phiếu tại Quốc hội là vi Hiến bởi thông qua những sửa đổi này mà không hề đưa ra tranh luận. “Thời gian từ khi dự luật được gửi đến Quốc hội cho đến lúc được thông qua chưa đến 3 tiếng”, Thẩm phán Jorge Pardo của Tòa án tối cao cho biết.

Ngày 1.9.2023, Tổng thống López Obrador công bố kế hoạch cải cách tư pháp nhằm loại bỏ xung đột lợi ích và tham nhũng, đề xuất cơ chế các thẩm phán được bầu theo phổ thông đầu phiếu.

Các nghị sĩ Mexico họp thông qua dự luật tại một sân vận động trong nhà

Các nghị sĩ Mexico họp thông qua dự luật tại một sân vận động trong nhà

Ngày 5.2.2024, ông López Obrador đưa ra một gói cải cách Hiến pháp được gọi là "Kế hoạch C", trong số đó có sắc lệnh nhằm cải cách cơ quan tư pháp của đất nước. Vì là một sắc lệnh sửa đổi hiến pháp, văn bản này cần nhận được sự ủng hộ của đa số 2/3 trong cả hai viện của Quốc hội để được thông qua.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, dự thảo sắc lệnh sửa đổi Hiến pháp cho phép thực hiện những cải cách tư pháp đã được Thượng viện thông qua vào ngày 11.9 với 86 phiếu thuận, 41 phiếu chống. Trước đó, trong một phiên họp kéo dài từ đêm 3.9 đến sáng 4.9, Hạ viện đã thông qua kế hoạch cải cách ngành tư pháp với 359 phiếu ủng hộ, 135 phiếu chống. Các nhà lập pháp buộc phải họp tại một sân vận động trong nhà sau khi những người biểu tình phản đối dự luật bao vây tòa nhà Quốc hội. Văn bản này sau đó được Tổng thống ký ban hành vào ngày 15.9.

Phát biểu sau khi ký ban hành Sắc lệnh cải cách tư pháp, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador gọi đây là "ngày lịch sử", nhấn mạnh: "Chúng ta cần công lý cho tất cả mọi người, để không có tham nhũng trong ngành tư pháp, để các thẩm phán áp dụng nguyên tắc không có gì ngoài luật pháp và không ai đứng trên luật pháp".

Phản ứng của các bên

Trong một động thái chưa từng có vào ngày 3.9, một ngày trước khi Hạ viện Mexico xem xét kế hoạch cải cách, Tòa án Tối cao Mexico đã chọn tạm dừng hoạt động của cơ quan này, ủng hộ quyết định đình công mà giới công đoàn và hàng ngàn nhân viên tư pháp khởi xướng. Quyết định này, được các thẩm phán Tòa án Tối cao thông qua với 8 phiếu thuận, 3 phiếu chống.

Trước đó, ngày 19.8, một nhóm công đoàn đại diện cho khoảng 55.000 nhân viên ngành tư pháp đã phát động đình công “vô thời hạn” trên cả nước để phản đối cuộc cải cách mà họ cho là “kéo lùi tiến bộ”.

Giữa những cuộc tranh luận và bất đồng về cải cách tư pháp, thị trường đã biến động và một số nhà phân tích cảnh báo rằng sự bất ổn trong hệ thống tư pháp của Mexico có thể khiến các nhà đầu tư tiềm năng quan ngại.

Hoa Kỳ và Canada - hai đối tác thương mại lớn thứ nhất và thứ hai của Mexico, cũng bày tỏ lo ngại về các cải cách. Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng các cải cách sẽ không quá ảnh hưởng đến tiềm năng của Mexico như một điểm đến đầu tư. “Chúng tôi đã chứng kiến doanh nghiệp hoạt động ở mọi quốc gia thuộc mọi chế độ trên thế giới. Họ không quan tâm đến những vấn đề khác, miễn là có lợi nhuận và họ chắc chắn về các quy tắc”, ông Miguel Angel Toro Rios, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Chính phủ tại Viện Công nghệ và Nghiên cứu Cao cấp Monterrey cho biết.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cai-cach-tu-phap-2024-o-mexico-tu-y-tuong-den-hien-thuc-post391721.html