Cộng đồng quốc tế lên tiếng trước diễn biến leo thang kịch tính ở Lebanon

Trước diễn biến phức tạp ngày càng leo thang ở Lebanon, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thống Ai Cập đều bày tỏ thái độ.

Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel tại trại tị nạn Al-Bureij ở Dải Gaza ngày 23/9. (Nguồn: THX)

Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel tại trại tị nạn Al-Bureij ở Dải Gaza ngày 23/9. (Nguồn: THX)

Tối 28/9, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, khẳng định Cairo luôn sát cánh cùng Beirut ở thời điểm quan trọng hiện nay, đồng thời lên án mọi hành vi vi phạm an ninh, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Thông báo của Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh Cairo ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn diện, ngay lập tức và vĩnh viễn tại Lebanon và Dải Gaza.

Ông El-Sisi khẳng định Cairo tin rằng cộng đồng quốc tế phải gánh vác trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn hành động xâm lược của Israel đối với các vùng lãnh thổ Palestine và Lebanon. Theo ông, "sự im lặng" của cộng đồng quốc tế sẽ đẩy Trung Đông vào tình trạng leo thang nguy hiểm, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Iran Abbas Araghchi đã thảo luận về tính cấp thiết của việc hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông, để tránh đẩy khu vực này rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện có thể phá vỡ an ninh và ổn định khu vực.

Cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước diễn ra bên lề khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York và chỉ vài giờ sau khi lực lượng Hezbollah xác nhận rằng thủ lĩnh nhóm vũ trang này ở Lebanon Sayyed Hassan Nasrallah đã thiệt mạng ngày 27/9, trong vụ không kích của Israel vào khu vực phía Nam của thủ đô Beirut.

Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, tại cuộc gặp, Ngoại trưởng hai nước đã thảo luận về những diễn biến nguy hiểm ở Dải Gaza, Bờ Tây và Lebanon, trong bối cảnh Israel leo thang các hoạt động quân sự gây hậu quả đối với an ninh khu vực Trung Đông.

Trước đó, Cairo nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Israel chấm dứt xung đột ở Gaza, khiến hơn 140.000 người Palestine thiệt mạng và bị thương, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng của Gaza và khiến phần lớn dân số phải di dời kể từ ngày 7/10/2023.

Ai Cập cũng lên án các cuộc không kích gần đây của Israel vào Lebanon, làm hơn 700 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, khẳng định đây là hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Lebanon.

Theo Tân Hoa xã, ngày 28/9, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cho biết ông Guterres bày tỏ "hết sức quan ngại" trước sự leo thang kịch tính của diễn biến tình hình tại Beirut trong 24 giờ qua.

Người phát ngôn Stephane Dujarric nhấn mạnh: "Vòng xoáy bạo lực này phải chấm dứt ngay, và tất cả các bên cần phải lùi bước trước bờ vực thảm họa."

Ông Dujarric cũng cho biết: "Người dân Lebanon, người dân Israel, cũng như toàn bộ khu vực, không thể chịu đựng được một cuộc chiến toàn diện".

Trong khi đó, nhiều nước Hồi giáo cũng lên án hành vi xâm phạm chủ quyền Lebanon của Israel khi nhà nước Do Thái tấn công vào thủ đô Beirut để sát hại thủ lĩnh Hezbollah.

Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah vốn diễn ra gần như hàng ngày sau khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát tháng 10/2023. Hezbollah tấn công Israel vì muốn thể hiện sự ủng hộ với Hamas, khiến Tel Aviv liên tục đáp trả.

Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an giúp chấm dứt cuộc giao tranh Israel-Hezbollah năm 2006. Khi đó, Hezbollah đột kích xuyên biên giới khiến ba binh sĩ Israel thiệt mạng và bắt cóc hai quân nhân làm con tin. Israel lập tức mở chiến dịch vào miền Nam Lebanon. Trong 33 ngày, giao tranh khiến khoảng 1.200 người chết và một triệu người phải di tản ở Lebanon. Israel ghi nhận hơn 160 người chết và 500.000 người phải sơ tán.

Nghị quyết này thiết lập nên UNIFIL, kêu gọi chính phủ Lebanon và UNIFIL cùng triển khai lực lượng ở miền Nam Lebanon, giải giáp các nhóm vũ trang tại khu vực. Nhóm Hezbollah cũng phải rút khỏi miền Nam Lebanon, nhưng lực lượng này chưa thực hiện cam kết.

Hezbollah về danh nghĩa là thế lực chính trị hợp hiến, hợp pháp của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon. Cánh vũ trang của nhóm hoạt động tách biệt khỏi cơ cấu LAF và được coi là lực lượng ủy nhiệm của Iran, nằm trong "trục kháng chiến" chống Israel được Tehran hậu thuẫn.

(theo AFP, Euronews, Tân hoa xã)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-dong-quoc-te-len-tieng-truoc-dien-bien-leo-thang-kich-tinh-o-lebanon-288081.html