Cải cách tư pháp gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Sáng 4-12, Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Thành ủy Hà Nội năm 2020 đã họp giao ban công tác năm 2020. Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị.

Sở Tư pháp TP đã tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản

Tham dự hội nghị có Vụ trưởng Vụ Cải cách Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương Trần Đức Phong; đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương, Ban Nội chính Trung ương; các thành viên Ban chỉ đạo CCTP TP, đại diện Ủy ban MTTQ, HĐND TP, Ban Nội chính Thành ủy.

Hội nghị đã nghe Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy Phí Minh Hải công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo CCTP Thành ủy; thông qua Dự thảo Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo CCTP; Quy định chức năng, nhiệm vụ và chế độ làm việc của Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo; Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020, phương hướng năm 2021 và Dự thảo chương trình trọng tâm CCTP năm 2021.

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy Phí Minh Hải cho biết, năm 2020, trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các qui định pháp luật phục vụ cho công tác tư pháp, hỗ trợ tư pháp, UBND TP đã ban hành 33 VBQPPL.

Đồng thời, CA TP, VKSND TP, TAND 2 cấp TP, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp TP đã tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản với nhiều ý kiến chất lượng. Trong đó, riêng Sở Tư pháp đã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các Sở, ngành trong dự thảo, xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND TP đảm bảo phù hợp với các quy định mới, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền;

Năm 2020, kết quả các chỉ tiêu cơ bản tiếp tục đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể yêu cầu xác minh điều tra, kiểm sát các vụ việc đều đạt 100%; tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,87%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%, truy tố đúng tội danh đạt 99,93%. Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp được dư luận quan tâm đã được các cơ quan Tư pháp TP khẩn trương điều tra, xét xử. Việc chấp hành pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm túc, chưa phát hiện dấu hiệu oan sai, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Kết quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì thường xuyên và có nhiều cách làm đổi mới về nội dung và hình thức, đã nâng cao được chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận hơn với hệ thống pháp luật.

Kết quả thi hành án dân sự hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đươc giao về việc (giao 80%, hoàn thành 80,64%), về tiền (giao 38%, hoàn thành 38,54%). Đồng thời, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác của các ngành tư pháp ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới…

Bên cạnh những kết quả đó, năm 2020, công tác CCTP của TP cũng còn một số tồn tại, khó khăn. Đó là việc triển khai thi hành các VBQPPL mới ban hành nảy sinh một số vướng mắc do có những sửa đổi cơ bản rất khác so với các qui định trước. Công tác canh gác, bảo vệ phạm nhân, can phạm đang điều trị tại các BV, trung tâm y tế ngoài cơ sở giam giữ còn có hiện tượng can phạm bỏ trốn do không có khu điều trị riêng. Việc giám sát, quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù cũng gặp nhiều khó khăn, một số đối tượng sử dụng bệnh án, hồ sơ điều trị bệnh án tâm thần hoặc lợi dụng việc nuôi con dưới 36 tháng tuổi để hoãn thi hành án. TAND 2 cấp vẫn còn một số vụ án chậm giải quyết, số lượng án hành chính còn tồn đọng nhiều, số hồ sơ phá sản giải quyết còn thấp…

Năm 2021, Ban chỉ đạo CCTP TP yêu cầu các cấp ủy, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Thành ủy ban hành thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến lĩnh vực tư pháp. UBND TP tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy hoạch “mạng lưới trụ sở làm việc của các cơ quan Tư pháp TP đến năm 2020 và tầm nhìn 2050”, đẩy nhanh tiến độ giải quyết khó khăn về trụ sở, kho tàng cho các cơ quan tư pháp.

Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; tiếp tục thực hiện các Đề án về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực góp ý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hình sự, dân sự, và tố tụng tư pháp theo định hướng CCTP; Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động và phát huy vai trò của luật sư trong xây dựng và thực thi pháp luật, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đoàn luật sư TP Hà Nội…

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.Thảo

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.Thảo

Cơ quan THADS chưa có kho vật chứng

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Lê Xuân Hồng cơ bản nhất trí với Dự thảo báo cáo, Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo. Ông Hồng cho hay, năm 2020, chỉ tiêu Quốc hội giao cao hơn, cả về việc và về tiền, nhưng kết quả cơ quan THADS TP đạt và vượt chỉ tiêu, có vụ việc thu đến 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác thi hành án vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự phối hợp của CQCA, chính quyền cơ sở, nhất là trong cưỡng chế thi hành án. Đặc biệt, ông Hồng cho biết, hiện cơ quan THADS chưa có kho vật chứng, mà phải mượn của Sở Tài chính và đề nghị TP xây cụm kho vật chứng chung cho cả bên CA và Thi hành án.

PGĐ Sở Tài nguyên và môi trường Bùi Duy Cường thống nhất với đề xuất xây dựng kho vật chứng mới và cho rằng, nên nghiên cứu xây dựng kho vật chứng chung cho liên ngành CA, kiểm sát, thi hành án. Ông Cường cũng đề nghị các cơ quan xác định nhu cầu, qui mô vị trí xây dựng trên cơ sở địa giới hành chính cấp quận huyện hay theo liên vùng, Sở TN&MT và Sở Quy hoạch kiến trúc sẽ trên cơ sở quy hoạch để xác định vị trí, địa điểm.

GĐ Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho rằng, nhiệm vụ công tác CCTP năm 2021 cần bám vào chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, hành động, sáng tạo, phát triển” và các nhiệm vụ trọng tâm của TP trong năm 2021, trong đó có nhiệm vụ bầu cử nhiệm kỳ mới. Theo GĐ Ngô Anh Tuấn, sắp tới, Sở Tư pháp sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn, tập huấn các luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021, trong đó nhấn mạnh vấn đề các văn bản do TP ban hành phải đảm bảo thẩm quyền, thống nhất với hệ thống văn bản. GĐ Sở Tư pháp cũng đề nghị Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để đảm bảo tiến độ xây dựng các văn bản pháp quy của TP…

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, CCTP là trụ cột cơ bản hướng tới xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XNCN, của dân, do dân, vì dân và Thành ủy luôn coi trọng hoạt động CCTP và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Kết quả công tác năm 2020 cơ bản đạt các mục tiêu Ban chỉ đạo đã đặt ra, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP với tăng trưởng kinh tế gần 4%, bằng 1,5 lần so với cả nước.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy cũng nêu rõ 10 nhiệm vụ giải pháp trong năm 2021, trong đó quán triệt tinh thần Nghị quyết 49, tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; Làm tốt công tác TTPBGDPL; Thực hiện giải quyết tốt đơn thư khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp; Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công tác xét xử; quán triệt việc lãnh đạo của cấp ủy với công tác tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49; tăng cường thanh kiểm tra …

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cai-cach-tu-phap-gan-voi-thuc-hien-thi-diem-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-219690.html