Cải cách tư pháp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh

Thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (QUTƯ, BQP) đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, nội dung về cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Chiến lược CCTP đến năm 2020; qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác CCTP, hoạt động tư pháp, sự cần thiết phải đẩy mạnh CCTP ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và hoàn thiện tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp theo lộ trình CCTP được củng cố, kiện toàn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, sót, lọt tội phạm, góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Các cơ quan tư pháp đã có sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình hoạt động tố tụng; đồng thời làm tốt chức năng tham mưu cho QUTƯ, BQP về nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong quân đội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nâng cao kỷ luật, sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP, trên cơ sở các chương trình trọng tâm công tác CCTP hằng năm, trong nhiệm kỳ hoạt động, QUTƯ, BQP thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai việc thực hiện Chiến lược CCTP theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Nghị quyết số 571/NQ-UBTVQH14 ngày 10-9-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo CCTP Trung ương và BQP. Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCTP nhiệm kỳ 2016-2021 về chính sách, pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; về tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất các cơ quan tư pháp và về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Từ đó, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo CCTP Trung ương xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCTP; về những vấn đề có ý kiến khác nhau và những vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ CCTP.

Một số kết quả đạt được trong công tác CCTP cụ thể là:

Về chính sách, pháp luật hình sự, tố tụng dân sự: Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 phù hợp với các chủ trương, định hướng hoàn thiện pháp luật hình sự nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay; đôn đốc, kiểm tra các nội dung cung cấp thông tin và các ý kiến tham gia đối với các đề án, văn bản của các cấp ủy, tổ chức đảng và các dự án luật, bộ luật có liên quan đến công tác CCTP; hướng dẫn và tổ chức thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá và các văn bản có liên quan; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phục vụ kịp thời quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, thực hiện tốt chủ trương “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Chỉ đạo việc rà soát, tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW; chỉ đạo việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các hiệp định về tương trợ tư pháp với các nước.

Về tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp: Đã lãnh đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung của Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp”; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc thành lập tòa án quân sự quân khu và tương đương; viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương; tòa án quân sự, viện kiểm sát quân sự khu vực; biên chế, số lượng tòa án quân sự, viện kiểm sát quân sự các cấp; đồng thời tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Bên cạnh đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn chú trọng phân định thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát và điều tra hình sự trong BQP, bảo đảm thực hiện nghiêm túc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan trên.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp: Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tổ chức rà soát, quy hoạch đội ngũ cán bộ phù hợp với định hướng xây dựng, hoàn thiện đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội; xây dựng kế hoạch giải quyết số lượng, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn.

Các cơ quan tư pháp làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, lối sống, ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức chính trị, quân sự, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; đặc biệt đã quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ luật, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn về tổ chức, biên chế của từng ngành, phân loại đội ngũ cán bộ theo từng chức danh một cách hợp lý; tiến hành thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ có chức danh tư pháp, công tác bồi dưỡng kiến thức, tổ chức thi tuyển được tổ chức hằng năm, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp cơ bản được quan tâm; số cán bộ có chức danh tư pháp 100% có trình độ đại học, đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Cán bộ được đào tạo sau đại học chuyên ngành, cao cấp lý luận chính trị đạt tỷ lệ cao.

Công tác kiểm tra đối với đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp được thực hiện có hiệu quả, thông qua công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp, quản lý của hệ thống chỉ huy các cấp trong quân đội.

Về cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp: Đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất BQP đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa, xây mới, nâng cấp trụ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp, một số trụ sở đã hoàn thành đưa vào sử dụng; chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí nghiệp vụ chặt chẽ, đúng mục đích, đúng nguyên tắc, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp: Chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9-11-2008 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc xảy ra trong quân đội. Tiến hành việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác tư pháp; tăng cường việc xây dựng các chương trình, kế hoạch; phân công làm rõ trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ CCTP. Chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng về CCTP và các quy định của pháp luật về hoạt động tư pháp. Kịp thời đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QUTƯ xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCTP trong quân đội.

Các cơ quan tư pháp đã chủ động, phối hợp triển khai thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của QUTƯ về tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 trong quân đội; hoàn chỉnh Đề án "Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội". Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm, chỉ đạo bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng. Hoạt động tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật được triển khai và thực hiện nghiêm túc, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Trong thời gian tới, công tác CCTP trong quân đội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo CCTP Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của QUTƯ, BQP; tiếp tục kiện toàn các cơ quan tư pháp bảo đảm tinh, gọn, chất lượng; củng cố cơ sở vật chất bảo đảm cho các cơ quan tư pháp; tập trung bồi dưỡng phẩm chất, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp với quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quân đội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng HÀN MẠNH THẮNG,Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chao-mung-dai-hoi-dang-bo-quan-doi-lan-thu-xi/cai-cach-tu-phap-gop-phan-xay-dung-quan-doi-vung-manh-635279