Cải cách tư pháp là động lực quan trọng để phòng chống tham nhũng
TS. Lê Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo.
Trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng với chủ đề “Phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết: Xây dựng đất nước hùng cường gắn với xây dựng nền tư pháp văn minh, hiện đại là nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới. Thời gian qua, chúng ta thấy rõ sự đổi thay về cơ cấu, tổ chức, hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung và TAND nói riêng.
Khối lượng công việc mà Tòa án phải giải quyết năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%. Riêng năm 2020 Tòa án giải quyết hơn 600.000 vụ việc các loại, tăng gấp 3 lần so với năm 2005 và hơn 2 lần so với năm 2010. Trong khi đó, số lượng biên chế của Tòa án 10 năm gần đây không thay đổi. Có được kết quả trên xuất phát từ nỗ lực của quá trình cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án.
TS. Lê Hồng Quang Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy Phó Chánh án Thường trực TANDTC
Theo TS. Lê Hồng Quang, việc đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền. Cải cách tư pháp để chúng ta có được nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam XHCN như mục tiêu Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra, cũng là kỳ vọng về tương lai dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Kế thừa thành quả của thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, căn cứ Kết luận số 84 của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 49 trong đó xác định: nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của BCH Trung ương về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.
Qua đó, TS. Lê Hồng Quang cho biết: Ban cán sự đảng TAND tối cao đề xuất 8 quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn hậu 2020. Cụ thể,
Thứ nhất: Kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp.
Thứ hai: Cải cách tư pháp vì sự phát triển của đất nước. Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo.
Thứ ba: Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, tinh gọn, hiệu quả.
Thứ tư: Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân.
Thứ năm: Hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử và Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử.
Thứ sáu: Đề cao vị trí, vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong hệ thống chính trị; xác định đây là thiết chế độc lập; có cơ chế phù hợp đảm bảo độc lập tư pháp.
Thứ bảy: Kế thừa và phát huy kinh nghiệm cải cách tư pháp đã đạt được; tập trung giải quyết những nhiệm vụ cải cách chưa hoàn thành; tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến.
Thứ tám: Xây dựng cơ chế phù hợp, hạn chế tác động từ những chủ thể khác đối với hoạt động tư pháp; thực hiện nghiêm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.