Cải cách tư pháp - nhìn từ những phiên tòa trực tuyến
Đầu tháng 9/2022, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hòa Bình mở phiên tòa trực tuyến xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Huy (SN 1995), trú tại Mỹ Hội Đông, Chợ Mới (An Giang) về tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo Điều 174, Bộ luật Hình sự. Phiên tòa được kết nối giữa hội trường xét xử TAND TP Hòa Bình với Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang. Đây là lần đầu tiên trong cả nước diễn ra phiên tòa theo hình thức trực tuyến được tổ chức tại 2 điểm cầu cách xa nhau cả nghìn km.
Phiên tòa trực tuyến xét xử bị cáo Phạm Văn Tiến, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) về tội "giết người” và "tàng trữ trái phép vật liệu nổ”.
Bị cáo ra tòa ngay tại trại tạm giam
Đồng chí Lê Văn Tuấn, Chánh án TAND tỉnh cho biết, thành công của phiên tòa là bước đột phá mới góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp (CCTP) trong giai đoạn hiện nay. Ngay sau phiên tòa trực tuyến đầu tiên được TAND huyện Lương Sơn tổ chức thành công vào tháng 8 và tiếp nối thành công của phiên tòa trực tuyến xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Huy tại Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thành công nhiều phiên tòa theo hình thức trực tuyến.
Ngày 20/9, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lương Văn Nghĩa (SN 1988), trú tại xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy; hay phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Văn Tiến (SN 1981), trú tại xã Yên Mông (TP Hòa Bình) về tội "giết người” và "tàng trữ trái phép vật liệu nổ”. Đây là những phiên tòa được tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra tại điểm cầu trung tâm là TAND tỉnh. Bị cáo tham gia phiên tòa ngay tại nơi đang bị giam giữ là điểm cầu thành phần ở Trại tạm giam, Công an tỉnh. Điểm cầu trung tâm TAND tỉnh được trang bị hệ thống điều khiển, âm thanh và 3 màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh điểm cầu thành phần để Hội đồng xét xử (HĐXX) và những người tham gia phiên tòa theo dõi. Tại điểm cầu Trại tạm giam, Công an tỉnh, một căn phòng đặc biệt được chỉnh trang, lắp đặt hệ thống nghe, nhìn, thu, phát tín hiệu đến điểm cầu trung tâm. Trong phòng, ngoài bị cáo còn có lực lượng liên quan làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa cũng như đảm bảo phiên tòa trực tuyến không bị gián đoạn.
Theo đồng chí Lê Văn Tuấn, phiên tòa trực tuyến cũng giống như những phiên tòa trực tiếp. Quá trình xét xử, HĐXX bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng.
Góp phần tạo bước đột phá trong cải cách tư pháp
Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Lê Văn Tuấn cho biết: Việc tổ chức phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và quan điểm chỉ đạo của TAND tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Với hình thức xét xử mới này tạo cơ sở pháp lý để tòa án các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động xét xử, bởi thực tế mỗi năm TAND tỉnh thụ lý giải quyết hàng nghìn vụ án các loại. Trong 9 tháng năm nay, TAND hai cấp tỉnh thụ lý gần 3.000 vụ việc. Với số lượng án nhiều như vậy, đội ngũ cán bộ, thẩm phán gặp không ít khó khăn, áp lực về công việc. Sự ra đời của Nghị quyết số 33/2021/QH15 có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các vụ án. Tính riêng trong tháng 9/2022, TAND hai cấp tỉnh đã tổ chức thành công 45 phiên tòa theo hình thức xét xử trực tuyến.
Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh, Chánh án TAND TP Hòa Bình chia sẻ: Qua thực tế triển khai chúng tôi thấy rằng, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến đem lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho công tác giải quyết các vụ án. Việc xét xử trực tuyến với các vụ án hình sự, bị cáo được bố trí ngồi tại điểm cầu trại tạm giam thay vì phải dẫn giải trực tiếp đến tòa án. Ngoài ra, xét xử trực tuyến còn đảm bảo ANTT, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án. Như trong vụ án Nguyễn Quốc Huy, nếu tiến hành xét xử bằng phiên tòa trực tiếp thì phải dẫn giải bị cáo từ An Giang ra Hòa Bình và dẫn giải bị cáo từ Hòa Bình về lại An Giang sau khi hoàn thành xong các thủ tục tố tụng. Việc này không chỉ mất thời gian, công sức mà chi phí bỏ ra rất lớn. Với phương thức xét xử trực tuyến, chúng tôi chỉ mất chi phí thuê đường truyền với số tiền trên 4 triệu đồng, nhưng vẫn tổ chức được phiên tòa xét xử đảm bảo đúng quy trình tố tụng như phiên tòa trực tiếp. Điều này đã góp phần quan trọng tạo bước đột phá trong CCTP của ngành tòa án trong thời gian tới.
Còn thẩm phán Vũ Văn Túc, chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Văn Tiến theo hình thức trực tuyến cho rằng, nếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đường truyền internet được đầu tư đầy đủ, ổn định thì việc tổ chức các phiên tòa theo hình thức trực tuyến là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình thực hiện các mục tiêu CCTP của ngành tòa án nói chung, của TAND hai cấp tỉnh nói riêng.
"Với những ưu điểm này, thời gian tới, mặc dù còn khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất, hệ thống đường truyền, nhưng TAND tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng hoạt động xét xử trực tuyến không chỉ ở các phiên tòa hình sự, mà sẽ tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến để giải quyết các vụ việc hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại và tiếp tục triển khai ở Tòa án các huyện, thành phố, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu CCTP trong tình hình mới” - đồng chí Lê Văn Tuấn, Chánh án TAND tỉnh nhấn mạnh.