Cái 'cẩm nang' quản lý thuế đây rồi…

Cách đây vài năm, khi đề cập đến vấn đề 'chữa bệnh cho bán lẻ' tôi có đề xuất muốn công bằng, minh bạch và công khai trong lĩnh vực thuế cần phải kết nối phần mềm bán hàng với Cục thuế thường xuyên.

Kết nối phần mềm bán hàng với Cục thuế thường xuyên

Kết nối phần mềm bán hàng với Cục thuế thường xuyên

Đề xuất này đã được Vụ quản lý thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chấp thuận trong buổi làm việc giữa tôi và cơ quan thuế, từ 1/9/2019 cơ quan thuế sẽ tổ chức kết nối thí điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi thành phố 50 đơn vị kinh doanh dịch vụ, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại sau đó sẽ nhân rộng ra tất cả các đơn vị trong năm 2020.

Chắc chắn quy định thí điểm này sẽ có những phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, các chuyên gia, các nhà quản lý... Tuy nhiên điều không thể phủ nhận được đó là các đơn vị làm ăn chân chính sẽ rất hoan nghênh, cái lợi về lâu dài cho các doanh nghiệp là rất rõ, họ không phải trao đổi thông báo, thương lượng về doanh thu với cán bộ thuế, không tốn thời gian đi lại ít báo cáo với cơ quan thuế, họ không bị ép doanh thu một cách giả tạo như trước đây đã phải làm.

Chi phí để trang bị máy tính tiền, phần mềm quản lý thuế cũng không phải tốn kém gì. Nhà thuế cũng không phải mất nhiều công sức để quản lý các doanh nghiệp, kể cả quản lý đạo đức công cụ của các cán bộ thuế. Tình trạng hiện nay do thực hiện thuế khoán ở một số nhóm cá nhân kinh doanh dịch vụ, cho nên doanh thu không thể hiện được hết thực chất kinh doanh của từng hộ dẫn đến thất thu thuế cho nhà nước rất lớn.

Trong khi đó, tổng giá trị sản phẩm quốc nội hàng năm tính không được đầy đủ và thực chất dẫn tới việc tính tổng giá trị sản phẩm quốc nội không phản ánh sức sống của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chính phủ đang yêu cầu Tổng cục thống kê phải xem xét lại vấn đề này trong thời gian sớm nhất. Còn ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nhà hàng thì sao? Có thể nói có rất ít các đơn vị này xuất hóa đơn VAT % cho khách hàng.

Số còn lại ai yêu cầu mới xuất, chính vì vậy mà thất thu thuế ở lĩnh vực này không phải là nhỏ, nó làm cho các siêu thị nghiêm túc sẽ thua thiệt trong cạnh tranh trên thị trường nội địa. Tình hình trên cho ta thấy việc thực hiện nối mạng phần mềm bán hàng của các đơn vị kinh doanh dịch vụ là một chủ trương lớn, một chủ trương mang tính nhân văn cao, tính minh bạch công khai và tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh là một vấn đề có tính quy luật tất yếu của công tác quản lý thuế, phù hợp với xu hướng của Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế đầy đủ trong tương lai.

Ở đây, tôi muốn nói thêm là đi đôi với sự kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thì nhà nước cần quan tâm hơn dối với đời sống thu nhập của cán bộ chuyên quản thuế của từng địa phương. Có như vậy anh em mới yên tâm công tác, không vi phạm đạo đức công vụ khi tiếp xúc với doanh nghiệp. Nhà nước cần tăng cường kiểm kê, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, biểu dương khen thưởng xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh luật thuế, làm ăn nghiêm túc, có trách nhiệm với ngân sách nhà nước...

Chủ trương trên là rất đúng đắn, tuy nhiên bước vào thực hiện sẽ còn nhiều khó khăn phức tạp xảy ra mà chúng ta chưa lường hết được. Nó đòi hỏi công tác thực hiện phải hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, có sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác, phấn đấu đến hết năm 2020 về cơ bản thực hiện nối mạng với các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong cả nước. Ngân sách nhất định sẽ tăng thu thêm trong thời gian tới góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cai-cam-nang-quan-ly-thue-day-roi-96010.html