Cái chết bất ngờ của tài tử Ấn Độ Sushant Singh Rajput
Cái chết của nam diễn viên Bollywood cho thấy mặt tối của những người hâm mộ - Ám ảnh cái chết, hành vi quấy rối, tâm lý đám đông. Ít nhất 3 người hâm mộ đã tự sát kể từ khi Sushant Singh Rajput qua đời, trong khi một người bạn gái cũ tin đồn của nam diễn viên nhận được những lời đe dọa về cái chết và hiếp dâm.
Tình huống tương tự có thể được nhìn thấy với cái chết của những Robin Williams và Leslie Cheung trước đây. Nhưng ở Ấn Độ, mức độ ám ảnh của người hâm mộ rất đáng lo ngại.
Nỗi ám ảnh của người hâm mộ và tâm lý đám đông
Cái chết bất ngờ của nam diễn viên nổi tiếng Ấn Độ Sushant Singh Rajput ngày 14/6/2020 đã khuấy động những cảm xúc không ổn định giữa những người hâm mộ Bollywood, những người bị chia rẽ giữa đau buồn và tức giận.
Nam diễn viên điện ảnh 34 tuổi tham gia hàng chục bộ phim tiếng Hindi, với tác phẩm cuối cùng mới vừa phát hành vào cuối tháng 7/2020 trên một nền tảng kỹ thuật số - “Dil Bechara” (Trái tim bất lực). Nhiều người tin rằng cái chết của Sushant có điều “mờ ám” khi anh không để lại thư tuyệt mệnh dù các thông báo chính thức cho biết anh chọn kết thúc cuộc đời bằng cách tự kết liễu đời mình.
Các cuộc tuần hành đã diễn ra trên đường phố cùng với tấm bảng ghi: “Công lý cho Sushant!” Thậm chí, báo cáo đã ghi nhận có ít nhất 3 người đã tự tử theo nam diễn viên, trong đó bao gồm một diễn viên truyền hình 30 tuổi.
Giáo sư Paul Yip, giám đốc Trung tâm Câu lạc bộ nghiên cứu tự tử Đại học Hong Kong bình luận: “Khi nói đến cái chết của một người nổi tiếng, nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng luôn có một hiệu ứng bắt chước. Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và nhận thấy tình trạng này, đặc biệt tại Hàn Quốc - quốc gia có nhiều người dân bị ám ảnh bởi các ngôi sao giải trí. Tôi có thể tìm thấy sự tương đồng ở Ấn Độ và Hollywood”.
Một người nổi tiếng, được mọi người yêu thích, có thể có những người hâm mộ không chỉ cố gắng mô phỏng kiểu tóc hoặc thời trang của họ, mà cả lối sống của họ.
Vì vậy, khi một diễn viên qua đời, ca sĩ qua đời, nhiều người cảm thấy như bị trói buộc với thần tượng, cảm thấy bất ổn rồi hành động dại dột theo.
Giáo sư Paul dẫn chứng các trường hợp từng được ghi nhận ở Hollywood và Hong Kong. Khi diễn viên hài Robin Williams qua đời vào tháng 8/2014, nhiều ca tự sát cũng được ghi nhận trong một tuần sau đó ở Mỹ. Khi Leslie Cheung (Trương Quốc Vinh) qua đời tại Hong Kong năm 2003, trong vòng 24 tiếng sau đó, 6 người cũng tự tử. Thậm chí, một người đàn ông trung niên, mắc chứng trầm cảm, đã sử dụng cùng một phương pháp (nhảy từ trên cao) để tự sát.
“Nhiều hồ sơ về tâm lý học cho thấy những người tự nhận mình bị trầm cảm thường coi các ngôi sao là thứ để bám vào. Khi ngôi sao ấy qua đời, họ chẳng còn gì để nuối tiếc cuộc sống”, Giáo sư Paul nói. Tuy nhiên, đối với cái chết của Sushant, giáo sư nhận định có nhiều sự phán đoán và đưa tin vội vàng trên mạng xã hội.
Giáo sư bình luận: “Các ấn phẩm báo cáo tin tức, những điều xuất hiện khi tôi thực hiện tìm kiếm nhanh trên Google, thật đáng lo ngại. Điều quan trọng là phải báo cáo với sự nhạy cảm, không phải chủ nghĩa giật gân. Khi một người nổi tiếng gặp một kết cục bi thảm như vậy, những người hâm mộ ngôi sao điện ảnh sẽ cảm thấy nỗi đau ở một mức độ lớn hơn. Thông tin sai và báo cáo sai tại những thời điểm như thế này không chỉ sai về mặt đạo đức, mà còn nguy hiểm”.
Nhiều người hâm mộ không tin rằng Rajput đã chết do tự tử, như báo cáo của nhân viên điều tra. Trong số các cuộc điều tra của cảnh sát Mumbai và Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ, các cáo buộc mơ hồ và một loạt các hoạt động truyền thông xã hội đã dẫn đến một tâm lý đám đông và một hình thức quấy rối nguy hiểm – đó là đe dọa trực tuyến.
Các nhà sản xuất phim của nam diễn viên, các đạo diễn trong quá khứ, bạn diễn và bạn gái cũ đã bị nhiều người đe dọa theo cách đáng báo động. Bạn gái tin đồn cũ của Sushant báo với cảnh sát cô bị 2 người đàn ông đe dọa “giết chết và hiếp dâm” trên nền tảng Instagram. Một nhà sản xuất phim thì bị người khác dọa sẽ làm hại con nhỏ và mẹ anh. Cả hai người này hiện đều phải thắt chặt an ninh cá nhân.
“Những cơn giận dữ và sự tấn công này là điều có thể hiểu được. Chúng ta có thể hiểu nỗi buồn và sự thất vọng đó của người hâm mộ nhưng thay vì chấp nhận sự thật, họ tìm cách đổ lỗi. Họ cần được tư vấn và điều trị thay vì tìm kiếm sự xoa dịu bằng sự sụp đổ của người khác”, Giáo sư Paul nói.
Áp lực từ ước mơ trở thành nhân vật số 1
Cả người hâm mộ và gia đình của nam diễn viên đều không thể tìm thấy sự bình yên hay sự thật, trong khi có quá nhiều thuyết âm mưu, cáo buộc, bài đăng phỏng đoán trên mạng xã hội Twitter.
Giáo sư Paul phân tích: “Một sự thật phũ phàng là người ngoài cuộc không thể hiểu được những gì người trong cuộc đang trải qua. Rất nhiều người không thể đối phó với sự nổi tiếng. Đột nhiên khi bạn được biết đến, rất nổi tiếng, mọi khía cạnh của cuộc sống của bạn đều được khuếch đại. Sau đó, khi bất cứ điều gì xảy ra, bạn lo lắng mình sẽ mất tất cả những gì bạn kiếm được. Người ta hiếm khi nghe nói về các nhà trị liệu trong thế giới điện ảnh. Đặc biệt là trong các xã hội châu Á.
Trong quần vợt và nhiều môn thể thao khác, bạn có nhân viên tư vấn. Trong bóng rổ, họ có những huấn luyện viên đôi khi cũng vừa huấn luyện vừa làm công tác tâm lý. Khi nói đến các diễn viên nổi tiếng, bạn không có người giúp bạn đối phó với tất cả những áp lực, nỗi đau và nỗi thống khổ đi kèm với nó. Vẫn còn nhiều người ở châu Á e ngại khi tìm đến các chuyên gia tâm lý trị liệu, nhưng điều này đang dần thay đổi.
Trong lịch sử, có rất nhiều ví dụ về những người rất thông minh cuối cùng tự sát. Họ có những tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, mục tiêu của họ trở nên không thể thực hiện được, họ rơi vào trạng thái trầm cảm [và] họ tự hạ thấp bản thân mình hơn bất kỳ nhà phê bình nào. Chúng tôi thấy điều này với những học sinh cấp ba có hành vi tự làm hại bản thân đặc biệt là những học sinh hàng đầu, bởi vì chúng luôn muốn trở thành số 1.
Khi trở thành số 2, đạt được 99,5% thay vì 100%, chúng không thể chấp nhận được sự thật. Chúng trở thành những người cầu toàn và thậm chí là một sự bất bình hay lỗ hổng nhỏ dường như cũng có thể tàn phá chúng. Vì vậy, khi bạn thông minh, bạn cũng lo lắng, bất ổn nhiều hơn. Bằng cách nào đó, bạn phải tìm được sự cân bằng và những lời khuyên tốt để nhận ra được điều này”.
Khi được hỏi chúng ta có thể học được gì từ cái chết của Rajput, Giáo sư Paul suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Tôi muốn nói với người hâm mộ rằng không có gì để đau buồn. Người hâm mộ của anh có thể đau buồn, thương tiếc về sự mất mát đã xảy ra nhưng điều quan trọng là đừng để mọi thứ trở thành một bi kịch kép. Đừng làm hại chính mình hoặc người khác. Đừng để anh ấy ra đi vô nghĩa”.
Bức tranh nhiều mặt xung quanh cái chết của Rajput
Sau cái chết của Rajput, một bức tranh nhiều mặt hơn về nam diễn viên đã hình thành. Trước khi trở thành một diễn viên thành công, Rajput từng là ngôi sao Olympic quốc gia về môn vật lý và đã học ngành cơ khí tại Đại học Kỹ thuật Delhi (mặc dù đã sớm từ bỏ tất cả để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất của mình).
Trong những năm gần đây, Rajput được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA huấn luyện để chuẩn bị cho một bộ phim về phi hành gia và thậm chí còn làm một bộ phim về không gian của riêng mình - đó là mối quan tâm của Rajput đối với chủ đề này.
Rajput cũng là một vũ công được đào tạo chính quy và là người chiến thắng một số giải thưởng về diễn xuất; từng góp mặt trong nhiều vở kịch truyền hình và biểu diễn trên sân khấu trên khắp thế giới - bao gồm tại The Venetian ở Macau trong một chương trình trao giải năm 2013.
Anil Deshmukh, Bộ trưởng Nội vụ bang Maharashtra của Ấn Độ, cho biết trên trang cá nhân: “Nhiều thông tin trên truyền thông Ấn Độ cho rằng Sushant Singh Rajput tự tử vì nguyên nhân ganh đua về sự chuyên nghiệp dẫn đến trầm cảm. Đó cũng là hướng điều tra của cảnh sát”.
Trong một ngành công nghiệp điện ảnh phát triển lâu đời, chịu sự chi phối bởi những tên tuổi lớn với những gia tộc trong ngành, Sushant Singh Rajput bị cho là người tầm thường, không có gốc gác nghệ sĩ. Rajput trở nên lạc lõng trong một thế giới đầy các ngôi sao trẻ xuất thân từ các gia đình có truyền thống trong điện ảnh Ấn Độ.
Không có được sự hậu thuẫn từ gia tộc, Rajput gặp nhiều khó khăn để hòa nhập làng giải trí. Một vài người bạn của Rajput đã chia sẻ về sự vật lộn, vất vả chống lại sự chèn ép, đấu tranh tìm chỗ đứng trong ngành của anh. Trong khi đó, một số nhà phê bình văn hóa lên tiếng chỉ trích văn hóa khép kín của Bollywood. Nơi đây, một số gia đình thống trị trong ngành đến 4 thế hệ, nhiều thành viên trong giới có tác động lớn đến ngành.
Trong khi đó, dù ở tầng lớp trung lưu, Rajput là người duy nhất trong gia đình tham gia giới giải trí. Những thành công của Rajput được xem là hiếm hoi trong ngành với vị trí được cho là “người ngoại đạo”.
Tuy nhiên, một số diễn viên Bollywood lên tiếng bác bỏ những chỉ trích về sự bất công, chèn ép những người không có gia thế trong ngành là nguyên nhân khiến Rajput rơi sâu vào trầm cảm dẫn đến tự sát. Nam diễn viên sở hữu trang Instagram có 10,7 triệu người theo dõi. Bài đăng cuối cùng của anh là vào ngày 3/6/2020, chia sẻ ảnh người mẹ đã mất kèm một bài thơ buồn.
Làng giải trí Ấn Độ đang chìm trong u buồn vì các vụ nghệ sĩ tự tử. Nữ diễn viên Preksha Mehta tìm đến cái chết ở tuổi 25 vì trầm cảm sau thời gian đất nước phong tỏa, thất nghiệp do đại dịch COVID-19. Nam diễn viên Manmeet Grewal tự tử ở tuổi 32 vì trầm cảm, áp lực kinh tế.
Nhưng, người thân của Rajput cho biết anh không hề gặp khó khăn về tài chính. Rajput nổi tiếng với một số bộ phim như: Kai Po Che (2013), PK (2015), MS Dhoni (2016). Thành công gần đây nhất của Rajput là Chhichhore - bom tấn tại phòng chiếu Ấn Độ và Drive chiếu trên Netflix năm 2019.