Cái chết bí ẩn của đặc vụ CIA ở Somalia

Đặc vụ CIA bị sát hại ở Somalia giữa lúc Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc rút binh lính Mỹ ra khỏi khu vực Đông Phi.

Trong vài ngày gần đây, một đặc vụ kỳ cựu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ tại Somalia, dẫn thông tin từ các quan chức và cựu quan chức Mỹ. Tờ New York Times nhận định vụ việc có thể khơi dậy cuộc tranh luận về hoạt động chống khủng bố của Mỹ tại châu Phi.

Hoạt động của CIA tại Somalia

Đặc vụ bị sát hại đến từ Trung tâm Hoạt động Đặc biệt (SAC), một lực lượng bán quân sự của CIA. Người này cũng từng là thành viên của đội đặc nhiệm SEAL team 6 thuộc Hải quân Mỹ, đơn vị nổi tiếng với chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Giới chức chưa tiết lộ danh tính của đặc vụ xấu số. Họ cũng chưa xác định được đầy đủ tình tiết trong vụ giết người. Theo các cựu quan chức Mỹ, chưa ai rõ đặc vụ này thiệt mạng trong một cuộc đột kích chống khủng bố hay là nạn nhân của một vụ tấn công.

CIA từ chối yêu cầu bình luận về vụ việc. Đơn vị này sẽ tưởng niệm đặc vụ bị giết bằng một ngôi sao trên bức tường anh hùng. Suốt 20 năm qua, có 135 ngôi sao đã được đặt trên bức tường, tương đương với 135 thành viên ngã xuống khi làm nhiệm vụ.

 Binh lính Mỹ tại Đông Phi. Ảnh: New York Times.

Binh lính Mỹ tại Đông Phi. Ảnh: New York Times.

Khác với quân đội Mỹ, việc đặc vụ CIA thiệt mạng khi làm nhiệm vụ là điều ít khi xảy ra. Song các hoạt động bán quân sự luôn được coi là loại nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Giống như đội đặc nhiệm SEAL team 6, Trung tâm Hoạt động Đặc biệt (SAC) cũng phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ tiềm ẩn rủi ro cao.

Theo các cựu quan chức CIA, lực lượng bán quân sự đã gánh chịu nhiều tổn thất sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Các đặc vụ cũng phải tiến hành nhiều chiến dịch đột kích nguy hiểm, khác hẳn nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo thường thấy.

Cái chết của đặc vụ CIA xảy ra giữa lúc Lầu Năm Góc đang bàn thảo về một dự thảo. Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ rút toàn bộ 700 binh lính đang huấn luyện và làm nhiệm vụ chống khủng bố ở Somalia. Động thái dự kiến được thực hiện vào tháng 1/2021, khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở.

Đối với CIA, Somalia luôn là vùng chiến sự đặc biệt nguy hiểm, trong đó tổ chức khủng bố Shabab được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất. Song giới chức tình báo cấp cao đã nhiều lần thắc mắc liệu các hoạt động chống khủng bố có đáng để người Mỹ phải chịu rủi ro hay không.

Theo nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, nếu không được kiểm soát, tổ chức khủng bố Shabab có thể trở thành một mối đe dọa toàn cầu, giống như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tổ chức al Qaeda.

Trong tuần này, Shabab đã tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ sát hại một nhóm lính bản địa do Mỹ huấn luyện. Dù vậy, các quan chức quân đội xác nhận không có người Mỹ nào thiệt mạng trong vụ tấn công.

Chống khủng bố ở Đông Phi

Đặt trụ sở ở Somalia, tổ chức Shabab là nhánh hoạt động tích cực nhất của tổ chức khủng bố al Qaeda. Trong năm nay, Shabab đã gửi lời hăm dọa đến những người Mỹ bản địa và những người Mỹ đang sinh sống, làm việc tại Đông Phi.

Lo sợ trước tham vọng bành trướng của Shabab, quân đội Mỹ đã tiến hành hàng loạt chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái ở Somalia trong suốt 2 năm qua. Tương tự, các hoạt động tình báo của CIA cũng được đẩy mạnh tại khu vực này.

Việc điều chỉnh hoạt động chống khủng bố ở Somalia sẽ là thách thức an ninh quốc phòng đầu tiên mà Tổng thống đắc cử Joe Biden phải đối mặt. Dù vậy, ông sẽ bị giới hạn lựa chọn do Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang cân nhắc đưa ra thay đổi đáng kể trước khi rời nhiệm sở.

Hồi tuần trước, Quyền bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller đã công bố kế hoạch cắt giảm quân số ở Afghanistan và Iraq xuống còn 2.500 quân. Song Lầu Năm Góc vẫn chưa xác định được kế hoạch giảm quân ở Somalia.

Một vài quan chức giấu tên trong nội bộ thì khẳng định chính quyền Trump sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chống khủng bố chống lại tổ chức Shabab. Theo các nhà phê bình, việc ông Trump cân nhắc rút quân diễn ra vào thời điểm bấp bênh của cả nước Mỹ và khu vực Sừng châu Phi.

Trong 3 tháng tới, Somalia dự kiến tổ chức bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống. Việc Mỹ rút binh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Shabab tấn công các sự kiện đông người. Tại quốc gia láng giềng Ethiopa, quân chính phủ cũng đang vất vả với những nhóm tấn công của Shabab.

 Quân đội chính phủ Kenya đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Getty.

Quân đội chính phủ Kenya đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Getty.

Theo một bản báo cáo do Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ phối hợp thực hiện, Somalia đang gặp nhiều vấn đề an ninh nghiêm trọng dù Mỹ liên tục thực hiện các cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhắm vào Shabab.

“Bất chấp phong trào chống khủng bố từ Mỹ, Somalia và cộng đồng quốc tế trong nhiều năm, mối đe dọa ở Đông Phi vẫn chưa hề suy giảm”, bản báo cáo công bố hôm 25/11 kết luận. “Shabab vẫn được tự do đi lại ở nhiều vùng đất phía nam Somalia, đồng thời chứng tỏ năng lực và ý định tấn công các khu vực bên ngoài Somalia, bao gồm việc đe dọa các lợi ích của Mỹ”.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-bi-an-cua-dac-vu-cia-o-somalia-post1156898.html