'Cái chết cô độc' ở Hàn Quốc

Mỗi năm tại Hàn Quốc có hàng nghìn người - đa số ở độ tuổi trung niên và sống một mình - qua đời trong cô độc, không được phát hiện trong nhiều ngày thậm chí nhiều tuần.

Đây chính là “cái chết cô độc” (godoksa) - tình trạng phổ biến mà chính phủ Hàn Quốc đang cố giải quyết khi dân số già đi nhanh chóng. Theo luật pháp Hàn Quốc, “cái chết cô độc” ý chỉ trường hợp sống một mình (xa cách gia đình hay người thân thích) qua đời do tự tử hoặc bệnh tật, thi thể chỉ được phát hiện sau một khoảng thời gian.

10 năm qua vấn đề trên thu hút rất nhiều sự chú ý vì số “cái chết cô độc” ngày càng tăng. Loạt yếu tố thúc đẩy tình trạng này gồm khủng hoảng nhân khẩu học, khoảng cách trong phúc lợi xã hội, nghèo đói, sự cô lập xã hội - tất cả đều trở nên rõ ràng hơn kể từ lúc đại dịch COVID-19 bùng nổ.

Năm ngoái Hàn Quốc ghi nhận 3.378 “cái chết cô độc” - tăng từ 2.412 trường hợp năm 2017, theo một báo cáo được Bộ Y tế và Phúc lợi nước này công bố tuần trước.

Chính phủ Hàn Quốc năm 2021 ban hành Đạo luật Kiểm soát - Ngăn chặn cái chết cô độc, yêu cầu mỗi 5 năm thực hiện một báo cáo cập nhật tình hình nhằm giúp xây dựng chính sách phù hợp.

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc chỉ ra “cái chết cô độc” ảnh hưởng đến mọi nhóm nhân khẩu học, đàn ông trung niên và cao tuổi có nguy cơ đặc biệt cao.

Năm 2021, số nam giới qua đời trong cô độc cao hơn phụ nữ 5,3 lần (trước đó chỉ cao hơn 4 lần). Người ở độ tuổi 50 và 60 chiếm tới 60% “cái chết cô độc” năm ngoái, số trường hợp ở độ tuổi 40 và 70 cũng cao. Tỷ lệ của độ tuổi 20 và 30 chỉ khoảng 6 - 8%.

Báo cáo không đi sâu vào nguyên nhân cụ thể. Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Hàn Quốc đầu năm nay nhấn mạnh: “Để chuẩn bị do một xã hội dân số già cần tích cực ứng phó với “cái chết cô độc”. Chính phủ cần nhanh chóng xác định các trường hợp bị cô lập khỏi xã hội”.

Tro cốt một trường hợp qua đời trong cô độc tại Hàn Quốc năm 2016 - Ảnh: Getty Images

Người già sống nghèo khổ

Hàn Quốc là một trong số quốc gia châu Á đang phải đối mặt với suy giảm dân số, người dân sinh ít và sinh muộn hơn. Tỷ suất sinh của nước này giảm đều đặn từ năm 2015.

Giới chuyên gia đổ lỗi cho hàng loạt yếu tố như văn hóa làm việc đòi hỏi khắt khe, chi phí sinh hoạt tăng cao, tiền lương tăng chậm khiến người dân không muốn làm cha mẹ. Song song đó lực lượng lao động cũng bị thu hẹp làm dấy lên ngại không có đủ người làm việc trong lĩnh vực phục vụ số người lớn tuổi ngày càng nhiều như y tế, chăm sóc tại gia.

Hậu quả là hàng triệu người lớn tuổi phải tự vật lộn sinh tồn. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, tính đến năm 2016, hơn 43% người Hàn Quốc trên 65 tuổi sống dưới mức nghèo khổ.

Nhà nghiên cứu Song In-joo (Trung tâm Phúc lợi Seoul) xác định nguyên nhân chính gây nên “cái chết cô độc” là cuộc sống của người Hàn Quốc trung niên và lớn tuổi xấu đi nhanh chóng nếu họ bị loại khỏi thị trường lao động lẫn thị trường nhà ở.

Kết luận trên được rút ra từ một nghiên cứu phân tích 9 “cái chết cô độc” và tiến hành phỏng vấn sâu hàng xóm, chủ nhà, người phụ trách hồ sơ vụ việc.

Trong 9 vụ việc có 1 vụ lao động 64 tuổi qua đời vì bệnh gan liên quan đến rượu chỉ 1 năm sau khi mất việc vì khuyết tật. Ông không được học hành, không gia đình, không có điện thoại. 1 vụ khác là cụ bà 88 tuổi gặp khó khăn về tài chính từ lúc con trai qua đời. Cụ ra đi sau khi trung tâm phúc lợi dành cho người lớn tuổi nơi bà tham gia đóng cửa vì đại dịch.

“Những khó khăn mà người có nguy cơ chết trong cô độc thường gặp trước lúc qua đời là vấn đề sức khỏe, khó khăn về kinh tế, không còn kết nối hoặc bị từ chối kết nối với xã hội, cộng thêm khó khăn trong quản lý cuộc sống hàng ngày”, theo nhà nghiên cứu Song. Hỗ trợ từ nhà nước chậm chạp và thiếu dịch vụ chăm sóc tại gia cũng khiến tình hình thêm nghiêm trọng.

Báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đưa ra quan điểm tương tự: người có nguy cơ chết trong cô độc suy giảm mức độ hài lòng với cuộc sống do ly hôn hoặc mất việc làm.

Không ít trường hợp “cái chết cô độc” sống trong không gian tồi tàn, chật chội chẳng hạn như căn hộ nhiều người ở chung (jjokbang) hay căn hộ tầng hầm (banjiha). Tại thành phố lớn như Seoul, nhà ở cực kỳ đắt đỏ nên chỉ có jjokbang và banjiha là lựa chọn khả dĩ.

Ngoài điều kiện sống tồi tệ, người có nguy cơ chết trong cô độc còn bị cô lập. Jjokbang và banjiha hứng chịu chỉ trích là “khu ổ chuột” nên bị kỳ thị, người sống bên trong như “vô hình”.

Nỗ lực giải quyết

Sự chú ý của công chúng đã thúc đẩy nhiều sáng kiến giải quyết cấp địa phương lẫn cấp quốc gia.

Năm 2028, chính quyền Seoul ra mắt chương trình “quan tâm hàng xóm”: người trong các khu dân cư thường xuyên thăm hỏi trường hợp sống một mình; chủ nhà, bệnh viện, cửa hàng tiện lợi đóng vai trò giám sát, báo cho nhân viên công tác xã hội khi không thấy bệnh nhân hay khách quen thời gian dài hoặc khi tiền thuê nhà không được thanh toán.

Seoul, Ulsan, Jeonju ra mắt ứng dụng di động dành cho người sống một mình. Ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn đến số liên lạc khẩn cấp nếu điện thoại không hoạt động trong một khoảng thời gian.

Đạo luật Kiểm soát - Ngăn chặn cái chết cô độc ban hành năm ngoái là biện pháp sâu rộng hơn cả, yêu cầu chính quyền cấp địa phương xây dựng chính sách phát hiện và hỗ trợ người có nguy cơ.

Ngoài nỗ lực từ phía nhà nước, nhà thờ cùng nhiều tổ chức phi lợi nhuận cũng chung tay giúp đỡ, chẳng hạn giúp lo tang lễ cho người xấu số. Nhà nghiên cứu Song khuyến nghị nên thiết lập nhiều hệ thống hỗ trợ giúp trường hợp đang cố gắng tự lực cánh sinh, ví dụ xây dựng chương trình giáo dục, đào tạo, tư vấn cho người trung niên và lớn tuổi.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cai-chet-co-doc-o-han-quoc-191120.html