'Nhà tài phiệt cuối cùng'
Qua ngòi bút tài hoa của Fitzgerald, 'Nhà tài phiệt cuối cùng' không chỉ là một câu chuyện tình yêu, mà còn là bức tranh khắc họa về một nước Mỹ phồn hoa nhưng cũng nhiều góc khuất.
Nhà tài phiệt cuối cùng là tiểu thuyết dang dở của văn hào người Mỹ F. Scott Fitzgerald, tác giả của Đại gia Gatsby.

Nhà tài phiệt cuối cùng nằm trong Tủ sách văn học kinh điển của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: ML.
Tiểu thuyết dang dở của F. Scott Fitzgerald
F. Scott Fitzgerald qua đời đột ngột vì bệnh tim, để lại tập bản thảo đồ sộ mới chỉ viết xong một nửa. Đó là một nỗi nuối tiếc và mất mát to lớn cho người yêu văn chương, vì Nhà tài phiệt cuối cùng dẫu chưa hoàn chỉnh đã được giới phê bình đánh giá đó có thể là tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông.
Người bạn đồng môn thời đại học của Fitzgerald, cũng là nhà phê bình văn học trứ danh, Edmund Wilson, đã đọc được những trang di cảo dang dở của người bạn quá cố. Wilson nhanh chóng nhận ra giá trị của tác phẩm. Ông đã tập hợp và sắp xếp lại bản thảo, bản nháp đánh máy và các ghi chú của Fitzgerald, để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh nhất có thể.
Phiên bản này đã được xuất bản năm 1941 với tựa đề Nhà tài phiệt cuối cùng, ghi rõ là Một tiểu thuyết còn dang dở. Trong lúc sáng tác, Fitzgerald chưa kịp đặt tựa cuối cùng cho tác phẩm. Ông tạm đặt nó là Chuyện tình lãng mạn của quý ông Stahr, nhưng cũng cân nhắc những tên khác như Thời đạt Metro, Anh chàng Lumiere và Nhà tài phiệt cuối cùng.
Mặc dù giới nghiên cứu có một số lời chỉ trích cho rằng Wilson can thiệp quá đà, nhưng nhà phê bình này đã góp phần giúp tác phẩm trở nên dễ tiếp cận hơn với độc giả, và bản thân ông cũng là một người có khiếu cảm thụ văn chương xuất sắc.Phiên bản Nhà tài phiệt cuối cùng này được in theo bản chỉnh sửa và sắp xếp của Edmund Wilson, là người được Fitzgerald gọi là “lương tâm trí tuệ của tôi”.
Wilson nhận định Nhà tài phiệt cuối cùng là “tác phẩm chín muồi nhất của Fitzgerald”. Trong lời giới thiệu dành cho ấn bản này, Haruki Murakami cho rằng Edmund Wilson là “một nhà điều khiển câu chữ với năng lực thẩm mỹ tuyệt vời”, và tiểu thuyết này là một nỗ lực “sáng chói” khắc họa chân thực thế giới “bi thảm và rực rỡ” của điện ảnh sơ khai.

Tài tử Matt Bomer trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Nhà tài phiệt cuối cùng. Ảnh: The Daily Beast.
Bức tranh Hollywood và nước Mỹ phồn hoa nhưng đầy góc khuất
Nhà tài phiệt cuối cùng là một sáng tác đầy tham vọng, lấy bối cảnh tại chính kinh đô Hollywood. Nhân vật chính Monroe Stahr là nhà sản xuất phim thành công nhất nhì Hollywood. Sở hữu tài năng xuất chúng, quyền lực và một cuộc sống xa hoa, thế nhưng, đằng sau ánh hào quang của điện ảnh, Stahr lại chới với trong nỗi cô độc và trống rỗng.
Giấc mơ Mỹ, vốn là biểu tượng của sự thành công và hạnh phúc, giờ đây lại trở thành gánh nặng đè chặt tâm hồn anh. Cuộc gặp gỡ tình cờ với Kathleen - một cô gái bí ẩn luôn chối từ mọi cơ hội tỏa sáng đã đánh thức trong Stahr những cảm xúc thuần khiết tưởng chừng như đã lụi tàn, và nhen nhóm lên niềm hy vọng vào một đoạn đời mới.
Thế nhưng, số phận dường như không mấy ưu ái cho họ, khi những trách nhiệm và áp lực cuộc sống một lần nữa nhẫn tâm chia cách hai tâm hồn đồng điệu ấy.
Qua ngòi bút tài hoa của Fitzgerald, Nhà tài phiệt cuối cùng không chỉ là một câu chuyện tình yêu, mà còn là bức tranh khắc họa về một nước Mỹ phồn hoa nhưng cũng nhiều góc khuất, khi thành công và sự nổi bật càng hào nhoáng bao nhiêu thì sự sụp đổ càng bi thảm và rực rỡ bấy nhiêu.
Một điểm đáng chú ý là hai nhân vật quan trọng nhất trong Nhà tài phiệt cuối cùng đều được sáng tác dựa trên những hình mẫu có thật: nhà sản xuất tài ba của hãng điện ảnh MGM, Irving Thalberg là nguyên mẫu cho nhân vật chính Monroe Stahr; Louis B. Mayer, nhà đồng sáng lập hãng MGM là hình mẫu cho Pat Brady, nhân vật phản diện đối lập với Stahr.
Thalberg là một người gốc Do Thái sinh ra tai Brooklyn, lọt vào mắt xanh của Laemmle, chủ tịch hãng phim Universal Pictures nhờ tài năng xuất chúng, và nhanh chóng được thăng chức lên vị trí cao cấp với biệt danh là “Anh chàng phi thường”. Ông mộng mơ và cầu toàn đến mức lý tưởng, lại đam mê và cống hiến không biết mệt mỏi. Thế nhưng Louis B. Mayer ganh tị với ông. Khi mâu thuẫn hai người ngày càng trầm trọng, Thalberg phải từ chức rồi bị hất đi. Năm 1936, ông qua đời khi chỉ mới 37 tuổi.
Thời điểm đó, khi người Do Thái vẫn còn phải chịu sự kỳ thị nặng nề, thì việc một nhà văn Mỹ (gốc Ireland) viết tiểu thuyết tôn vinh một nhân vật kỳ tài gốc Do Thái, là điều chưa có tiền lệ.
Ngoài ra, Fitzgerald có một thời gian làm việc tại Hollywood ở vai trò biên kịch. Ông có sự nhạy cảm và sắc sảo, cùng nhiều trải nghiệm và tư liệu thực tế để nhào nặn nên một thế giới sống động, chân thật, với tất cả những hào quang, những giấc mơ, và những đổ vỡ của nó.
Qua ngòi bút tài hoa xuất chúng của Fitzgerald, nhân vật này được mô tả đầy sức hút, trở thành biểu tượng sinh động cho giấc mơ Mỹ - cả hào quang và bi kịch của nó.
Dù chưa được hoàn tất do sự ra đi đột ngột của tác giả, song Nhà tài phiệt cuối cùng vẫn phơi bày trọn vẹn trước mắt người đọc một Hollywood mê hoặc, đầy màu sắc, nơi mà sự lấp lánh của màn bạc che giấu đi những tham vọng, quyền lực, và nỗi ám ảnh về sự vô thường của cuộc sống cùng những câu hỏi về số phận con người.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-tai-phiet-cuoi-cung-post1542729.html