Cái chết của cuộc sống về đêm ở châu Á
Từ Singapore đến Hong Kong (Trung Quốc), các tụ điểm giải trí về đêm đang quay cuồng vì các hạn chế và lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Trước đại dịch Covid-19, Zouk - một trong những tụ điểm giải trí về đêm lâu đời và hoành tráng nhất Singapore - dễ dàng thu hút ít nhất 3.000 người ưa tiệc tùng mỗi đêm. Giờ đây, hộp đêm này chỉ có 150 khách quen mỗi tối và phải chuyển đổi một số phần của khu phức hợp rộng hơn 2.800 m2 thành nhà hàng, trường quay và rạp chiếu phim.
“Chúng tôi từng kiếm được nhiều tiền trong một đêm hơn cả tháng trời ở hiện tại”, Andrew Li - giám đốc điều hành của Zouk Group - nói với This Week In Asia của South China Morning Post. Doanh thu giảm hơn 85% đồng nghĩa với việc Li phải sa thải 25% nhân viên và có thể chưa dừng lại ở đó.
Tương tự Zouk, nhiều hộp đêm nổi tiếng sôi động ở đảo quốc sư tử đang quay cuồng trong bối cảnh kinh tế suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch.
Ở những nơi khác tại châu Á, các tụ điểm giải trí về đêm vẫn đóng cửa khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa mới nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2.
Ví như ở Hong Kong (Trung Quốc), các quán bar, hộp đêm và phòng tiệc đã bị đóng cửa kể từ cuối tháng 11/2020. Chính phủ Malaysia gần đây đã gia hạn lệnh kiểm soát di chuyển đến cuối tháng 2.
Liệu đây có phải sự diệt vong dành cho cuộc sống về đêm ở châu Á? Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhà kinh tế cho rằng điều này phụ thuộc vào việc quốc gia đó có kiểm soát được dịch hay không, tốc độ sản xuất vaccine và các khoản hỗ trợ mà chính phủ có thể cung cấp.
Họ lưu ý rằng ngành này có thể không nhận được sự trợ giúp nào hoặc rất ít do những đóng góp không đáng kể cho nền kinh tế.
Bức tranh ảm đạm
Mặc dù đã có báo cáo rằng cuộc sống về đêm đang dần trở lại ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan, với nhiều video cho thấy đám đông không đeo khẩu trang tham gia tiệc tùng hay lễ hội âm nhạc, các khu vực khác của châu Á vẫn cảnh giác, điển hình là Hàn Quốc và Hong Kong, nơi một số hộp đêm, vũ trường gây ra đợt bùng phát dịch mới.
Ngay cả ở Singapore - nơi dường như kiểm soát được virus với số ca lây nhiễm trong cộng đồng không đáng kể, hầu hết tụ điểm giải trí về đêm vẫn chưa được bật đèn xanh để hoạt động bình thường trở lại.
Quán bar và quán rượu có giấy phép phục vụ đồ ăn được phép mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ các quy định như không chứa tối đa 8 người/bàn, không phục vụ rượu sau 22h30.
Các phòng hát karaoke và hộp đêm, được coi là có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn, đặt hy vọng vào chương trình thí điểm mở cửa trở lại một số tụ điểm giải trí, được khởi động vào tháng trước. Tuy nhiên, nó đã bị hoãn lại vô thời hạn do sự gia tăng nhẹ các ca mắc Covid-19 mới.
Theo Chua Ee Chien - thành viên ủy ban điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Cuộc sống Về đêm Singapore, đã có sự gia tăng đột biến các doanh nghiệp muốn rút khỏi ngành, với hơn 225 công ty bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này.
Truyền thông địa phương đưa tin 59 doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã ngừng hoạt động trong nửa đầu năm 2020. Hơn 100 tụ điểm giải trí về đêm không được phép hoạt động trở lại kể từ sau khi đại dịch bùng phát.
“Một trong những mối quan tâm của chúng tôi là liệu họ có đủ phương tiện để duy trì hoạt động mà không có doanh thu hay không. Khi chương trình thí điểm bị hoãn lại, các doanh nghiệp từng chi tiền để chuẩn bị cho việc này đang lâm vào tình thế khó khăn hơn”, Chua - cũng là chủ quán bar - nói.
Ông kêu gọi các đơn vị kinh doanh xem xét biện pháp khác để tồn tại, bao gồm thay đổi mô hình kinh doanh, tương tự điều Zouk Group đã làm bằng cách kết hợp các lớp học đạp xe trong khu phức hợp rộng lớn của họ. “Các chủ quán bar, hộp đêm cần chấp nhận rằng đại dịch sẽ không sớm kết thúc”, Chua nói thêm.
Bức tranh vẫn ảm đạm không kém trên khắp châu Á. Một báo cáo vào tháng 9 năm ngoái cho biết 1/5 tụ điểm giải trí ở Malaysia đã bị đóng cửa.
Tương tự, tại Hong Kong, John Rana - chủ sở hữu Privé Group - cho biết doanh thu giảm hơn 95%, chủ yếu do các hộp đêm và quán bar chỉ được phép hoạt động full-time trong vòng chưa đầy 2 tháng vào năm ngoái. Thời gian còn lại, các tụ điểm giải trí về đêm đều bị cấm mở cửa hoặc giới hạn giờ hoạt động.
Rana cho biết Privé Group - gồm 7 nhà hàng, quán bar và hộp đêm - hiện tập trung nhiều hơn vào các quán ăn: “Chúng tôi không lo lắng về việc liệu ngành này có phục hồi trở lại hay không. Điều chúng tôi lo là liệu mình có thể tồn tại đến mai hay không vì các hạn chế của chính phủ cứ tiếp tục mở rộng mà không có hỗ trợ nào dành cho ngành công nghiệp này”.
Hỗ trợ nhiều hơn?
Các chính phủ trên khắp châu Á đã cung cấp một số hình thức hỗ trợ tài chính cho ngành giải trí về đêm. Tại Singapore, các nhà chức trách vẫn đang đồng tài trợ khoảng 30% tiền lương của công nhân cùng việc miễn tiền thuê nhà.
Rana cho biết anh nhận được hỗ trợ bằng tiền mặt từ chính quyền Hong Kong dựa trên giấy phép kinh doanh nhà hàng và quán rượu. Tuy nhiên, anh cho biết tất cả vẫn không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh vì chi phí thuê mặt bằng quá cao của Hong Kong đã tạo thêm gánh nặng tài chính.
Chua của Hiệp hội Doanh nghiệp Cuộc sống Về đêm Singapore cũng bày tỏ quan ngại tương tự: “Chính phủ sẽ không tìm cách bơm thêm tiền mặt, nhưng nếu họ để các doanh nghiệp này chết dần thì lấy gì thay thế?”.
Tuy nhiên, ngay cả khi các tụ điểm giải trí về đêm quan tâm đến sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ, Song Seng Wun - nhà kinh tế tại Ngân hàng tư nhân CIMB - chỉ ra rằng sự giúp đỡ sẽ là không nhiều.
“Thành thật mà nói ngành này không đóng góp nhiều cho nền kinh tế”, ông nói. Tại Singapore, ước tính ngành giải trí về đêm chỉ chiếm “một phần nhỏ của 1%” - con số tương tự ở hầu hết nền kinh tế châu Á.
Selena Ling - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại Ngân hàng OCBC - đưa ra ước tính lớn hơn một chút. Bà nói rằng ở thành phố, lĩnh vực này được nhóm lại dưới danh mục lớn hơn là dịch vụ giải trí, cộng đồng và cá nhân, chiếm 6% GDP.
Bà lưu ý rằng tầm quan trọng của cuộc sống về đêm cũng khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ, ở Thái Lan, ngành này được ưu tiên cao hơn vì khách du lịch quốc tế thường đổ xô đến đây vì khung cảnh ban đêm nhộn nhịp. Ling cho biết có những lợi ích vô hình từ ngành, chẳng hạn nâng cao sức hấp dẫn của Thái Lan như điểm hẹn du lịch.
Li - giám đốc điều hành của Zouk Group - cảm thấy lĩnh vực giải trí về đêm cũng “mang lại cho xã hội trải nghiệm, sự kết nối và thậm chí cả sức khỏe tâm thần”. Song những lợi ích này thường có thể bị các nhà chức trách bỏ qua.
Từ lập trường chính sách của chính phủ, Li nói điều này có nghĩa là trong danh sách ưu tiên, ngành công nghiệp giải trí về đêm sẽ bị đẩy xuống dưới một số lĩnh vực đang lao đao khác như hàng không, sản xuất và khách sạn.
Tương lai
Nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe do dự khi nói về việc các chính phủ có nên mở cửa ngành công nghiệp giải trí về đêm ở hiện tại hay không.
Hsu Li Yang - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore - cho biết điều này phụ thuộc vào sự thành công của từng quốc gia trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Ông cũng chỉ ra rằng hầu hết quán bar, phòng hát karaoke và hộp đêm không được thiết kế với mục đích giãn cách xã hội hoặc thông gió tự nhiên. “Nhiều người cũng không đến những nơi này để lặng lẽ nhâm nhi đồ uống. Vì vậy, chúng có khả năng trở thành ổ dịch trong cộng đồng”.
Việc thí điểm mở cửa trở lại các hộp đêm đang bị trì hoãn của Singapore cho thấy bức tranh tổng quát về tương lai của cuộc sống về đêm ở châu Á. Đó là yêu cầu khách hàng quen xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính và đeo khẩu trang, ngay cả trên sàn nhảy.
Hộp đêm cũng sẽ chỉ được phép chứa tối đa 100 người với các khu vực ăn uống, nhảy riêng biệt có 50 người/khu.
Một chương trình thí điểm riêng, quy mô nhỏ hơn cho những quán bar bắt đầu vào tháng 12/2020, cũng quy định rằng các cơ sở không được phát nhạc ở mức lớn hơn 60 decibel. Trong khi đó, nhạc sống và một số hình thức giải trí khác như khiêu vũ, phi tiêu và hồ bơi đều bị cấm.
Tuy nhiên, Teo Yik Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock - cảm thấy sẽ rất khó để ngành công nghiệp này phục hồi chỉ dựa vào các biện pháp kể trên.
Ông cho rằng lĩnh vực này có cơ hội hoạt động trở lại chỉ khi việc triển khai vaccine ở một quốc gia cụ thể thành công và có đủ dữ liệu để chứng minh nó làm giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Andrew Li - giám đốc điều hành của Zouk Group - đang chờ đợi sự phục hồi vào cuối năm nay, sau khi chính phủ Singapore cho biết họ có kế hoạch tiêm phòng cho toàn bộ 5,7 triệu dân.
Hay như Song - chuyên gia kinh tế - nhận định: “Ngành công nghiệp giải trí về đêm sẽ trở lại vào thời điểm nào đó, nhưng chúng tôi không biết khi nào. Và khi nó xảy ra sẽ có nhu cầu bị dồn nén và chi tiêu trả thù một lần nữa”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-cuoc-song-ve-dem-o-chau-a-post1183831.html