Cái chết của cuộc sống về đêm ở Singapore
Các quán bar trống rỗng, giá cả đắt đỏ và những đêm dài vắng khách. Cuộc sống về đêm đang hấp hối của Singapore có thể gây ra nhiều hậu quả trầm trọng.
![Cuộc sống về đêm của Singapore ngày càng đắt đỏ và kém vui. Ảnh: DJ Amber Na.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_119_51428597/7bf3586762298b77d238.jpg)
Cuộc sống về đêm của Singapore ngày càng đắt đỏ và kém vui. Ảnh: DJ Amber Na.
Seva Baskin, du khách đến từ Belarus, rời căn hộ thuê ở Singapore vào nửa đêm một ngày thứ sáu đầu tháng 11/2024. Anh dự định đến một quán bar, nhưng tất cả chuyến tàu MRT trong ngày đã dừng hoạt động.
“Khi tôi đi chơi ở châu Âu, giao thông công cộng hoạt động rất muộn. Còn ở Singapore, ngay khi đồng hồ điểm 0h, giá taxi tăng gấp đôi so với ban ngày”, doanh nhân 31 tuổi cho biết.
Baskin đã ở Singapore 3 tháng. Anh nghĩ các quán bar sẽ là nơi lý tưởng để kết giao với người bản địa. Tuy nhiên, việc thiếu các lựa chọn phương tiện giao thông giá cả phải chăng vào rạng sáng đã cản trở điều này.
“Tôi sẽ gặp ai ở các hộp đêm? Những người trẻ tuổi đi chơi sớm và cố về nhà trước 0h hay chỉ những người giàu có?”, Baskin thắc mắc với CNA Today.
Đó cũng là lo lắng và hoài nghi chung của nhiều du khách nước ngoài, người dân Singapore và các nhà kinh doanh cuộc sống về đêm.
Các hộp đêm đóng cửa sớm, giá rượu đắt đỏ và chi phí đi lại tăng cao. Tất cả dẫn đến khung cảnh đìu hiu của cuộc sống về đêm ở đảo quốc sư tử, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia cảnh báo xu hướng này có thể làm giảm sức hấp dẫn của Singapore như một điểm đến du lịch đẳng cấp.
Chật vật
Dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Singapore cho thấy doanh thu của các hộp đêm, vũ trường, CLB khiêu vũ và phòng karaoke vào năm 2022 là 284,7 triệu SGD (20,2 triệu USD). Con số này kém xa so với mức cao nhất là 674,7 triệu SGD (499,7 triệu USD) vào năm 2005.
Ngành F&B (dịch vụ ăn uống) rộng lớn hơn, bao gồm các quán bar và pub, đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn hậu đại dịch. Hơn 3.000 cơ sở kinh doanh đã đóng cửa vào năm 2024, cao nhất trong hai thập kỷ kể từ năm 2005.
Các cơ sở lâu năm cũng lần lượt đóng cửa do chi phí thuê mặt bằng tăng cao và số lượng khách hàng giảm. Nhiều nơi khác cũng đang thoi thóp tồn tại qua ngày.
Mirza Jasni, quản lý quán bar bia thủ công The Otherside ở Chinatown, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng cầm cự đến tháng tới. Chừng nào còn có thể, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc”.
Ritz Ang, trưởng bartender tại quán bar Enclave, tiết lộ doanh thu quán đã giảm 30-40% kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 5 năm ngoái.
Singapore Pub Crawl, đơn vị tổ chức sự kiện đưa khách đến các cơ sở cuộc sống về đêm xung quanh Boat Quay và Clarke Quay, cho hay quy mô nhóm khách hàng đã giảm đáng kể cho mỗi tour du lịch, từ 40-50 người tham gia/lần xuống dưới 30 người.
![Sau đại dịch, nhiều người Singapore bỏ thói quen đi bar sau giờ làm. Ảnh: Mashable.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_119_51428597/2fa60832327cdb22826d.jpg)
Sau đại dịch, nhiều người Singapore bỏ thói quen đi bar sau giờ làm. Ảnh: Mashable.
Mogan Vithilingam, giám đốc điều hành công ty, nói rằng các địa điểm cũng ít tung ưu đãi hấp dẫn. Trước đây, các quán bar có thể giảm giá chỉ còn 12 SGD (8,8 USD) cho 2 chai bia. Giờ đây, số tiền này chỉ đủ mua một đồ uống duy nhất đã khuyến mại.
Khách hàng của Singapore Pub Crawl chủ yếu là khách du lịch. “Tôi nghĩ sau đại dịch, mọi người đã lãng quên những bữa tiệc thâu đêm ở quán rượu”, ông Vithilingam nói.
Bầu không khí tại các tụ điểm vui chơi về đêm chính cũng giảm nhiệt. Mark Ng, đồng sở hữu của The Coup, cho biết các khu vực xung quanh Ann Siang Road và Club Street thay đổi đáng kể.
“Những con phố này từng nhộn nhịp vào ban đêm. Các quán bar ở đây xếp bàn và ghế trên đường. Mọi người sẽ đổ về từ Chinatown sau bữa tối”, ông nhớ lại.
Ông Ng nói thêm rằng nhiều cơ sở từng mở cửa sau 0h. “Cuộc chiến giá cả” ở thời điểm đó diễn ra khốc liệt khi nơi nào cũng khuyến mại 1 tặng 1 hoặc giờ hạnh phúc (happy hours). Những chương trình ưu đãi này hiện rất hiếm.
Nguyên nhân
Một loạt yếu tố đã góp phần vào sự suy thoái của cuộc sống về đêm ở Singapore. Ngoài chi phí ngày càng tăng, thói quen và lối sống của người tiêu dùng đã thay đổi.
Văn hóa làm việc tại nhà được sinh ra bởi đại dịch đã có những ảnh hưởng sâu rộng, Mirza từ quán bar The Otherside nhận định.
“Mọi người làm việc ở nhà nên thường ăn uống quanh nơi mình sống và không uống rượu. Điều này đã thay đổi toàn bộ cuộc chơi. Các quán bar phải đóng cửa vì ế khách”, ông Mirza nói thêm.
Ông Ng từ The Coup đồng tình rằng nếu dân văn phòng đi làm thường xuyên, họ có thể rủ nhau đi uống rượu trước khi về nhà. Khi họ chủ yếu làm việc ở nhà, khả năng bước ra ngoài để đến quán bar gần như là không có.
“Chúng tôi điều hành doanh nghiệp đòi hỏi khách hàng phải đến tận nơi. Tuy nhiên, ngày càng ít người ra ngoài để ghé vào các quán bar. Lĩnh vực F&B không còn như trước nữa”, ông chia sẻ và nói thêm rằng “bình thường mới” hiện nay là tổ chức tiệc tại nhà hoặc chỉ tụ tập bạn bè ở bên ngoài tối đa 1-2 lần/tuần.
Cả ông Mirza và ông Ng đều quan sát thấy rằng một số nhà khai thác cuộc sống về đêm đang chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử thay vì điều hành các cửa hàng F&B.
Roland Utama, giám đốc điều hành của nhà hàng bia thủ công Thirsty, cho biết công ty quyết định chuyển sang mô hình kinh doanh 100% trực tuyến vì thiếu nhân lực và tiền thuê nhà cao.
“Hậu Covid-19, chúng tôi nhận thấy nhiều người tiêu dùng thích thưởng thức đồ uống tại nhà. Họ đánh giá việc mua hàng online và ship thẳng về nhà tiện lợi hơn”, ông nói.
![Các tụ điểm vui chơi về đêm ở Singapore không còn giữ được không khí náo nhiệt như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ảnh: SCMP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_119_51428597/bdaf983ba2754b2b1264.jpg)
Các tụ điểm vui chơi về đêm ở Singapore không còn giữ được không khí náo nhiệt như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ảnh: SCMP.
Ngoài ra, các nhà khai thác giao thông công cộng SBS Transit và SMRT đã ngừng cung cấp dịch vụ xe buýt đêm khuya từ tháng 6/2022. Trong khi đó, A&S Transit cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng cách mở lại 2 tuyến xe buýt vào năm 2023, nhưng phải thôi sau 6 tháng.
Điều này đã khiến những người đi chơi đến nửa đêm chỉ còn lựa chọn thuê xe riêng để về nhà nếu cần.
Mary Arumeidas (43 tuổi), chủ công ty sự kiện pop-up Manifest, than thở chi phí bắt taxi hoặc xe riêng về nhà đôi khi có thể khiến cô mất tới 60 SGD (44,3 USD).
Arumeidas cho rằng giá cả đắt đỏ và cuộc sống về đêm giảm nhiệt sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Nhiều người bạn nước ngoài của cô không đến thăm Singapore vì họ nghe nói đây là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Sở thích của giới trẻ cũng đang thay đổi. Ông Ng từ The Coup cho rằng Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) không uống rượu nhiều như các thế hệ cũ. Họ chọn tương tác nhiều hơn trên mạng xã hội thay vì vừa nhâm nhi đồ uống, vừa trò chuyện trực tiếp với người khác.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Singapore mà còn trên toàn cầu. The Guardian đưa tin nhiều quán rượu kiểu Nhật (izakaya) đang tuyên bố phá sản khi đối mặt với nhu cầu giảm ở Nhật Bản.
Tại Mỹ, cuộc khảo sát năm 2023 của công ty phân tích Gallup cho thấy tỷ lệ thanh niên uống rượu đã giảm 10 điểm phần trăm so với hai thập kỷ trước. Sự thay đổi có thể đến từ việc những người trẻ tuổi lo ngại về tác hại của rượu đến sức khỏe, dù uống ít hay nhiều.
Ảnh hưởng
Các chuyên gia về khách sạn và tiếp thị nhấn mạnh vai trò quan trọng của cuộc sống về đêm đối với ngành du lịch của Singapore. Họ nói rằng bất kỳ sự suy giảm nào trong các dịch vụ giải trí về đêm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với số lượng khách du lịch.
Tiến sĩ Lewis Lim, phó giáo sư thực hành tiếp thị tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), bày tỏ: “Hãy tưởng tượng một thành phố trở nên yên tĩnh từ 18h liệu có thể là trung tâm kinh doanh và hấp dẫn khách du lịch không?”.
Ông nói thêm rằng nếu khách du lịch thất vọng với khung cảnh cuộc sống về đêm của Singapore hoặc bị tính phí quá cao với những cuộc chơi thâu đêm, họ sẽ không bao giờ quay trở lại đảo quốc sư tử và cũng sẽ nói với cả thế giới đừng đến.
Người dân và khách du lịch đến thăm Singapore có cảm xúc lẫn lộn về cuộc sống về đêm ở đây. Một số đánh giá cao sự an toàn của các tụ điểm vui chơi về đêm, mặc dù giá cả cao hơn và không khí kém sôi động so với các nước châu Á láng giềng.
Giám đốc bán hàng Nils Brand (26 tuổi) thấy cuộc sống về đêm của Singapore nhạt so với Thái Lan. Chàng trai người Đức nói thêm Haji Lane (ở Kampong Glam) là một con phố giả tạo vì toàn là khách du lịch.
Bên cạnh đó, Brand nghĩ rằng những người đi club ở Singapore chỉ muốn thể hiện. “Họ mua những chai rượu ngu ngốc và chỉ chăm chăm quay video. Nếu muốn biết thế nào là đi bar, hãy đến châu Âu, đến Berlin”, anh nói.
![Nhiều người không thể tìm được không khí náo nhiệt về đêm ở Singapore như trước. Ảnh: AWOL.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_119_51428597/aba79033aa7d43231a6c.jpg)
Nhiều người không thể tìm được không khí náo nhiệt về đêm ở Singapore như trước. Ảnh: AWOL.
Johann Tuffe, công dân Pháp, cho biết ở Hong Kong (Trung Quốc), anh chỉ cần theo đám đông và họ sẽ dẫn anh đến các tụ điểm giải trí về đêm nổi bật như Lan Quế Phường.
“Nhưng ở Singapore, mọi người cần biết nơi nào chơi vui hoặc có bạn bè đưa đi”, người đàn ông sống ở đảo quốc sư tử 3 năm nói.
Khách du lịch Mỹ Mark Fontes (45 tuổi), giáo viên tiếng Anh ở Trung Quốc, nhận thấy cuộc sống về đêm của Singapore “thân thiện hơn” vì anh có thể ngồi ngoài trời và uống rượu mà không bị người ăn xin làm phiền, điều thường xuyên xảy ra ở các quốc gia láng giềng như Thái Lan.
Javi M (30 tuổi) cảm thấy an toàn khi đi chơi khuya ở Singapore vì không có người say xỉn trên đường phố như ở Nam Mỹ. Người phụ nữ thất nghiệp nói thêm rằng khung cảnh cuộc sống về đêm của đảo quốc sư không phải là nhàm chán nhất trên thế giới.
“Ở Australia, các quán bar thường đóng cửa vào khoảng 19h. Người thích tiệc tùng sẽ bứt rứt không chịu nổi”, cô nói.
Các nhà khai thác cuộc sống về đêm và các chuyên gia về khách sạn tin rằng cần rất nhiều nỗ lực để phục hồi ngành công nghiệp này ở Singapore. Có một cách để giành lợi thế như tăng tính độc đáo, đa dạng hóa chiến lược kinh doanh, đầu tư quảng bá trên các nền tảng truyền thông xã hội để phù hợp với thời cuộc.
“Ngày nay, ngoài việc chỉ bán rượu, các quán bar cũng phải là nơi để mọi người chụp ảnh”, Ng Yu Jie, chủ sở hữu của doanh nghiệp Party Singapore, nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cai-chet-cua-cuoc-song-ve-dem-o-singapore-post1530119.html