Cái chết của 'gia đình 80-50' ở Nhật Bản
Cái chết thương tâm của gia đình 3 người trên hòn đảo ở miền Trung Nhật Bản làm nổi bật 'vấn đề 80-50', khi cha mẹ già phải chăm sóc con cái cũng đã lớn tuổi.
Cặp vợ chồng 91 và 88 tuổi cùng con trai 59 tuổi được phát hiện chết trong nhà riêng ở đảo Sado thuộc thành phố Sado, tỉnh Niigata vào tháng một.
Người con được xác định là qua đời trước vì bệnh tật, sau đó là cha mẹ ốm yếu của ông.
Tại Nhật Bản, tình trạng cha mẹ hơn 80 tuổi phải chăm sóc con cái là “hikikomori” (người thất nghiệp, sống ẩn dật) đã bước qua tuổi 50 nổi cộm trong xã hội, được gọi là “vấn đề 80-50”, theo Mainichi.
Sở cứu hỏa địa phương nhận tin báo sáng 6/1 rằng 3 người được tìm thấy nằm gục bên trong ngôi nhà 2 tầng tại thị trấn cảng Ogi, nằm ở phía tây nam thành phố Sado. Họ sống cách cảng 5 phút đi bộ.
Hitoshi Saito (69 tuổi), ủy viên phúc lợi ở quận Ogi, là người gọi tới.
Xác định cả 3 đã ngừng hô hấp và không có vết thương bên ngoài, sở cứu hỏa không chở nạn nhân tới bệnh viện mà bàn giao vụ việc cho Sở Cảnh sát Sado.
Cảnh sát xác định có rất ít khả năng xảy ra tội phạm hay tự sát.
Trước đó, một nhân viên giao báo họ Saito nhận thấy những ấn phẩm được giao đến không được ai mang vào nhà trong 3 ngày. Anh báo cho ủy viên Hitoshi Saito để cùng tới kiểm tra và phát hiện các thi thể.
Theo hàng xóm, trước khi bi kịch ập đến, người cha nằm liệt giường, trong khi người mẹ mắc chứng mất trí nhớ và gặp vấn đề về chân khiến bà đi lại khó khăn, kể cả khi ở trong nhà. Họ sống cùng con trai thứ 2.
Người cha từng làm việc cho ngân hàng khu vực và trở về quê hương Ogi sau khi nghỉ hưu. Người mẹ làm nội trợ. Con gái và con trai cả của họ sống ở cùng tỉnh, lần lượt ở các thành phố Niigata và Nagaoka.
Người con trai thứ 2 tốt nghiệp trung học ở Sado và làm việc tại nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, cách đây 5-6 năm, người này bị cho thôi việc khi ông chủ gặp khó khăn về tài chính. Thay vì tìm công việc mới, ông trở về nhà sống nhờ bố mẹ.
Người đàn ông độc thân dành phần lớn thời gian trong căn phòng trên tầng 2 và luôn gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác cũng như khi ra ngoài nơi công cộng.
Ủy viên phúc lợi Hitoshi Saito được giao nhiệm vụ theo dõi những hộ gia đình có người trên 80 tuổi và phụ trách gia đình này từ tháng 12/2022.
“Tôi mới tiếp quản người tiền nhiệm nên không nắm rõ tình hình của họ. Cũng có nhiều thông tin quản lý sẽ không cho tôi biết vì lo ngại về quyền riêng tư. Nếu phụ trách gia đình đó sớm hơn, tôi có thể đã làm được điều gì đó cho họ. Đó là bi kịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu tại Sado”, ông nói.
Saito nêu trường hợp của gia đình xấu số tại cuộc họp của các ủy viên phúc lợi và cán bộ ngành khác để tìm cách ngăn chặn thảm kịch tương tự. Nhiều người tham dự gợi ý rằng những gia đình như vậy nên đăng ký để được chứng nhận là cần được chăm sóc điều dưỡng. Điều này giúp họ dễ dàng nhận được các dịch vụ hành chính hơn như cử người chăm sóc.
Minoru Kawakita, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Giáo dục Aichi, cho biết “vấn đề 80-50” đã trở thành vấn đề xã hội do cấu trúc hộ gia đình, khi số người sống cùng cha mẹ ngày càng tăng, cùng với số người trên 50 tuổi chưa lập gia đình.
Chính quyền trung ương và địa phương đang hỗ trợ những người trung niên và người cao tuổi bị xã hội xa lánh bằng cách thiết lập các dịch vụ tư vấn chuyên biệt.
Bộ phận phúc lợi người cao tuổi của chính quyền thành phố Sado giải thích rằng ngay cả khi nhận được thông tin từ bên thứ 3, họ vẫn tiến hành các chuyến thăm tận nhà và thực hiện biện pháp khác tùy theo tình hình. Thế nhưng, bi kịch của gia đình này vẫn xảy ra.
Kawakita chỉ ra nếu cặp vợ chồng, những người đang hỗ trợ đứa con trai sống ẩn dật của họ, nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài, cái chết đột ngột của cả 3 người có thể đã không xảy ra.
Ông cũng cho rằng có thể họ quá xấu hổ khi nhờ người chăm sóc con trai thất nghiệp. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp cha mẹ thậm chí còn che giấu sự tồn tại của con cái họ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-gia-dinh-80-50-o-nhat-ban-post1403192.html