Cái chết của mẫu máy bay lớn nhất thế giới

Khi bắt đầu lăn bánh trên đường băng 15 năm trước, mẫu máy bay A380 được xem là tương lai của hàng không. Nhưng tuổi thọ của mẫu A380 chỉ còn được tính bằng ngày.

 Hơn 15 năm trước, A380 - mẫu máy bay chở khách lớn nhất thế giới - cất cánh chính thức lần đầu tiên tại Singapore. Ảnh: AP.

Hơn 15 năm trước, A380 - mẫu máy bay chở khách lớn nhất thế giới - cất cánh chính thức lần đầu tiên tại Singapore. Ảnh: AP.

Hơn 15 năm về trước, vào ngày 15/10/2007, chiếc A380 đầu tiên đã được Airbus giao cho khách hàng với những hứa hẹn về một thời đại mới trong ngành hàng không. Là mẫu máy bay 2 tầng siêu lớn, A380 được kỳ vọng sẽ làm sống lại sự thi vị của những chuyến du hành không trung và đưa con người tới tương lai.

Các hãng hàng không đổ xô mua A380 làm mẫu máy bay cao cấp. Hãng Emirates, Etihad, Qatar Airways và Qantas đã cho lắp thêm quầy bar, trong khi Singapore Airlines có giường rộng cho các cặp đôi. Emirates và Etihad cung cấp dịch vụ phòng tắm cho khách bay hạng nhất.

Nhưng tới nay, mẫu máy bay khổng lồ này đang chờ tới ngày ra bãi sắt vụn. Sau khi giao chiếc A380 cuối cùng vào năm 2021, Airbus đã đóng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Toulouse dù chưa thể thu hồi 25 tỷ euro chi phí đầu tư phát triển.

Các hãng Air France, Malaysia Airlines, Qatar Airways và Korean đều đang hướng tới loại bỏ mẫu A380. Singapore Airlines cũng dần giảm quy mô đội bay A380 của hãng.

Quá tham vọng, sai thời điểm

Telegraph đánh giá thất bại của A380 - mẫu máy bay thương mại tham vọng nhất kể từ sau Concorde - xuất phát từ việc dự án này quá tham vọng và không đúng thời điểm.

Khi mẫu 747 gần đến cuối vòng đời, Airbus - đối thủ của Boeing - tin rằng thời cơ của mình đã đến.

Hãng cho rằng hành khách sẽ đón nhận mẫu máy bay mới có hai tầng với kích thước lớn hơn. Airbus cũng tin là các hãng hàng không sẽ chịu chi hơn 500 triệu USD cho mỗi chiếc A380 vì họ có thể chở được nhiều khách hàng trong một chặng hơn. Một chiếc A380 có thể chở được 620 khách, nhiều hơn 200 người so với một chiếc 747.

Không gian bên trong máy bay A380. Ảnh: Thrifty Traveller/Michael Coghlan/Flickr.

Không gian bên trong máy bay A380. Ảnh: Thrifty Traveller/Michael Coghlan/Flickr.

Theo Telegraph, Airbus đã đánh giá đúng tâm lý hành khách nhưng lại sai lầm đối với thái độ của các hãng hàng không - khách hàng thật sự của A380.

Kích thước khổng lồ của A380 vốn được Airbus xem như là lợi thế vượt trội nhưng lại trở thành vấn đề. Với trọng lượng 500 tấn, chiếc máy bay này cần tới 4 động cơ, từ đó làm phát sinh thêm chi phí lớn khi so với các mẫu 2 động cơ mới và có khả năng bay xa hơn như mẫu A350 của Airbus hay 787 Dreamliner của Boeing.

Khi A380 đang được phát triển trong những năm đầu thập niên 2000, giá dầu chỉ là 30-40 USD/thùng. Nhưng tới năm 2007, con số ấy đã tăng tới 80 USD/thùng.

Ngoài ra, khi A380 đi vào sử dụng cũng là lúc các mẫu máy bay 2 động cơ được phép bay đường dài vượt đại dương, nhờ có cải cách quy định và độ bền máy móc ngày một tăng. Trong quá khứ, máy bay 2 động cơ phải bay cách điểm hạ cánh an toàn trong phạm vi một tiếng di chuyển để đề phòng hỏng hóc.

Các phiên bản bay đường xa của mẫu A350 và 787 có thể di chuyển không ngừng trong 20 tiếng, đủ để đưa hành khách trực tiếp đi từ London qua New York rồi tới Sydney.

Alan Joyce, CEO của Qantas, từng nói nếu dùng 2 chiếc máy bay 2 động cơ chở khách trên chặng Australia - Mỹ - châu Âu, lợi nhuận bình quân trên mỗi hành khách mà hãng thu được sẽ lớn hơn so với khi dùng một chiếc A380.

Chi phí không phải vấn đề duy nhất. Một số hãng bay than rằng mẫu A380 tiêu tốn nhiều nhân lực và thời gian chăm sóc. Một chiếc A380 cần phi hành đoàn hơn 20 người, 3-4 phi công và mất ít nhất 2 tiếng để trả khách, dọn dẹp và đón khách mới.

Trở lại lần cuối

Ông Tim Clark, lãnh đạo hãng bay Emirates, là vị giám đốc duy nhất trong ngành hàng không còn kiên trì với mẫu A380, với 123 chiếc trong đội bay. Nguyên nhân là mô hình kinh doanh của hãng này dựa trên khối lượng hành khách.

 Dẫn lời CEO Qantas Airways, Bloomberg hôm 24/10 cho biết sau khi bị đưa vào kho bãi, một chiếc A380 cần 4.500 giờ lao động mới có thể trở lại không trung. Ảnh: AP.

Dẫn lời CEO Qantas Airways, Bloomberg hôm 24/10 cho biết sau khi bị đưa vào kho bãi, một chiếc A380 cần 4.500 giờ lao động mới có thể trở lại không trung. Ảnh: AP.

Được gọi là mô hình “trục bánh xe và nan hoa”, hãng Emirates sẽ chở phần lớn trong số 70 triệu hành khách mỗi năm tới Dubai trên những chặng bay đường dài và để hành khách tản ra các chặng ngắn hơn. Khi ấy, A380 là lựa chọn hoàn hảo.

Trong khi đó, các hãng khác sẽ ưu tiên đường bay trực tiếp, không phải dừng nối chuyến nên mẫu A350 và 787 sẽ phù hợp hơn.

Trong một quãng thời gian ngắn, Airbus dường như đã có thể khắc phục vấn đề với mẫu A380 đời II. Phiên bản mới có thân dài hơn, tạo thêm 120 ghế, cũng như được trang bị động cơ dùng nhiên liệu hiệu quả hơn để giảm chi phí vận hành. Nhưng khi ấy, hầu hết hãng bay đã chuyển sang các mẫu A350 và 787.

Vào thời điểm dự án A380 bị đình chỉ, Airbus chỉ cho xuất xưởng 251 chiếc, bằng 25% con số hãng mong đợi. Trong khi đó, Boeing đã sản xuất gần 1.600 chiếc 747.

A380 sẽ dần bị thay thế bởi các mẫu A350, 787 và mẫu Boeing 777X mới. Nhưng tin tốt cho chúng là Emirates sẽ vẫn dùng những con “khủng long bay” này cho tới năm 2035, với khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD để nâng cấp những chiếc A380 của hãng. British Airways cũng sẽ giữ lại 12 chiếc A380.

Ngoài ra, tình trạng chậm giao máy bay mới sau đại dịch Covid-19 cùng nhu cầu bay tăng vọt đã khiến một số hãng phải đem những chiếc A380 của họ ra khỏi kho chứa và đưa chúng quay lại đường băng. Đơn cử như Lufthansa và Qatar Airways đang cho A380 bay trở lại.

“Đặt vé (bay trên A380) ngay khi còn có thể và hãy bước lên cầu thang để có tiếng hoan hô cuối cùng trên con tàu lớn giữa không trung”, cây bút John Arlidge viết trên Telegraph.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-mau-may-bay-lon-nhat-the-gioi-post1369482.html