Cái chết thầm lặng ở Gaza: Nạn đói, suy dinh dưỡng và sự tuyệt vọng
Nạn đói đang hoành hành ở Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng, chủ yếu là trẻ em. Các bác sĩ cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng, trong khi viện trợ bị gián đoạn nghiêm trọng bởi chiến sự và phong tỏa.
Atef Abu Khater, 17 tuổi, vốn là một thiếu niên khỏe mạnh trước khi Gaza chìm trong chiến tranh, hiện đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở phía bắc vùng đất Palestine, trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
“Con tôi không đáp ứng điều trị”, ông A’eed Abu Khater, 48 tuổi, cha của Atef, nói. Ông hiện đang trú ẩn cùng vợ và năm người con trong một chiếc lều ở Thành phố Gaza. “Tôi cảm thấy bất lực”, ông nói qua điện thoại trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times. “Chúng tôi đã mất hết thu nhập vì chiến tranh. Thực phẩm thì ngoài khả năng. Không còn gì cả”.
Từ đầu cuộc chiến, các bệnh viện ở Gaza đã phải vật lộn để tiếp nhận dòng người Palestine bị thương do các đợt không kích của Israel, và gần đây là do bị bắn khi đám đông tuyệt vọng tràn lên các xe chở hàng cứu trợ hoặc đổ về các điểm phân phát viện trợ.
Hiện nay, theo lời các bác sĩ tại địa phương, ngày càng có nhiều bệnh nhân của họ không chỉ chịu đựng mà còn đang chết dần vì đói.
“Không còn ai ở Gaza nằm ngoài vòng xoáy của nạn đói, ngay cả chính tôi”, bác sĩ Ahmed al-Farra, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Nasser ở miền Nam Gaza, cho biết. “Tôi đang nói chuyện với các anh với tư cách một nhân viên y tế, nhưng bản thân tôi cũng đang phải đi tìm bột mì để nuôi sống gia đình mình”.

Người dân Palestine ở Gaza mang theo túi hàng cứu trợ. Ảnh: NYTimes.

Người dân đau buồn trước những người thiệt mạng khi đang trên đường đi nhận viện trợ ở Thành phố Gaza hồi cuối tuần trước. Ảnh: NYTimes.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, trong tuần này tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đói tại Gaza đã đạt đến “mức độ tuyệt vọng ngoài sức tưởng tượng”, khi 1/3 dân số khu vực này không có gì ăn trong nhiều ngày liên tiếp.
Ông al-Farra cho biết số trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng đã tăng vọt trong những ngày gần đây. Ông mô tả những cảnh tượng đau lòng: những người quá mệt mỏi không còn đủ sức đi lại. Nhiều đứa trẻ đến khám không mắc bệnh nền nào trước đó, ông lấy ví dụ về bé gái Siwar Barbaq, sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, giờ đây đã 11 tháng tuổi nhưng chỉ nặng chưa đến 4 kg, trong khi đáng lẽ phải đạt khoảng 9 kg.
Sau 21 tháng xung đột tàn khốc – bắt đầu từ cuộc tấn công do Hamas dẫn đầu vào Israel ngày 7/10/2023, tình trạng thiếu thực phẩm và nước sạch đang tàn phá những người dễ bị tổn thương nhất ở Gaza: trẻ nhỏ, người già và người bệnh.
Bộ Y tế Gaza báo cáo đã có hơn 40 ca tử vong liên quan đến nạn đói trong tháng này, bao gồm 16 trẻ em. Tổng số ca tử vong do đói kể từ khi chiến tranh bắt đầu là 111 người, trong đó có 81 trẻ em. Những số liệu này hiện chưa thể được xác minh độc lập.
Trong suốt cuộc chiến, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức cứu trợ độc lập đã cáo buộc Israel ngăn chặn phần lớn thực phẩm vào Gaza, và nhiều lần cảnh báo rằng một nạn đói toàn diện đang đến gần với hơn 2 triệu cư dân tại đây. Phía Israel thì tuyên bố rằng lượng thực phẩm đưa vào là đủ, và đổ lỗi cho Hamas cùng các tổ chức cứu trợ đã làm rối loạn quá trình phân phối.

Một khu chợ gần như trống rỗng ở Thành phố Gaza vào hôm 24/7. Ảnh: NYTimes.

Bà Matar nấu ăn cho các con trên bếp lửa vì thiếu khí đốt. Ảnh: NYTimes.
Những đứa trẻ gầy gò, hốc hác, nằm vật vờ trên giường bệnh, hoặc được cha mẹ ôm ấp trong bất lực, lộ rõ những chiếc xương sườn và cánh tay, chân gầy như que củi. Cảnh tượng ám ảnh này trái ngược hoàn toàn với sự đầy đủ chỉ cách đó vài cây số, bên kia biên giới với Israel và Ai Cập.
Cậu bé Mohammed Zakaria al-Mutawaq, khoảng 18 tháng tuổi, đang sống cùng mẹ và anh trai trong một chiếc lều dựng tạm bên bãi biển Gaza.
Bà Hedaya al-Mutawaq, 31 tuổi, mẹ của Mohammed, cho biết chồng bà đã thiệt mạng hồi tháng 10 năm ngoái khi ra ngoài tìm thực phẩm.
“Tôi đi lang thang khắp các con phố để tìm cái ăn”, bà nói cho hay. Những bếp ăn từ thiện từng giúp bà nuôi hai con nhỏ – bé Mohammed và anh trai Joud, 3 tuổi, không phải lúc nào cũng có thể hỗ trợ. Nhiều khi cả nhà phải nhịn đói. “Tôi là người lớn, tôi có thể chịu đói. Nhưng bọn trẻ thì không”, bà nói.
Bà kể rằng bé Mohammed sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
“Tôi nhìn thằng bé mà chỉ biết khóc”, bà nói. “Chúng tôi đi ngủ trong đói, tỉnh dậy cũng chỉ nghĩ đến chuyện kiếm gì ăn. Tôi không thể tìm được sữa hay tã cho con”.
Mohammed được chẩn đoán suy dinh dưỡng nặng bởi Phòng khám Friends of the Patient và Bệnh viện Nhi al-Rantisi, nhưng các bác sĩ ở đó cũng không thể làm gì hơn.
“Họ nói với tôi: ‘Thuốc của cháu là thức ăn và nước’”.

Người dân lấy nước ở Thành phố Gaza vào tuần trước. Ảnh: NYTimes.

Trẻ em bên ngoài một bếp ăn từ thiện ở Thành phố Gaza vào hôm 23/7. Ảnh: NYTimes.
Bé Yahia al-Najjar, mới 4 tháng tuổi, đã qua đời vì suy dinh dưỡng nặng vào hôm 22/7 tại Bệnh viện Mỹ ở Khan Younis, bà Safa al-Najjar, 38 tuổi, cô của bé, cho biết.
Yahia sinh ra không có vấn đề gì về sức khỏe, nhưng tình trạng của bé nhanh chóng xấu đi. Gia đình sống dưới một chiếc lều tạm dựng bằng một tấm chăn và bốn cây cột. Mẹ của bé Yahia, chỉ ăn được một bữa mỗi ngày – cơm hoặc đậu lăng – nên không thể tạo đủ sữa để nuôi con, dù trước đó bà vẫn nuôi được ba người con khác bằng sữa mẹ. Gia đình cũng không đủ tiền mua sữa bột.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa, nhưng bé Yahia đã trong tình trạng nguy kịch và sụt cân nặng. Bé đã qua đời không lâu sau đó.
Sau khi Israel kết thúc lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng vào giữa tháng 3 và nối lại chiến dịch quân sự tại Gaza, nước này đã áp đặt một lệnh phong tỏa toàn diện trong gần 80 ngày nhằm gây sức ép buộc Hamas đầu hàng, khiến tình trạng thiếu thốn càng trầm trọng thêm.
Hiện nay, viện trợ được đưa vào Gaza theo hai con đường: Một là hệ thống mới gây tranh cãi, do các nhà thầu tư nhân Mỹ điều hành dưới danh nghĩa Tổ chức Nhân đạo Gaza – một nhóm tư nhân được Israel hậu thuẫn – với vài điểm phân phối cố định ở phía nam và trung tâm dải Gaza. Hai là các đoàn xe cứu trợ của các tổ chức quốc tế độc lập.
Cả hai hệ thống đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hỗn loạn và bạo lực sau nhiều tháng bị vây hãm, chiến tranh, di dời hàng loạt và mất kiểm soát an ninh. Theo Liên Hợp Quốc, hầu hết các vụ nổ súng của Israel xảy ra quanh các điểm phân phối do nước này hậu thuẫn.
Cuộc khủng hoảng hiện nay là hậu quả của những thất bại do con người gây nên, khi các bên liên quan đổ lỗi cho nhau về nỗi đau mà dân thường Gaza phải gánh chịu.

Người dân chờ viện trợ lương thực ở Thành phố Gaza hôm 23/7. Ảnh: NYTimes.
Israel cáo buộc Hamas tạo ra "câu chuyện nạn đói" bằng cách cướp hàng cứu trợ và cản trở quá trình phân phối. Đồng thời, Israel cũng chỉ trích Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo không chịu tiếp nhận hàng trăm xe tải hàng cứu trợ đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Gaza.
Trong khi đó, các tổ chức cứu trợ cáo buộc chính Israel đặt Gaza dưới sự bao vây, hạn chế tiếp tế và không đảm bảo an toàn cho các đoàn xe nhân đạo. Họ khẳng định rằng giải pháp duy nhất là tăng mạnh lượng thực phẩm viện trợ.
Phía Israel đã đáp lại những hình ảnh trẻ em đang chết đói bằng các đoạn video quay lại cảnh những gói hàng viện trợ nằm chất đống không ai nhận ở biên giới Gaza, và những hình ảnh mà quân đội Israel mô tả là “các phần tử Hamas” đang ăn uống no đủ với mâm trái cây tươi trong các đường hầm dưới lòng đất. Quân đội không cho biết đoạn video đó được quay vào thời điểm nào.
Lãnh đạo của Israel và Hamas đang tiến hành các cuộc đàm phán chậm chạp thông qua trung gian, với hy vọng đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời mới - điều có thể giúp mang lại cứu trợ và trao đổi con tin do Hamas giữ trong các đường hầm với tù nhân Palestine bị giam tại Israel.
Các bác sĩ cảnh báo rằng suy dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời có thể gây hậu quả lâu dài, làm gián đoạn tăng trưởng, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và phát triển cảm xúc.
Ông Mohammad Saqr, trưởng khoa điều dưỡng tại Tổ hợp Y tế Nasser, cho biết chỉ riêng chiều thứ Hai, bệnh viện đã tiếp nhận 25 phụ nữ và 10 trẻ em đến để xin truyền dung dịch glucose.
Dù phương pháp điều trị này có thể giúp giảm triệu chứng tạm thời, ông Saqr cảnh báo: “Chỉ một lúc sau, họ lại cảm thấy đói. Có những người đến nơi mà toàn thân run lên vì đói”.
Ông Mohammad Abu Salmiya, giám đốc Bệnh viện Al-Shifa ở Thành phố Gaza, cho biết chỉ trong 36 giờ trước đó, bệnh viện đã ghi nhận 3 ca tử vong do suy dinh dưỡng, trong đó có một bé sơ sinh mới 5 tháng tuổi.