Cái cớ Iran 'nắm thóp' Mỹ: Israel là mảnh ghép trong cơn giận dữ

Theo tờ National Interest, các căng thẳng giữa Mỹ và Iran có liên quan đến Israel.

Theo tờ báo, Iran không hề muốn một cuộc chiến tranh với Mỹ. Nếu chiến tranh diễn ra, Iran có thể sẽ không thua nhưng chắc chắn cũng không thắng. Tuy nhiên, Israel có thể là quốc gia thay thế phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Tehran.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Tác giả Michael Peck đã đặt ra câu hỏi trong bài viết: Cách Iran trả đũa sau cuộc tấn công của Mỹ vào máy bay không người lái khiến vị tướng cấp cao của nước này tử vong là gì?

Đó là tấn công Israel.

Một quan chức cấp cao Iran đã đe dọa sẵn sàng tấn công Israel khi Mỹ có phản ứng quân sự mạnh mẽ đối với nước này, tấn công bằng máy bay không người lái khiến tướng Qassem Soleimani của Tehran tử vong.

"Nếu Mỹ có bất kỳ hành động nào sau phản ứng quân sự của chúng tôi [Iran] thì Tehran sẽ san bằng cả Tel Aviv và Haifa", hãng thống tấn Fars của Iran trích dẫn lời ông Mohsen Rezayee, cựu chỉ huy IRGC cho biết.

Iran lên tiếng cho thấy mục tiêu chủ chốt từ sự giận dữ của Iran chính là Mỹ. Nếu tư duy theo kinh thánh, việc mượn cớ tấn công Israel sẽ có thể mang đến cho Iran một phước lành nhưng cũng là một lời nguyền. Tehran có rất nhiều lựa chọn "gây chết người" nhằm đối phó với kẻ thù không đội trời chung. Lực lượng thân Iran – Hezbollah tại Lebanon có thể đã thực hiện các cuộc không kích nhỏ trên mặt đất vào miền bắc Israel hoặc thậm chí phóng một số hỏa tiễn do Iran cung cấp cho lực lượng này (mặc dù vụ phóng hỏa tiễn từng gây ra nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Lebanon, kéo theo sự tham gia của cả Iran và Mỹ).

Ngoài ra còn có thêm lực lượng Hamas nắm quyền ở dải Gaza, Palestine không còn xa lạ gì với việc chiếm đoạt các thị trấn của Israel và gần đây đã hòa giải với Iran sau các rạn nứt trong xung đột Syria. Quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố Syria – khu vực trở thành căn cứ hỏa lực của Iran trong các đòn tấn công vào biên giới Israel. Hàng nghìn quân binh và cố vấn Iran cùng với lực lượng Hezbollah và quân Shia luôn sẵn sàng tấn công vào quân đội Israel và cả khu định cư ở Cao nguyên Golan.

Tất cả các cuộc tấn công sẽ mang đến hai điều có lợi cho Tehran theo quan điểm của nước này. Một là sẽ đưa ra cơ hội tấn công nhằm vào đồng minh chủ chốt của Mỹ - đồng minh mà Washington đã đầu tư rất nhiều uy tín và nguồn lực. Điều đó sẽ khiến Washington phải gồng mình hỗ trợ. Hai là, khi Israel bị các đồng minh Iran bao vây ở Lebanon, Syria và dải Gaza thì việc tấn công vào Israel thật dễ dàng mà không cần sử dụng đến lực lượng Iran trên vùng đất của Iran.

Do vậy, Israel không hề muốn biến vụ việc của tướng Iran Soleimani thành chiến tranh với Iran. Chính phủ Israel đã lên tiếng phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của ông Soleimani và nói rõ rằng họ không hề muốn bị lôi vào vụ việc này.

Điều gì xảy ra nếu Israel lựa chọn tấn công vào lực lượng thân Iran hay cũng chính là cuộc tấn công vào chính quốc gia Hồi giáo này?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong thời gian dài đã đe dọa các hành động quân sự chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran. Một cuộc tấn công vào Iran - ngay cả khi là vào lực lượng thân Iran đều có thể phải chịu án phạt cay đắng bằng màn đáp trả chắc chắn mạnh mẽ từ Tehran. Trong khi Mỹ không hề khuyến khích hành động quân sự của Israel đối với Iran nhưng chính quyền Tổng thống Trump có thể có xu hướng có lợi hơn nếu gián tiếp đối phó với Tehran, giới quan sát nhận định.

Cơ quan an ninh của Israel đưa ra đánh giá khả năng xảy ra cuộc tấn công vào Iran là rất thấp, ngay cả khi tổ chức tư vấn hàng đầu của Israel cảnh báo rằng khả năng xảy ra chiến tranh giữa Israel và Iran là rất cao. Cho dù thế nào đi chăng nữa, lịch sử Trung Đông hiện đại cũng vẫn tồn tại tính toán sai lầm và nhận thức sai lầm. Chính Thủ lĩnh của Hezbollah - Hassan Nasrallah đã thừa nhận rằng ông không ngờ cuộc phục kích nhằm vào đội tuần tra Israel đã gây ra cuộc chiến Israel và Liban năm 2006.

Mối đe dọa từ kho vũ khí tên lửa của Iran tiếp tục gia tăng trong năm nay cùng với các vụ thử tên lửa và máy bay không người lái tiên tiến với tầm bắn và độ chính xác cao hơn.Các tên lửa hành trình 358 được thiết kế để đối phó với các máy bay trực thăng quân sự của Mỹ. Vào tháng Hai năm ngoái, Hải quân Mỹ đã đánh chặn hai chuyến hàng tên lửa do Iran gửi đến phiến quân Houthi ở Yemen. Các cuộc đối đầu giữa hai nước trong thời gian dài càng trở nên tồi tệ kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ, Iran và các quốc gia khác. Việc quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã làm ảnh hưởng đến kinh tế của Iran bởi các trừng phạt bủa vây đối với nước này.

Cho đến nay, các căng thẳng giữa Iran và Israel vẫn thường xuyên xảy ra từ các ảnh hưởng của Mỹ. Iran không hề muốn chiến tranh với Mỹ cho dù trong tư thế hoặc thua hoặc thắng. Tuy nhiên, Israel lại là quốc gia thay thế bất kỳ lúc nào Iran muốn phản đòn từ căng thẳng với Mỹ.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cai-co-iran-nam-thop-my-israel-la-manh-ghep-trong-con-gian-du-20200909163600772.htm