Cãi cùn thời COVID-19: Khó khăn lộ thói vô ý thức

Dù biết quy định 'chỉ ra ngoài khi thật cần thiết', nhưng không ít người vẫn tìm mọi cách 'cãi cùn', chống đối khi vấp phải sự kiên quyết của lực lượng chức năng.

Những ngày qua, báo chí và mạng xã hội liên tiếp đăng tải thông tin, video về các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch COVID-19, khiến người xem bức xúc.

Chiều 28/7, cặp vợ chồng "hổ báo" tranh cãi với cán bộ công an trực chốt ở chợ Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội). Họ rút điện thoại, dí vào mặt cảnh sát mà phát trực tiếp (live-stream) trên Facebook.

Đôi vợ chồng (ngoài cùng, bên phải) hành xử "xấu xí" tại chốt kiểm dịch

Đôi vợ chồng (ngoài cùng, bên phải) hành xử "xấu xí" tại chốt kiểm dịch

Vừa quay, họ vừa khiêu khích, chửi bới, hò hét kích động. Hành vi xấu xí đó chỉ dừng lại khi cặp đôi này bị lực lượng chức năng khống chế.

Ngày 29/7, xuất hiện hình ảnh clip một người phụ nữ đi xe máy, kéo tụt khẩu trang xuống để thách thức cán bộ công an ở chốt kiểm dịch trên địa bàn TP.HCM. Người phụ nữ xưng "mày-tao", thái độ bất cần, không chịu hợp tác.

Ngày 30/7, mạng xã hội lại xôn xao trước clip ghi cảnh một ông già không đeo khẩu trang, đứng tranh cãi với cán bộ công an ở chốt kiểm dịch trên đường Lạc Long Quân, thuộc địa phận phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đỉnh điểm của sự chống đối là người đàn ông cầm mũ cối đánh thẳng vào mặt và đầu của cán bộ công an, khiến anh chảy máu.

Tất cả vụ việc vi phạm quy định phòng dịch COVID-19, vi phạm pháp luật nói trên đều đã bị xử lý thích đáng.

Người phụ nữ "cãi cùn", bất tuân quy định phòng dịch đã bị khống chế

Người phụ nữ "cãi cùn", bất tuân quy định phòng dịch đã bị khống chế

Nhưng sau tất cả, chúng ta mới nhận ra rằng, hóa ra cái thứ đại dịch chưa từng có trong lịch sử này không chỉ gây ra vô số khó khăn, mà nó còn làm một số người bộc lộ lối hành xử vô ý thức, thiếu kỷ luật.

Có quy định "chỉ ra ngoài đường khi thực sự cần thiết" ư? Đi chợ thì phải mang theo phiếu phân phối để tránh tụ tập đông người ư?

Ai cũng biết - vì những nội dung đó đã được truyền đi rộng rãi trên đủ mọi phương tiện thông tin đại chúng - nhưng một số người vẫn sẵn sàng dùng "lý sự cùn" để cãi tay đôi (với lực lượng chức năng) một cách vô lối, cốt "chứng minh" rằng, việc gì của họ cũng xứng đáng là... thiết yếu!

Nếu cứ giữ thứ tư duy "ngoại lệ", "đem cái tình tranh cãi với cái lý", thì có lẽ chẳng quy định nào trên thế giới này có thể được thực thi.

Mà bi hài ở chỗ: Chính những người "cãi cùn" trước quy định phòng dịch ấy lại dễ buông lời cay nghiệt, chê bai, khi chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Làm sao có thứ "tiêu chuẩn kép" hoàn hảo, kiểu: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa không để người dân cảm thấy bức bách trong bốn bức tường, vừa này và vừa nọ?

Rõ ràng, trong bối cảnh phòng, chống dịch hiện nay - nhất là với dịch bệnh chưa có tiền lệ này - việc không tuân thủ quy định, thiếu ý thức cộng đồng sẽ dẫn tới hậu quả khó lường, cần phải lên án.

Hãy thử đặt mình ở vị trí nhà quản trị xã hội, để mỗi người thấy cái khó, cái áp lực khắc nghiệt mà họ đang phải đối mặt và giải quyết hằng ngày.

Cũng qua bài bình luận này, tôi xin góp thêm chút ý kiến gửi tới các nhà quản trị xã hội, để cuộc chiến đấu cam go với dịch bệnh sẽ thêm phần hiệu quả thì các chính sách cần tăng cường hỗ trợ người nghèo một cách thiết thực, để tránh cho họ rơi vào tình cảnh khốn cùng vì thiếu đồ ăn, thức uống.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các chương trình, kênh hỗ trợ tâm lý cho người dân đang ở trong tình trạng dãn cách, cách ly cũng rất quan trọng, để họ được giải tỏa tâm lý và cảm thấy dễ chấp nhận hơn khi phải sống trong hoàn cảnh bức bách.

Để chống lại đại dịch khó khăn này, chúng ta sẽ phải thử nghiệm nhiều cách thức đối phó khác nhau, bởi xin nhắc lại một lần nữa, SARS-CoV-2 là loại virus chưa-từng-có-trong-lịch-sử. Bởi thế, việc phản biện, góp ý cho các chính sách tốt hơn thì thực đáng quý, còn... chống đối, kiểu "cãi cùn đuối lý" thì xứng phải tẩy chay.

Trung Hiếu

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cai-cun-thoi-covid-19-kho-khan-lo-thoi-vo-y-thuc-ar627913.html