Cài đặt lại quan hệ đồng minh
Chuyến thăm kéo dài 3 ngày vừa qua của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Philippines đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu đời, vốn đã rạn nứt đáng kể trong 6 năm cầm quyền (2016 - 2022) của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Dưới thời ông Duterte, quan hệ Philippines - Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất với việc Manila đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) ký năm 1998 và Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký năm 2014. Dù quyết định này được ông Duterte đảo ngược vào năm 2021, quan hệ giữa hai nước đồng minh vẫn nguội lạnh.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã nồng ấm trở lại sau chưa đầy 5 tháng cầm quyền của người kế nhiệm Ferdinand Marcos Jr., khi một loạt cuộc gặp cấp cao song phương diễn ra với tốc độ chưa từng thấy. Phó Tổng thống Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Philippines kể từ khi ông Marcos nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua. Trước bà Harris, Tổng thống Marcos đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vào tháng 6, tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken tại Manila vào tháng 8 và có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Joe Biden vào tháng 9, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.
Theo giới phân tích, những cuộc gặp này cho thấy việc khởi động lại mối quan hệ với chính quyền mới ở Philippines là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden. Ngay trong cuộc gặp Tổng thống Marcos tại Điện Malacanang, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tái khẳng định mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, nhấn mạnh cam kết mang tính kiên định của Washington với Manila.
Bà Harris tới thăm đảo Palawan ở phía Tây Nam Philippines. Tại đây, bà nhắc lại rằng Washington ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) về Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh cần tôn trọng những quy định và luật lệ quốc tế trên Biển Đông. Theo đánh giá của Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), ông Gregory Poling, sự hiện diện của Phó Tổng thống Harris ở Palawan gửi đi một “tín hiệu rõ ràng” rằng Mỹ sẽ có những động thái nhằm củng cố và duy trì các cam kết liên minh trong khu vực.
Không chỉ khẳng định cam kết an ninh, chuyến đi của bà Harris cũng cập nhật các thỏa thuận quân sự quan trọng giữa hai nước. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, Phó Tổng thống Harris đã thảo luận với Tổng thống Marcos về tầm quan trọng và lợi ích mà hai nước nhận được khi mở rộng quy mô EDCA, thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ cất giữ các thiết bị và vật tư quốc phòng tại 5 căn cứ quân sự của Philippines, đồng thời cho phép quân đội Mỹ luân chuyển qua các căn cứ đó. Qua tham vấn, hai bên đã xác định được những địa điểm bổ sung mới theo đề xuất của Mỹ và đang hoàn thiện các kế hoạch cho bước tiếp theo. Giáo sư Aries Arugay của Đại học Philippines Diliman khẳng định đây là một thỏa thuận lớn và là một sự thay đổi lớn so với liên minh dưới thời chính quyền tiền nhiệm, cho thấy Mỹ đang thực sự xem Philippines là một phần quan trọng trong chiến lược địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nhân chuyến thăm, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực như y tế hay năng lượng sạch, nhất trí thành lập các diễn đàn mới về an ninh lương thực, đầu tư thiết lập mạng 5G, nâng cao kỹ năng cho công nhân Philippines làm việc trong ngành sản xuất công nghệ cao. Phó Tổng thống Harris tuyên bố khởi động các cuộc đàm phán liên quan hợp tác hạt nhân dân sự, trong khi Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ sẽ mở một văn phòng tại Manila để tạo điều kiện đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng, vốn là những ưu tiên chính của chính quyền Tổng thống Marcos.
Tất cả những điều này phản ánh nỗ lực của Washington nhằm củng cố mối quan hệ với đồng minh lâu đời nhất ở châu Á và cũng là mối quan hệ then chốt trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác này cũng được Philippines đón nhận và phản hồi nồng nhiệt.
Trong cuộc gặp với bà Harris, Tổng thống Marcos đã khẳng định, xuất phát từ mối quan hệ lâu đời, vững chắc và quan trọng giữa hai bên, tương lai của Philippines luôn bao gồm quan hệ với Mỹ. Theo ông, những biến động đang diễn ra, đặc biệt trong khu vực, cho thấy "những mối quan hệ đối tác này ngày càng trở nên quan trọng hơn”. Trước cuộc gặp, nhà lãnh đạo Philippines cũng khẳng định chuyến thăm của bà Harris đánh dấu sự phát triển trong quan hệ song phương.
Giáo sư Renato De Castro, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, nhận định chuyến thăm của bà Harris “mang tính biểu tượng, tượng trưng cho sự ủng hộ của Mỹ dành cho Philippines.” Hơn thế nữa, Mỹ còn có thể giúp Philippines nâng cao vị thế trên thế giới. Theo ông Stephen Cutler, cựu tùy viên pháp lý của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), “Mỹ và Philippines có thể cùng nhau hợp tác giúp Manila phát huy khả năng và có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và điều này sẽ có lợi cho tất cả các bên.”
Giới quan sát cũng cho rằng, những bài học về tình trạng căng thẳng trong quan hệ đồng minh dưới thời cựu Tổng thống Duterte, cũng như bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp khiến hai nước nhận thấy sự cần thiết phải củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương và hợp tác hướng tới tương lai. Giáo sư Gregory Winger thuộc Đại học Cincinnati và ông Julio Amador, Chủ tịch Hiệp hội vì lợi ích quốc gia ở Philippines đều đánh giá, để đối phó với các mối đe dọa mới nổi và những mối đe dọa phát sinh từ biến đổi khí hậu, Mỹ và Philippines cần phát triển quan hệ đối tác không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt chính trị.
Bên cạnh đó, việc cài đặt lại mối quan hệ với Washington cũng phù hợp với chính sách đối ngoại cân bằng quan hệ với các nước lớn mà chính quyền Tổng thống Marcos theo đuổi. Trước đó, ông đã khẳng định "lợi ích của người dân Philippines và lợi ích quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu và sẽ không bao giờ được thỏa hiệp". Theo các chuyên gia, đến nay, Tổng thống Marcos vẫn xử lý tốt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, khi vừa tìm cách duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ, vừa tiếp tục hợp tác về kinh tế với Trung Quốc mà không quá phụ thuộc vào siêu cường nào.
Nhìn chung, chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris đã thúc đẩy hơn nữa thông điệp rằng Mỹ ngày càng nghiêm túc trong việc cải thiện quan hệ với Philippines. Như nhận định của ông Daniel Russel, cựu cố vấn Nhà Trắng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, "đầu tư vào tiếp xúc cấp cao là bước đi hợp lý để khôi phục hợp tác sâu sắc trên mọi lĩnh vực với một đồng minh trẻ trung, đông dân, thịnh vượng và giữ vị trí chiến lược". Có thể nói, sau 6 năm bất ổn, chuyến thăm này sẽ giúp quan hệ giữa Mỹ và Philippines một lần nữa sát cánh “vai kề vai”.