'Cái gì cũng mang lên mạng xã hội' có thể là vấn đề tâm lý
Với thời đại bùng nổ của công nghệ số, mọi người thường có xu hướng chia sẻ tất cả mọi thứ lên mạng xã hội, đôi khi là chia sẻ quá mức và gây ra nhiều hệ lụy, The Guardian đưa tin.
Shally Love đã chia sẻ với The Guardian về câu chuyện kết bạn của cô như sau: "Gần đây tôi có một người bạn mới và chúng tôi đã nhanh chóng trở thành bạn bè trên Instagram. Từ những bài đăng của cô ấy, tôi biết được cô ấy thường làm gì vào cuối tuần và cô ấy thích nấu món gì. Điều này giúp tôi thân với cô ấy hơn mặc dù chúng tôi không gặp nhau thường xuyên".
Khi Shally tìm hiểu về sở thích của bạn mình, cô đã biết được bạn mình có bao nhiêu anh, em trai và Shally nhận thấy rằng việc chia sẻ thông tin cá nhân đã rất phát triển và điều này khiến cô lo lắng.
"Những bức ảnh hoặc những dòng trạng thái mà tôi chia sẻ không suy nghĩ lâu có thể đã từng được coi là chia sẻ quá mức cuộc sống của mình? Ai cần phải biết tôi mua gì tại chợ nông sản hoặc tôi đã đợi tàu điện ngầm bao lâu? Nhưng bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy, thậm chí nhiều hơn. Vậy liệu đây có phải là hành động chia sẻ quá mức lên mạng xã hội? Chúng ta cần phải chia sẻ bao nhiêu về cuộc sống của mình để bị cho là quá mức", Shally lo lắng.
Chia sẻ quá mức
Một bài báo từ Psychological Reports đã công bố thang đo tâm lý đầu tiên nhằm đo lường hành vi chia sẻ quá mức. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một bảng câu hỏi cho thanh thiếu niên với chủ đề chính: họ đã đưa bao nhiêu suy nghĩ, cảm xúc và các sự kiện trong cuộc sống cá nhân lên mạng xã hội.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng việc chia sẻ quá mức mọi thứ lên mạng xã hội không chỉ là một hiện trạng mà còn cho thấy những người này đang mắc một số bệnh về tâm lý.
Định nghĩa về việc chia sẻ quá mức được đưa ra bởi một bài báo tâm lý học năm 2012. Trong đó, các nhà nghiên cứu gọi đó là "sự chia sẻ hào phóng quá mức về cuộc sống riêng tư". Nếu một thứ gì đó được coi là chia sẻ chứ không phải là chia sẻ quá mức thì đó gần như là một đánh giá chủ quan và chỉ phụ thuộc vào bối cảnh, thời đại nhất định.
Ví dụ, những người có ảnh hưởng thường chia sẻ rất nhiều vì họ được trả tiền để làm như vậy. Nhưng với thời đại công nghệ số, những người bình thường cũng đã có được nhiều không gian hơn để chia sẻ.
Cách thức và số lượng mọi người chia sẻ trực tuyến có thể khác với cuộc sống thực của họ. Nhà xã hội học Ben Agger đã viết trong cuốn sách Chia sẻ quá mức như sau: Sự thể hiện về bản thân trong thời đại Internet cho thấy một người chia sẻ quá mức trên mạng đang tiết lộ “nhiều cảm xúc, quan điểm và giới tính bên trong của họ hơn là khi gặp trực tiếp hoặc thậm chí nói chuyện điện thoại”.
Trên mạng “hầu như không có gì là không thể chia sẻ”, Reza Shabahang, nhà tâm lý học tại Đại học Tehran, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu về quy mô đo lường hành vi chia sẻ quá mức, cho biết.
Để tìm hiểu thêm về cách mọi người chia sẻ trực tuyến, Shabahang và các đồng nghiệp đã làm một khảo sát với 352 thanh thiếu niên ở Iran. Đầu tiên, họ hỏi những thanh thiếu niên này về tần suất họ đăng cảm xúc, ý kiến và mọi thứ liên quan đến cuộc sống của mình lên mạng xã hội.
Sau khi có được số liệu, các nhà nghiên cứu hỏi họ có thật sự thích chia sẻ những thông tin này không, họ thường đăng bao nhiêu bài về cuộc sống cá nhân của mình và họ nghĩ rằng có điều gì là “quá riêng tư” để tiết lộ trên mạng hay không.
Những thanh thiếu niên chia sẻ nhiều trên mạng có mức độ lo lắng và xu hướng tìm kiếm sự chú ý cao hơn. Họ cũng cảm thấy gắn bó quá mức với mạng xã hội, nhiều người luôn thấy có “sự thôi thúc mãnh liệt muốn đăng bài”.
Chia sẻ quá mức xuất hiện dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như sadfishing - đây là hành vi chia sẻ trực tuyến tiêu cực với mục đích thu hút sự chú ý hoặc sự đồng cảm từ người khác.
Vào năm 2023, Shabahang và đồng nghiệp đã phát triển một bảng câu hỏi sadfishing trên mạng xã hội và phát hiện rằng hành vi này cũng liên quan đến trầm cảm và nhu cầu tìm sự chú ý. Điều này khớp với một nghiên cứu khác từ năm 2018, những người có mức độ lo lắng xã hội cao hơn thường có khả năng tham gia vào những hành vi mà tác giả gọi là "tự tiết lộ độc hại".
Shabahang cho biết việc chia sẻ có thể gây ra những tác dụng tiêu cực về mặt tinh thần vì nó có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm cuộc sống thực tế. Ví dụ, trong một cuộc tụ tập, một người “mải mê chụp một bức ảnh đẹp” để đăng lên mạng xã hội sẽ khiến "họ mất đi niềm vui thực sự khi dành thời gian với bạn bè của mình".
Chia sẻ cũng là cách để phát triển các mối quan hệ
Thang đo tâm lý đo lường hành vi chia sẻ quá mức của Shabahang và các đồng nghiệp dựa trên một khái niệm tâm lý học từ năm 1973 được gọi là lý thuyết thâm nhập xã hội (SPT) của Irwin Altman và Dalmas Taylor.
Altman và Taylor cho rằng “sự bộc lộ bản thân” rất quan trọng, có thể giúp mọi người phát triển các mối quan hệ. Theo thời gian, mọi người tiết lộ nhiều thông tin cá nhân hơn. Trong SPT, có hai cách để tự tiết lộ: theo chiều rộng - số lượng chủ đề bạn chia sẻ và theo chiều sâu - nghĩa là bạn đi sâu vào một chủ đề như thế nào. Chiều rộng thường đến trước rồi đến chiều sâu.
Emmelyn Croes, trợ lý giáo sư tại Đại học Tilburg, người nghiên cứu cách mọi người làm quen với nhau thông qua công nghệ, cho biết: “Mọi người thường muốn mức độ thân mật của mình và người khác là như nhau. Nghĩa là họ sẽ không muốn chia sẻ những chi tiết quá riêng tư nếu đối phương không chia sẻ ngược lại”.
Một người giấu tên (23 tuổi) khi được hỏi về việc chia sẻ quá mức trên mạng xã hội, cô chia sẻ rằng thực tế mỗi người đều có nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Ví dụ như trên Instagram, việc một người có tài khoản riêng tư, tài khoản công khai và các tài khoản clone là điều bình thường.
Cô nhận định rằng việc chia sẻ quá mức trên tài khoản chính thường bị mọi người soi mói - đó là nơi mà những bức ảnh phải được lựa chọn cẩn thận trước khi đăng. Còn với tài khoản riêng tư hoặc tài khoản clone thường được sử dụng để đăng nhiều hơn mà không bị đánh giá quá mức từ người khác.
Việc tiết lộ thông tin về bản thân là một phần trong cách chúng ta thể hiện con người mình với mọi người. Nhà xã hội học Erving Goffman đã lập luận rằng sự thể hiện bản thân trong cuộc sống hàng ngày và việc thể hiện bản thân trước người khác là một quá trình ấn tượng, chia sẻ là một cách để kiểm soát những gì người khác nghĩ về chúng ta.
Vì vậy, chia sẻ trực tuyến không phải là điều xấu: khi tương tác trực tiếp hoặc trực tuyến giúp mọi người hiểu nhau hơn. Goffman gọi những nguồn thông tin này là “phương tiện biểu hiện”, bao gồm bối cảnh nơi bạn gặp người đó, ngoại hình của họ, cách họ tương tác với bạn. Những thông tin này không chỉ giải đáp sự tò mò mà còn giúp xác định những gì mọi người có thể mong đợi ở đối phương.
Khi hỏi một người không có tài khoản mạng xã hội xem cô có gặp phải bất kỳ bất tiện nào không, cô cho biết đôi khi cô cảm thấy bị bỏ rơi khỏi cuộc sống khi có những sự kiện diễn ra mà cô không hề hay biết.
Nguồn Znews: https://znews.vn/chia-se-qua-muc-len-mang-xa-hoi-post1457096.html