Cái giá công ty Mỹ phải trả sau làn sóng sa thải

Ngoài khoản bồi thường thôi việc, việc sa thải nhân viên còn phát sinh những vấn đề tiềm ẩn như giảm năng suất lao động hay vướng phải rủi ro pháp lý.

 Sa thải hàng loạt nhân viên thực chất có thể mang nhiều bất lợi cho công ty. Ảnh minh họa: Washington Post illustration; iStock.

Sa thải hàng loạt nhân viên thực chất có thể mang nhiều bất lợi cho công ty. Ảnh minh họa: Washington Post illustration; iStock.

Khi Meta, công ty sở hữu các nền tảng nổi tiếng bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp, sa thải 11.000 nhân viên vào tháng 11/2022, họ đã trả 975 triệu USD tiền trợ cấp thôi việc, trung bình hơn 88.000 USD/người.

Công ty tuyên bố rằng tác động của những chi phí này "không đáng kể" vì nó được bù đắp bằng số tiền công ty tiết kiệm được trong bảng lương, tiền thưởng và các phúc lợi khác của nhân viên.

Tuy nhiên, sa thải còn kéo theo những "chi phí ẩn" đáng lo ngại. Dưới đây, Bloomberg đã phân tích hàng trăm hồ sơ nộp lên SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ) và tham khảo ý kiến các chuyên gia để đánh giá những chi phí trực tiếp và gián tiếp của việc sa thải nhân viên.

 Các công ty chăm sóc sức khỏe thường có khoản trợ cấp thôi việc cao nhất, theo dữ liệu của Randstad, công ty tuyển dụng và tư vấn nhân sự toàn cầu. Ảnh: Karolina Kaboompics/Pexels.

Các công ty chăm sóc sức khỏe thường có khoản trợ cấp thôi việc cao nhất, theo dữ liệu của Randstad, công ty tuyển dụng và tư vấn nhân sự toàn cầu. Ảnh: Karolina Kaboompics/Pexels.

Trợ cấp thôi việc

Không phải người lao động nào bị cắt giảm đều được bồi thường. Theo một cuộc khảo sát của công ty tuyển dụng Randstad NV của Hà Lan, chỉ một phần tư các công ty ở Mỹ cung cấp gói trợ cấp thôi việc cho tất cả nhân viên. Trên toàn cầu, con số này là 42%.

Những người được trợ cấp thôi việc thường nhận được một số tuần lương nhất định cho mỗi năm làm việc, đi kèm với các phúc lợi chăm sóc sức khỏe và thời gian nghỉ phép tích lũy.

Do đó, khoản thanh toán mất việc có thể khác nhau rất nhiều tùy theo từng người lao động.

Một phân tích của Bloomberg cho thấy mức trợ cấp thôi việc trung bình tại các công ty niêm yết tại Mỹ là khoảng 40.000 USD cho mỗi nhân viên.

Trong khi các công ty bắt đầu cung cấp các gói thôi việc trong thời kỳ đại dịch Covid-19, xu hướng này đã đảo ngược khi dịch bệnh đã thuyên giảm.

Theo Bloomberg, công ty hào phóng nhất là Theseus Pharmaceuticals Inc., khi đã chi trả các gói trợ cấp thôi việc trung bình gần 212.000 USD cho mỗi trong 26 công nhân mà công ty đã sa thải vào tháng 11/2023.

 Nhân viên còn lại sau sa thải đối mặt với căng thẳng lớn. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

Nhân viên còn lại sau sa thải đối mặt với căng thẳng lớn. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

Năng suất giảm

Việc sa thải thường dẫn đến năng suất giảm ở những nhân viên còn lại, những người có tinh thần sa sút và khối lượng công việc tăng lên dẫn đến các vấn đề về chất lượng công việc và tỷ lệ mắc lỗi cao hơn.

ActivTrak, một công ty giám sát hoạt động của nhân viên, đã chia sẻ dữ liệu độc quyền với Bloomberg cho thấy, trung bình, thời gian làm việc hiệu quả của mỗi nhân viên giảm gần một giờ mỗi ngày sau khi sa thải, tương đương khoảng 18 giờ mỗi tháng.

Lấy mức lương trung bình là 60.000 USD, hoặc 28,85 USD/giờ làm việc ActivTrak ước tính rằng chi phí năng suất bị mất khoảng 519 USD/tháng cho mỗi nhân viên còn lại. Đối với một công ty có 100 nhân viên, điều này tương đương với hơn 50.000 USD tiền lỗ hàng tháng.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng năng suất vẫn sẽ sụt giảm bất kể quy mô sa thải, mặc dù đa số các công ty đã trở lại mức bình thường trong vòng sáu tháng. Tuy nhiên, phản ứng của nhân viên có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào văn hóa làm việc của công ty, theo Gabriela Mauch, giám đốc khách hàng của ActivTrak.

 Việc công ty sa thải còn có thể khiến thêm nhiều nhân viên tự nguyện rời đi. Ảnh minh họa: RDNE/Pexels.

Việc công ty sa thải còn có thể khiến thêm nhiều nhân viên tự nguyện rời đi. Ảnh minh họa: RDNE/Pexels.

Tự nguyện nghỉ việc

Việc sa thải thường tạo ra một môi trường làm việc bất ổn, với những nhân viên còn lại cảm thấy quá tải và tiêu cực vì phải làm thêm việc mà không được tăng lương.

Nhiều người thậm chí còn tìm việc mới, khiến tinh thần làm việc giảm sút ở hơn hai phần ba công ty trong vòng một năm, theo Hiệp hội Quản lý Mỹ.

Nghiên cứu của các giáo sư Charlie Trevor và Anthony Nyberg phát hiện ra rằng cắt giảm nhân sự thường khiến nhiều nhân viên tự nguyện nghỉ việc hơn dự kiến, điều này có thể tốn kém hơn chính việc sa thải.

Các công ty tiết kiệm được tiền lương nhưng phải đối mặt với chi phí cao từ việc từ chức bất ngờ, quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Ví dụ, trong một công ty có 10.000 nhân viên, tỷ lệ luân chuyển lao động bình thường là khoảng 19%, nghĩa là 1.900 nhân viên nghỉ việc mỗi năm. Nếu công ty sa thải 10% nhân viên, tỷ lệ từ chức tăng 49%, thêm 931 người nghỉ việc vì việc sa thải.

Chi phí thay thế những nhân viên này gấp khoảng 1,25 lần lương của họ. Với mức lương trung bình là 65.000 USD, mỗi lần thay thế tốn 81.250 USD, dẫn đến khoản chi phí bất ngờ là 75,6 triệu USD cho công ty.

 Công ty còn phải gánh thêm phần thuế bảo hiểm thất nghiệp khi sai thải nhân viên. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Công ty còn phải gánh thêm phần thuế bảo hiểm thất nghiệp khi sai thải nhân viên. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Thuế bảo hiểm thất nghiệp tăng

Tại Mỹ, bảo hiểm thất nghiệp, được tài trợ bởi thuế của tiểu bang đối với người sử dụng lao động, hỗ trợ những người lao động mất việc không phải do lỗi của họ.

Tác động về thuế của việc sa thải thay đổi tùy theo tiểu bang và phụ thuộc vào các yếu tố như lần sa thải trước đó và thời hạn hưởng trợ cấp. .

Robert Pavosevich, cựu chuyên gia tính toán bảo hiểm tại Bộ Lao động, đã tạo ra một máy tính để ước tính ảnh hưởng của một lần sa thải đối với tỷ lệ thuế bảo hiểm thất nghiệp của một chủ lao động trong năm tiếp theo.

Ví dụ, một công ty Texas sa thải 5% lực lượng lao động của mình đã đối mặt với khoản thuế bảo hiểm thất nghiệp là 93 USD cho mỗi nhân viên trong năm tiếp theo. Đối với một công ty có 10.000 nhân viên, con số này sẽ lên tới gần 1 triệu USD.

 Công ty phải tốn thêm một khoản tiền để xử lý các vấn đề pháp lý từ việc sa thải. Ảnh minh họa: Taha Samet Arslan/Pexels.

Công ty phải tốn thêm một khoản tiền để xử lý các vấn đề pháp lý từ việc sa thải. Ảnh minh họa: Taha Samet Arslan/Pexels.

Chi phí pháp lý
Để giảm rủi ro pháp lý từ sa thải, các công ty thường chi ít nhất 5.000 USD cho các chuyên gia thống kê phân tích dữ liệu để đảm bảo tính công bằng.

Nếu báo cáo cho thấy có khả năng phân biệt đối xử, công ty có thể cần điều chỉnh danh sách sa thải và chạy phân tích nhiều lần.

Ngoài ra, các công ty còn có thể cần thuê luật sư với mức lương 500 USD/giờ hoặc nhiều hơn để đảm bảo tuân thủ WARN notices (Yêu cầu pháp lý tại Mỹ đối với những người sử dụng lao động có kế hoạch sa thải hàng loạt hoặc đóng cửa nhà máy) và xem xét hồ sơ nhân sự để tìm các khiếu nại phân biệt đối xử tiềm ẩn.

Bất chấp các biện pháp phòng ngừa này, việc sa thải vẫn có thể dẫn đến các vụ kiện tụng, bao gồm cả các vụ kiện tập thể làm phát sinh thêm chi phí pháp lý.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cai-gia-cong-ty-my-phai-tra-sau-lan-song-sa-thai-post1495406.html